Người dân Sài Gòn coi thường bão số 1?

Thứ ba, 03/04/2012, 11:37
Một cơn bão tồn tại vẻn vẹn trong vòng hơn năm tiếng với sức gió chỉ ở mức độ trung bình, nhưng đã “quần” cho TP.HCM một trận tơi tả. Phải chăng người dân tại đây chưa ý thức được hết những hiểm nguy do một cơn bão mang lại?

Tin liên quan

>>TP HCM: Mệt nhoài khắc phục hậu quả bão
>>Người dân TPHCM bơ phờ trong cơn bão “lạ”
>>TP HCM: Hàng ngàn người kẹt ở phà Cát Lái
>>ĐBSCL: hơn 450 căn nhà sập và tốc mái


Miền Đông Nam bộ nước ta nói chung và TP.HCM nói riêng, do vị trí địa lý đặc thù, là nơi rất ít khi phải gánh chịu các cơn bão nhiệt đới, thậm chí trong nhiều năm liền. Cũng chính vì thế mà tâm lý và cách thức chống lại sức gió, giảm thiệt hại của mưa bão ở đây vẫn còn nhiều điều bất cập.

Nhắc đến bão, một số người dân tại đây còn cảm thấy “háo hức” khi được “chiêm ngưỡng một cơn bão thật sự”. Điều này sẽ gây nên tâm lý coi thường trong việc chằng chống nhà cửa, khiến chúng ta không thể nhìn trước những nguy cơ do mưa bão gây ra, từ đó bỏ qua các nguyên tắc an toàn tối thiểu và tự đẩy mình vào nguy hiểm.

Thực tế vừa qua cho thấy người dân TP.HCM sẽ giảm đáng kể thiệt hại nếu ý thức được và thực hiện đúng những yêu cầu an toàn trước khi cơn bão ập vào.

 

Sẽ không có cảnh này nếu người dân ý thức được sức tàn phá của bão


Trong cơn bão vừa qua, hàng trăm căn nhà lợp tôn tại khu vực ngoại thành thuộc địa phận các quận Thủ Đức, Bình Chánh, Cần Giờ… đã bị tốc mái. Theo khảo sát, đây phần lớn là những căn nhà được xây dựng tạm dành cho việc thuê trọ, chính vì thế việc chằng chống không được chú ý đúng mức.

Các mái tôn chỉ được đính vào xà gỗ bằng những ốc vít lỏng lẻo, đã được sử dụng trong nhiều năm, chỉ cần một tấm tôn tại đây bị bung lên lập tức gió sẽ lùa vào và dễ dàng giật tung những tấm còn lại. Để hạn chế điều này người dân cần chủ động kiểm tra, sửa lại trước khi cơn bão xảy ra, hoặc có thể khắc phục tạm thời bằng cách dùng các bao cát đè lên.

Về hệ thống cây xanh ở các quận nội thành, qua nhiều lần thi công, sửa chữa các công trình điện, nước… nhiều cây đã bị chặt đi một phần rễ đáng kể, tuy vậy chúng đã không được cắt tỉa đúng mức. Chính điều này đã khiến chúng không thể trụ lại được trước những cơn gió giật và bật gốc hàng loạt.

Trước khi cơn bão xảy ra, dường như Công ty cây xanh Thành phố đã không có nhiều hành động nhằm ngăn chặn điều này, như chặt tỉa cành cây hoặc đốn hạ những cây có khả năng gây nguy hiểm.

 

Để những cây cổ thụ ngã đổ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường
 

Một vấn đề khác cần lưu tâm là các tấm biển quảng cáo. Với số lượng lên đến hàng trăm ngàn trong đó phần lớn được treo trên cao, đây thật sự là những tác nhân gây nguy hiểm lớn nhất trong các cơn bão.

Nhiều tấm biển đã tồn tại hàng năm trời mà không hề được bảo dưỡng, thay mới. Chính vì thế khi cơn bão xảy ra rất nhiều bảng, hộp quảng cáo tại đây đã bị bão bứt tung và quăng quật khắp nơi, gây rất nhiều nguy hiểm cho nhà cửa và người qua lại. Đáng lẽ các cơ sở kinh doanh cần phải ý thức được điều này vào tiến hành gia cố, tháo dỡ trước khi có bão.

Thêm một nguyên nhân đến từ ý thức, đó là trong khi trời mưa lớn, kèm theo gió giật mạnh vẫn có rất nhiều người lưu thông trên các đường phố mà bỏ qua những nguy hiểm có thể đổ ập xuống đầu mình bất cứ lúc nào.

Ở xa lộ, là những nguy cơ do gió giật, thổi mạnh, lúc này chiếc áo mưa đang mặc trên người không khác gì những cách buồm no gió, rất dễ gây lạc tay lái, đổ xe dẫn đến tai nạn liên hoàn. Ở nội thành là nguy hiểm do cây đổ, các vật thể bay (mái tôn, biển quảng cáo, cành cây, chậu hoa…).

Mọi người phải ý thức rằng ra ngoài trong cơn bão là việc làm hết sức nguy hiểm cần tránh tuyệt đối, nếu đang đi dở quãng đường người dân nên trú tạm ở một nơi an toàn cho đến khi những đợt gió lớn qua đi.

Chưa có thống kê thiệt hại chính thức nhưng con số này có lẽ sẽ không hề nhỏ. Người dân TP.HCM nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung cần gấp rút chuẩn bị cho mình những kỹ năng để đề phòng một mùa mưa bão sắp tới được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn