Bão trái mùa xuất hiện do ảnh hưởng của La Nina

Thứ ba, 03/04/2012, 15:22
Bão số 1 là một hiện tượng thường xuất hiện vào những năm có hiện tượng La Nina chứ không phải do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tin liên quan

>>Người dân Sài Gòn coi thường bão số 1?
>>Người dân TPHCM bơ phờ trong cơn bão “lạ”
>>TP HCM: Hàng ngàn người kẹt ở phà Cát Lái
>>ĐBSCL: hơn 450 căn nhà sập và tốc mái

Đây là nhận định của ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương - trong cuộc trao đổi với phóng viên báo chí chiều 2/4.

Ông có thể cho biết, bão số 1 năm nay đến sớm, có phải là một sự bất thường của thời tiết?

- Thông thường mùa bão trên biển Đông bắt đầu từ tháng 5-6 và kết thúc vào tháng 11-12. Tuy nhiên đôi khi từ tháng 12 đến tháng 4 cũng có xuất hiện những vùng xoáy và phát triển thành bão. Những cơn bão tạm gọi là trái mùa này hiếm khi xảy ra trên biển Đông và tần suất xảy ra cũng rất ít.

Trong 40 năm qua chỉ có 7-8 năm có khoảng 10 cơn bão trái mùa xuất hiện trên biển Đông và cũng chỉ có một cơn bão đổ bộ vào VN. Cụ thể đó là cơn bão tháng 3/1982. Như vậy việc bão số 1 xuất hiện vào tháng 3 năm nay cũng là một hiện tượng thời tiết bất thường hiếm gặp.

 

Gió quật văng mái tôn lên đường dây điện hạ thế gây mất điện trên diện rộng tại thị xã Thủ Dầu Một. Ảnh: T.Thành


Theo ông, bão trái mùa xuất hiện có phải do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu?

- Khó có thể nói đây là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vì chúng ta không có số liệu về thời tiết của trái đất hàng trăm năm trước để so sánh xem có phải do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không. Còn nếu xét trong vòng 100 năm trở lại đây thì có thể thấy hiện tượng bão trái mùa trên biển Đông vẫn xảy ra. Mà khi đó chưa có hiện tượng biến đổi khí hậu. Vì thế rất khó có thể cho rằng việc bão xảy ra bất thường là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Vậy theo ông đâu là nguyên nhân hình thành những cơn bão trái mùa trên biển Đông đổ bộ vào nước ta như cơn bão số 1 vừa qua?

- Thông thường những năm có hiện tượng La Nina xuất hiện thì có thể xảy ra bão trái mùa. Năm nay cũng lại là năm hiện tượng La Nina xuất hiện và có hiện tượng nhiễu động nhiệt đới là nguyên nhân gây khả năng xuất hiện bão trái mùa. Tuy nhiên các xoáy nhiệt đới có thể thành bão cũng có thể không. Vì vậy không phải cứ năm nào La Nina thì có bão trái mùa trên biển Đông, nhưng những năm có bão trái mùa thì thường là La Nina.

Cảm ơn ông! 

 

Các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 1
 

Cứu tàu cá cùng 11 ngư dân tại Hoàng Sa . Tin từ Văn phòng BCH PCLB Trung ương tại miền Trung, đến 8h45 ngày 2/4, tàu cảnh sát biển VN 9002  đã tiếp cận được với tàu cá QNg 90046 cùng 11 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, cách đảo Phú Lâm, Hoàng Sa 110 hải lý. Trước đó, 2 tàu cá của Quảng Ngãi (QNg 90046 có 11 ngư dân và QNg 90252 với 12 thuyền viên) bị hỏng máy, trôi dạt trên vùng biển đông bắc Hoàng Sa. Đến chiều 31/3, tàu QNg 90252 đã khởi động nổ được máy. Riêng tàu QNg 90046 vẫn trôi dạt, đến nay mới được Cảnh sát biển VN ứng cứu thành công.

