Bốn chiến lược cấp bách chống dịch tại TP.HCM

Chủ nhật, 27/06/2021, 07:47
TP.HCM đang tiến hành song song 4 mũi chiến lược chống dịch, đều yêu cầu cấp bách, là tăng cường xét nghiệm diện rộng, truy vết, nâng năng lực điều trị, tiêm vaccine phòng Covid-19.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định: "Đây là thời điểm thử thách năng lực thành phố, khi vừa truy vết, cách ly, xét nghiệm, vừa điều trị, tiêm vaccine ngừa Covid-19".

Nhận định này được ông Bỉnh đưa ra trong cuộc họp báo ngày 25/6 về tình hình Covid-19 trên địa bàn. Khi ấy, TP.HCM hơn 2.900 ca nhiễm. Đến sáng 27/6, số ca nhiễm tại thành phố đã vượt 3.000, xếp thứ hai cả nước về tổng ca nhiễm trong đợt dịch này, chỉ sau Bắc Giang.

Ông Bỉnh cho biết, TP.HCM đang điều phối hàng nghìn nhân lực y tế tham gia vào nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Ngoài nguồn lực tại chỗ, thành phố nhận được chi viện từ Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống Covid-19 của Bộ Y tế, những đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trên địa bàn...

Thần tốc tiêm hơn 800.000 liều vaccine Covid-19

Thành phố khởi động chiến dịch tiêm 806.000 liều vaccine ngừa Covid-19 đợt 4, từ ngày 19/6, lớn nhất cả nước từ trước đến nay. Ngành y tế huy động hơn 1.000 đội tiêm, mỗi đội ít nhất 5 người gồm hai bác sĩ, ba điều dưỡng và hơn 10 người làm hành chính, trật tự...

Trong những ngày đầu, việc triển khai gặp một số khó khăn nhưng từ ngày 22/6, tiến độ tiêm chủng được đẩy nhanh, với "công suất một ngày hơn một tháng", theo ông Bỉnh. Đến hết ngày 24/6, thành phố tiêm hơn 404.700, đạt một nửa số vaccine được giao. Ngành y tế tăng tốc tiêm trong hai ngày 25 và 26, dự kiến hoàn thành chiến dịch ngày 27/6.

Trong ba đợt tiêm vaccine trước đó, bắt đầu từ ngày 8/3, thành phố tiêm hơn 145.300 liều cho các nhóm ưu tiên theo nghị quyết 21.

Nâng số giường điều trị Covid-19 lên 10.000

Người đứng đầu ngành y tế TP.HCM cho biết thành phố luôn chủ động thiết lập giường điều trị. Trước đây, khi bệnh nhân còn ít, thành phố lên kế hoạch 1.000 giường, mở Bệnh viện Dã chiến Củ Chi 300 giường, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ 600 giường.

Cuối tháng 5, số ca mắc cộng đồng tại TP.HCM bắt đầu tăng, sau khi phát hiện ổ dịch liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng, thành phố chuẩn bị gần 2.000 giường, gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM 400 giường, Phạm Ngọc Thạch 500 giường, Nhi đồng Thành phố 100 giường.

Tiếp đó, Điều trị Covid-19 Củ Chi tham gia hệ thống điều trị với 500 giường, Nhi đồng 2 thiết lập đơn vị 60 giường, Chợ Rẫy nâng công suất thành 100 giường hồi sức. Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương 1.000 giường tiếp nhận bệnh từ 19/6, nâng số giường điều trị Covid ở TP.HCM được nâng lên 3.500.

Khi số ca mắc lên hơn 2.000, nhiều bệnh viện sắp hết giường, ngày 24/6, Sở Y tế trưng dụng hai bệnh viện, đưa tổng số giường lên bằng kịch bản 5.000 ca, gồm Điều trị Covid-19 Bình Chánh 500 giường, Điều trị Covid-19 Thủ Đức 1.000 giường. Sở Y tế ngày 26/6 quyết định lập hai bệnh viện dã chiến từ hai ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, nâng số giường điều trị Covid-19 lên 10.000.

