TP HCM: Đổ rác bậy... vì còn làm thêm kiếm sống?

Thứ ba, 03/04/2012, 11:05
Mặc dù có quy định địa điểm để đưa rác đến cho xe ép rác thu gom nhưng nhiều người thu gom rác, nhất là những công nhân làm thuê cho các ông chủ thầu rác vẫn “hồn nhiên” đổ một cách vô tội vạ.


Rác thải được đổ ở khắp nơi, kể cả dưới kênh và nơi có biển cấm
 

Theo quy định, điểm tập kết rác của những người thu gom rác dân lập ở phường 2 và 3 quận 8 nằm trên đường Phạm Thế Hiển (đoạn dưới  chân cầu Chữ Y). Từ cuối giờ chiều trở đi, không một xe rác dân lập nào đưa rác đến địa điểm này.

Khoảng 18 giờ, chiếc xe ba gác máy chở đầy rác từ một con hẻm trên đường Âu Dương Lân (P3Q8) phóng ra nhưng không hướng về phía đường Phạm Thế Hiển, mà đến một đoạn đường đất, người lái xe cho dừng lại và đổ ịch rác xuống bên một bức tường cũ, mặc dù ngay tại nơi đó địa phương đã có thông báo: “Cấm đổ rác”.

Thực trạng trên cũng diễn ra ở một số tuyến đường khác như:  Bình Long (đoạn phía sau nghĩa trang Bình Hưng Hòa, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), đường Nguyễn Thái Sơn (khu vực Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp)... “Cứ đêm đến, một số xe rác dân lập lại lén lút đổ xuống khu vực này. Mùi hôi thối ở đây thì khỏi phải nói, nhưng sợ nhất là nước rỉ rác rất độc chảy ra môi trường làm phát sinh bệnh tật, nhất là dịch tả, đau mắt hột, sốt xuất huyết... Sức khỏe của người dân đang bị đe dọa nhưng chưa thấy chính quyền địa phương có động thái gì về vấn đề này” - anh Hùng, một hộ dân sống trên tuyến đường Bình Long, than thở. 
 


 

Từ ngày giải tỏa các hộ dân và thực hiện che chắn để xây dựng tuyến đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (đoạn chạy qua Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn) vô hình trung đã biến nơi đây thành “điểm hẹn” lý tưởng cho những người thu gom rác trút xuống.

Theo PGS.TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TPHCM), hiện số lượng rác của thành phố chỉ thu gom được khoảng 60%; 40% còn lại chưa thu gom được tập trung chủ yếu là từ những người thu gom rác dân lập và sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân khi vứt rác sinh hoạt ra đường.
 


 

Trên địa bàn phường 3 quận 8 có tám dây thu gom rác dân lập (số tuyến đường do tư nhân thầu thu gom) nằm ở bốn khu phố: 2, 3, 4, 5 với gần 3.000 hộ. Mỗi dây thu gom rác đều do một chủ thầu thuê công nhân thu gom và trả tiền lương hàng tháng.

Theo anh Nguyễn Thanh, công nhân thu gom rác ở khu phố 5, hai vợ chồng anh thu gom rác ở một tuyến hẻm trên đường Âu Dương Lân với khoảng 30 hộ, mỗi tháng ông chủ trả 1,7 triệu đồng. Do đồng lương quá thấp nên ngoài thu gom rác anh còn phải đi bốc vác ở Bến Bình Đông (Q8) để có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Anh Thanh cho biết với 30 hộ dân, bình thường khối lượng rác thu gom mỗi ngày là hai xe ba gác máy, mất gần năm tiếng đồng hồ. Như vậy, để theo kịp yêu cầu của xe ép rác, anh phải bắt đầu đi thu gom từ 1 giờ chiều (thời gian thu nhận ép rác dành cho các đối tượng thu gom rác dân lập ở đây từ 3 giờ đến 5 giờ chiều).

Trong khi đó, nhiều lúc đi bốc vác đến trưa về  mệt quá, phải nghỉ ngơi đến 2, 3 giờ chiều mới đi thu gom, vậy là làm không kịp. “Có lúc thu gom được một xe là đã hết giờ xe nhận ép rác, không lẽ để rác lại trong ba gác, còn xe đâu mà đi lấy rác nữa. Tôi phải đi làm thêm chứ có 1,7 triệu đồng làm sao đủ để hai vợ chồng và một đứa con sống cả tháng”, anh Thanh phân bua. 

Trước thực tế trên, nhiều công nhân thu gom rác đã tìm biện pháp đối phó, đơn giản nhất là tìm một nơi xa nhà dân, có đất trống là chọn làm “bãi đáp” đổ rác.

Về điều này, PGS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng do việc quản lý của chính quyền địa phương còn quá lỏng lẻo, chỉ biết thu tiền phí hàng tháng dựa trên số hộ dân, còn chuyện rác được đưa đến đâu, bao nhiêu xe mỗi ngày thì gần như không nắm được. “Muốn giải quyết tốt điều này, các địa phương cần phải khảo sát được số lượng rác của từng dây, đưa số lượng đó cho các xe ép rác. Các xe này có nhiệm vụ ghi chép số lượng của từng dây rác mỗi ngày, nếu thấy không đủ thì báo cáo với chính quyền địa phương xử lý. Trong trường hợp cần thiết có thể cắt hợp đồng, không cho thu gom rác, không thể ù xòe như hiện nay được”, ông Bá nói. 
 

Theo CATP

Các tin cũ hơn