Các tỉnh Nam Trung Bộ: 2 người chết, 1 người mất tích . Tại Ninh Thuận sáng 1.4 đã có 1 người chết. Tại cảng cá Cà Ná, tàu đánh cá NT 90434 TS, công suất 110CV đang neo đậu tránh bão đã bị sóng đánh chìm. Tại huyện Sông Hinh (Phú Yên), ngày 31/3, ông Trần Thanh Sơn (trú xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) đi thả lưới đánh cá thì bị lũ nhấn chìm. Trên biển, hiện vẫn đang tích cực tìm kiếm anh Trần Văn Lập (trú xã Hoà Hiệp Trung, huyện Đông Hoà) đi đánh cá bị lật ghe mất tích trên biển... Mưa lớn đã gây sạt lở, tắc đường Nha Trang - Đà Lạt. Đêm 1/4, hàng trăm xe tải, xe khách từ Nha Trang lên Đà Lạt (và ngược lại) đành hoãn chuyến. Đến khoảng 2 giờ sáng 2/4 đường đã thông.

Bình Dương, Bình Phước: Hàng trăm hécta caosu bị thiệt hại. Tại địa bàn thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, mưa dữ dội khiến rất nhiều cây caosu ở các huyện Đồng Phú, Bình Long, Phước Long... bị đổ gãy. Tại Bình Dương: Tới 16h ngày 2/4, trên địa bàn tỉnh có 5 người bị thương, 20 căn nhà bị sập, 183 căn nhà bị ngập, 725 hécta cây ăn trái bị gãy đổ, trên 180ha lúa, hoa màu bị ngập, 226ha caosu bị gãy đổ...

Bình Thuận: 3 tàu chìm ở đảo Phú Quý. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 1 nên vùng biển tại huyện đảo Phú Quý có sóng rất lớn, kèm theo gió giật cấp 8-9. Có 3 tàu công suất nhỏ (từ 8 đến 33CV) neo đậu trong cảng Phú Quý bị chìm.

 Đồng Nai: 1 người chết, 7 người bị thương, gần 1.400 nhà tốc mái. Có 1 người bị điện giật chết khi trèo lên mái nhà để giằng néo tôn khi mưa lớn, 7 người bị thương. Gần 1.400 căn nhà bị tốc mái, 77 căn bị sập. Gió mạnh làm 29 tuyến điện trung thế bị sự cố, nhiều khu vực bị mất điện. Gần 330ha lúa, bắp, mía bị ngập, đổ ngã, hơn 4.890 cây caosu, xoài, điều bị ngã.

 Bán đảo Cà Mau: 1 người chết, sập, tốc mái 110 căn nhà. Tại Cà Mau, mưa lớn kèm gió mạnh 3 ngày qua đã làm sập 17 căn nhà và tốc mái 70 căn khác. Tại bạc Liêu, gần 3.000ha muối của các xã ven biển bị tiêu tan. Gió mạnh làm tốc mái 24 ngôi nhà, một người bị sét đánh chết.

Đắc Lắc: Mưa lớn gây thiệt hại các vùng phía đông . Mưa lớn từ 31/3 - 2/4 đã gây thiệt hại về nông nghiệp cho các huyện phía đông tỉnh. Tại huyện M'Đrắc, công trình đập dâng Đội 4 bị gãy một cánh phai bằng sắt, công trình thuỷ lợi Krông Jin bị vỡ một đoạn kênh dài khoảng 30m, nhiều diện tích lúa vùng trũng ven suối bị ngập.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Gần 1.500 căn nhà bị sập và tốc mái. Toàn tỉnh có 19 người bị thương, sập hơn 100 căn nhà và gần 1.400 căn nhà khác bị tốc mái, 7 tàu cá bị chìm, 25 trụ điện bị gãy đổ, hơn 50 cây xanh bị ngã đổ. Tại H.Xuyên Mộc mưa bão đã làm 15 người bị thương, sập và cuốn trôi 67 căn nhà và tốc mái gần 850 căn nhà khác. Riêng xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, đã có 11 người bị thương. Tại huyện Tân Thành mỗi hộ dân có nhà bị sập, tốc mái được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ.

Theo LĐO

Các tin cũ hơn