Trên vùng lãnh thổ Tokelau thuộc New Zealand, 1.400 cư dân tại đây tuân theo một hệ thống có tên inati, giúp bảo đảm mọi hộ gia đình đều nhận được cá sau mỗi chuyến đánh bắt.
Vài lần mỗi tháng, tất cả đàn ông ở Tokelau lại cùng nhau ra khơi. Các ngư dân khởi hành lúc nửa đêm. Mỗi chuyến đánh cá kéo dài 12 giờ.
Toàn bộ chiến lợi phẩm sau đó được phân thành các loại cá với kích cỡ khác nhau. Những gia đình đông người sẽ được nhận phần chia lớn hơn.
Trên khắp Thái Bình Dương, cách đánh cá truyền thống của người bản địa từ lâu đã tồn tại song song với hoạt động khai thác cá thương mại.
Khu vực Thái Bình Dương xuất khẩu 530.000 tấn sản phẩm hải sản trong năm 2019, giá trị 1,2 tỷ USD.
Những nước xuất khẩu lớn nhất là Papua New Guinea (470 triệu USD), Fiji (182 triệu USD), Micronesia (130 triệu USD), Vanuatu (108 triệu USD) và Quần đảo Solomon (101 triệu USD).
Trong khi đó, những nước nhập khẩu hải sản lớn nhất từ Thái Bình Dương gồm Philippines (195 triệu USD), Nhật Bản (130 triệu USD), Trung Quốc (100 triệu USD) và Mỹ (100 triệu USD).
Ngành công nghiệp đánh cá từng là câu chuyện thành công của khu vực Thái Bình Dương. Nhưng giờ đây, hoạt động đánh bắt cá trái phép, mà thủ phạm chính là đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc, đang biến các quốc gia trong khu vực thành nạn nhân, theo Guardian.
Hoạt động trái phép của tàu cá Trung Quốc đe dọa các nước ở Thái Bình Dương. Ảnh: Getty. |
Ngư trường màu mỡ nhất thế giới
Năm 1982, 8 quốc gia Thái Bình Dương ký kết Thỏa thuận Nauru, theo đó các nước có thể cùng nhau đàm phán, cho phép tàu cá nước ngoài vào đánh cá trong vùng biển ở khu vực. Hình thức cho thuê ngư trường này mang về 500 triệu USDmỗi năm.
Nhưng những năm gần đây, Thái Bình Dương - ngư trường được coi là màu mỡ nhất thế giới, cung cấp hơn 50% sản lượng cá ngừ toàn cầu - đang trở thành nạn nhân của đánh cá bất hợp pháp. 20% sản lượng cá tại khu vực bị khai thác trái phép.
Các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương không có khả năng quản lý hiệu quả vùng biển thuộc quyền chủ quyền của họ. Điều này không chỉ làm thất thoát nguồn lợi nhuận trực tiếp từ khai thác hải sản, mà nguồn cá trên vùng biển của họ cũng bị khai thác cạn kiệt.
Những nước này cũng thường đối mặt lệnh trừng phạt từ các nước nhập khẩu, vì không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của sản phẩm.
Khu vực Thái Bình Dương là ngư trường màu mỡ nhất thế giới. Ảnh: Los Angeles Times. |
17 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Thái Bình Dương trực tiếp quản lý vùng lãnh hải của họ. Bên ngoài lãnh hải là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) được quản lý và điều phối bởi một tổ chức liên chính phủ có tên Cơ quan Diễn đàn Thủy sản (FFA).
Sản lượng thủy sản khai thác từ vùng EEZ của các nước Thái Bình Dương mỗi năm có giá trị khoảng 26 tỷ USD, nhưng chỉ 10% trong số này đến tay các quốc gia trong khu vực.
Tại khu vực Thái Bình Dương, chỉ một số ít quốc gia có khả năng chế biến thủy sản để xuất khẩu sản phẩm có giá trị lớn hơn. Quy trình chế biến diễn ra chủ yếu trên các tàu cá công nghiệp nước ngoài, hoặc ở các thành phố châu Á khác như Bangkok hay Manila.
Bản thân các nước Thái Bình Dương cũng không có nhiều đội tàu đánh cá. Họ chủ yếu kiếm tiền nhờ cấp phép cho tàu nước ngoài khai thác trong khu vực.
Vùng biển nằm ngoài khu vực EEZ - vùng biển quốc tế không thuộc quyền chủ quyền của quốc gia nào, nằm dưới sự giám sát của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC).
Năm 2019, sản lượng khai thác cá ngừ ở vùng biển quốc tế tại Thái Bình Dương là gần 3 triệu tấn, chiếm 55% sản lượng cá ngừ của thế giới. Những nước có đội tàu lớn hoạt động ở khu vực này là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tàu cá Trung Quốc thống trị khu vực
Trong 2 thập kỷ qua, tàu cá Trung Quốc thống trị các ngư trường trên vùng biển khu vực Thái Bình Dương.
Tàu cá Trung Quốc đi theo đội hình dài tới 100km, mỗi chiếc có 3.000 lưỡi câu. Những tàu này dùng thiết bị điện tử để xác định vị trí đàn cá, sau đó dùng tàu cao tốc để quây lưới câu quanh đàn cá.
