Quan chức tuần duyên Philippines hy vọng đơn vị 81 nữ sĩ quan vận hành vô tuyến điện mới – gọi là “Những thiên thần biển cả” – sẽ góp phần ngăn tàu nước ngoài vào vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền.
Chuẩn đô đốc Ronnie Gil Gavan, người nghĩ ra “Những thiên thần của biển cả”, cho rằng tính “mẫu hệ” trong xã hội châu Á là sức hút của chiến dịch này. Họ hy vọng các nữ sĩ quan gợi nhớ đến hình ảnh những người mẹ, người vợ trong văn hóa châu Á, từ đó dễ làm giảm căng thẳng hơn khi đối đầu với tàu nước ngoài – vì những thủy thủ có thể cảm thấy tức giận khi giọng các nam sĩ quan ra yêu cầu cho họ.
Khi đơn vị hoàn thành khóa huấn luyện tăng cường dài 2 tuần hôm 25/6, phó chỉ huy các chiến dịch của lực lượng tuần duyên Philippines, ông Leopoldo Laroya nhấn mạnh “tầm quan trọng đặc biệt” của đơn vị trong việc giao tiếp với các tàu nước ngoài để không làm leo thang căng thẳng.
Laroya nói thêm Những thiên thần biển cả sẽ trở thành “tiếng nói hòa bình và trật tự dựa trên luật lệ ở trên biển, đặc biệt tại các ranh giới hàng hải nhạy cảm của Philippines”.
Tuần duyên Philippines. (Ảnh PCG)
Theo SCMP, “sáng kiến” dùng giọng nữ này dường như lấy ý tưởng từ một sự cố hồi tháng 4, khi Philippines sử dụng ghi âm giọng một nữ sĩ quan tuần duyên “xua” được nhóm 7 tàu Trung Quốc gần một đá ngầm mà nước này tuyên bố. Các tàu Trung Quốc sau khi nghe giọng nữ sĩ quan yêu cầu nêu danh tính và mục đích hoạt động, không đáp lại mà chỉ bỏ đi.
Trả lời This Week in Asia, người phát ngôn tuần duyên Philippines Armando Balilo cho biết các nữ sĩ quan sẽ sớm được triển khai đến các khu vực ở Biển Đông.
Trước đó, tuần duyên Philippines cũng đã có các nữ sĩ quan vận hành vô tuyến điện. Họ có mặt ở cả những khu vực được nhận định là khó khăn nhất, bao gồm Sibutu Passage, một eo biển nằm giữa quần đảo Sulu ở miền Nam Philippines và đảo Borneo, nơi nổi tiếng với nạn cướp biển và bắt cóc. Ở Sibutu Passage, các nữ sĩ quan được cho là "giọng nói trấn an của một người mẹ, vợ, hoặc bạn gái với những người đang gặp nguy hiểm... xoa dịu sự lo lắng của những người đi biển trong nguy cơ cướp và bắt cóc”.
Dù vậy, chiến dịch vấp phải sự phản đối của một số nữ chuyên gia.
Tiến sĩ Sylvia Estrada-Claudio, cựu giám đốc Trung tâm nghiên cứu phụ nữ và giới Philippines cho rằng dù có thể có những dữ liệu chứng minh ý tưởng hiệu quả trong giảm căng thẳng, có nhiều lý do để cân nhắc hơn với các tàu Trung Quốc khi quyết định đi hay ở.
"Có lẽ lập trường ngoại giao mạnh mẽ hơn, phân tích rõ ràng hơn về địa chính trị trong khu vực, cũng như hiểu rõ hơn về cách chúng ta cân bằng các lợi ích quyền lực trong khu vực sẽ giúp phục vụ lợi ích của chúng ta tốt hơn việc nhầm tưởng rằng tiếng nói, dù là nam hay nữ, sẽ có bất kỳ ảnh hưởng thực sự nào”, bà nhận xét.
Theo VTC News