Thành phố cũng quyết định áp dụng mô hình điều trị theo hình "tháp ba tầng" từng được Bộ Y tế triển khai tại tỉnh Bắc Giang. Tầng một là các bệnh viện dã chiến điều trị ca nhẹ hoặc không có triệu chứng, tầng hai là các bệnh viện được chuyển đổi công năng, tiếp nhận các ca có triệu chứng, tầng ba là các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp nặng và nguy kịch.

Nâng công suất xét nghiệm lên 500.00 mẫu mỗi ngày

Trước tình hình các ca Covid-19 liên tục được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện, chưa rõ nguồn lây, thành phố tăng tốc xét nghiệm 500.000 mẫu mỗi ngày, từ ngày 26/6 đến 5/7 nhằm chủ động đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng.

Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu gộp 10-15, tức lấy mẫu xét nghiệm của 10 hoặc 15 người vào một nhóm. Nhóm mẫu nào có kết quả dương tính tức là có thể một hay nhiều mẫu trong nhóm dương tính. Khi đó, cả nhóm sẽ lập tức cách ly và tiến hành lấy mẫu làm lại lần thứ hai xác định ca dương tính.

Chiến lược xét nghiệm được thành phố điều chỉnh linh hoạt qua từng giai đoạn chống dịch. Trước đó, TP.HCM chủ yếu sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn. Đầu năm nay, TP.HCM áp dụng xét nghiệm mẫu gộp, tầm soát toàn bộ dân ở một số nơi nguy cơ. Hồi tháng 2, chiến lược xét nghiệm thần tốc khi đã khoanh vùng được nguồn lây chính là yếu tố quyết định giúp kiểm soát chuỗi lây nhiễm sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngày 30/5, thành phố nâng công suất lên 100.000 mẫu một ngày, xét nghiệm trên diện rộng toàn thành phố, ưu tiên những khu vực nguy cơ cao, chủ yếu theo hình thức mẫu gộp nhằm phát hiện nhanh các ca mắc, sau khi phát hiện ổ dịch lớn nhất liên quan nhóm Truyền giáo Phục hưng.

Hiện, thành phố kết hợp test nhanh kháng nguyên, RT-PCR mẫu đơn và mẫu gộp, tùy từng trường hợp và khu vực, nỗ lực trả kết quả xét nghiệm nhanh để khống chế dịch một cách nhanh nhất, không để chậm trễ dẫn đến lây lan.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng ở quận Bình Tân, tối 22/6. Ảnh: Hữu Khoa.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng ở quận Bình Tân, tối 22/6. Ảnh: Hữu Khoa.

Truy vết nhanh, phong tỏa rộng, mở mới các khu cách ly tập trung

TP.HCM lập thêm ba khu cách ly tập trung tại Khu B - ký túc xá Đại học Quốc gia, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Cao đẳng Công thương, ngày 22/6.

Ngoài các khu cách ly tập trung tại các ký túc xá và các khu của quân đội, TP.HCM còn có 46 khách sạn làm nơi cách ly thu phí, tổng cộng gần 3.200 phòng. Thành phố dự kiến khi mở rộng tối đa các khu cách ly có thể đáp ứng 30.000 chỗ cách ly.

Từ khi Covid-19 bùng phát, thành phố luôn theo phương châm điều tra truy vết nhanh, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm nguồn lấy.

Đối với các khu vực đang phong tỏa quanh ổ dịch, chính quyền địa phương phối hợp y tế đánh giá tình hình dịch tễ. Nếu nhận định có nguy cơ cao, tiếp tục lây lan trong cộng đồng thì có thể mở rộng phạm vi phong tỏa trên diện rộng, theo các khu phố hoặc phường để kiểm soát dịch.

Theo VNE

Các tin cũ hơn