Trong quá trình đánh bắt cá, không ít tàu vô tình giết hại cá mập, cá heo và nhiều loài cá biển khác.
Sau khi đánh bắt cạn kiệt nguồn thủy sản tại các vùng biển gần đại lục, đội tàu cá Trung Quốc những năm qua ồ ạt tiến về ngư trường màu mỡ nhất thế giới ở Thái Bình Dương. Từ 2012, đội tàu cá Thái Bình Dương của Trung Quốc đã mở rộng hơn 500%.
Điều tra về tàu cá hoạt động ở Thái Bình Dương năm 2016 cho thấy số tàu cá mang cờ Trung Quốc vượt xa mọi quốc gia khác. Trung Quốc có 290 tàu cá công nghiệp được cấp phép, chiếm hơn 25% tổng số tàu cá công nghiệp hoạt động ở khu vực.
Các đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc hoàn toàn thống trị vùng biển quốc tế cũng như EEZ của nhiều quốc gia như Vanuatu.
Ngoài cá ngừ vây vàng và albacore, tàu cá Trung Quốc cũng đánh bắt cá mập để lấy vây, phần còn lại bị họ thải ra ngay trên biển.
Một tàu cá Trung Quốc hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters. |
Trong 10 năm qua, Trung Quốc tìm cách chấm dứt hoạt động mua bán cá mập, thông qua lệnh cấm tiêu thụ súp cá mập. Tuy nhiên, số lượng đàn cá mập ngày càng suy giảm cho thấy hiệu quả hạn chế của nỗ lực này.
Theo thống kê của WCPFC, Trung Quốc có 600 tàu cá được cấp phép, trong tổng số 1.300 tàu cá nước ngoài hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương.
Đầu năm 2021, Trung Quốc ra lệnh cấm tàu cá nước này khai thác mực ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trong vòng 3 tháng để nguồn thủy sản có thời gian phục hồi.
Các ước tính cho thấy Trung Quốc có khoảng 1.600-3.400 tàu cá. Tuy nhiên, nghiên cứu của ODI cho thấy số tàu cá Trung Quốc thực tế cao gấp 5-8 lần.
Trong giai đoạn 2017-2018, khoảng 12.490 tàu cá Trung Quốc đã hoạt động bên ngoài các vùng biển của Trung Quốc, nghiên cứu của ODI cho biết.
Đe dọa chưa từng có từ tàu cá Trung Quốc
Tàu cá Trung Quốc đối mặt vô số cáo buộc đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được kiểm soát (IUU).
Tháng 1 vừa qua, Viện Brookings công bố nghiên cứu, dựa trên thông tin từ các cơ quan quản lý, giới công nghiệp và truyền thông, cho biết "hoạt động đánh cá của Trung Quốc tạo ra đe dọa trầm trọng chưa từng có về IUU".
Nghiên cứu của Viện Brookings cho biết nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong nước, dẫn tới việc Trung Quốc triển khai đội tàu cá khổng lồ càn quét khắp thế giới, đã gây ra "tác động tàn phá" cho những ngư trường màu mỡ.
Hồi đầu năm 2020, Ecuador cáo buộc ít nhất 150 tàu cá Trung Quốc tắt hệ thống định vị khi hoạt động trái phép gần quần đảo Galapagos.
Tới tháng 4/2020, Cục Kiểm ngư Trung Quốc tuyên bố sẽ cấm mọi tàu cá và thuyền trưởng bị phát hiện đánh cá trái phép, không khai báo, không kiểm soát, bất kể khu vực hoạt động.
Nhưng các nhà quan sát hoài nghi hiệu quả lệnh cấm của Trung Quốc; bởi tới nay, tàu cá nước này vẫn tiếp tục tắt thiết bị theo dõi khi đánh cá ở Thái Bình Dương.
Cá mập bị đánh bắt trái phép trên tàu Trung Quốc bị phát hiện ở vùng biển Đông Timor. Ảnh: Getty. |
Đánh cá trái phép, không khai báo, không kiểm soát là vấn đề nghiêm trọng với các nước đang phát triển nói chung, và các nước nhỏ ở Thái Bình Dương nói riêng.
Báo cáo năm 2019 của World Resources Institute cho biết khoảng 7,2 triệu tấn thủy sản bị khai thác trái phép, không khai báo, không kiểm soát mỗi năm, trị giá 4,3 tỷ-8,3 tỷ USD.
Khoản thất thu vì đánh cá trái phép là một trong những nguyên nhân khiến các nước nhỏ, có xuất khẩu phụ thuộc nặng nề vào thủy sản, kiệt quệ về kinh tế; đồng thời hệ sinh thái của những nước này cũng bị hủy hoại.
Việc các nước Thái Bình Dương không đủ khả năng đối phó với tình trạng đánh cá trái phép cũng khiến họ trở thành nạn nhân các lệnh trừng phạt của EU.
"Thiệt hại cho các nước đang phát triển không chỉ về mặt kinh tế bởi họ mất nguồn thu từ cấp phép, mà còn là thiệt hại về tài nguyên dự trữ", Transform Aqorau, Đại sứ Quần đảo Solomon tại Mỹ, cho biết.
Theo Zing