>> TP HCM: 6 nạn nhân bị cấp cứu do cơn bão số 1
>> Bão trái mùa xuất hiện do ảnh hưởng của La Nina
>> Người dân Sài Gòn coi thường bão số 1?
>> TP HCM: Mệt nhoài khắc phục hậu quả bão
Trong tuần sẽ xử lý hết cây bị ngã
Ngày 3-4, Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM cho biết: Những ngày qua, công ty đã huy động 400 công nhân phối hợp cùng các lực lượng khác khẩn trương xử lý, dọn dẹp những cây xanh bị ngã. Dự kiến ngày 4-4 sẽ dọn dẹp hết số cây bị ngã ở trung tâm TP, đến cuối tuần sẽ thu dọn xong ở các khu vực khác. Sau đó, công ty bắt đầu trồng cây mới thay thế cho những cây bị ngã.
Lãnh đạo công ty cũng giải thích thêm, thời gian qua các nhân viên vẫn thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa cành, hạ độ cao một số cây. Tuy nhiên, cơn bão vừa qua có gió xoáy quá mạnh nên cây mới bị ngã nhiều. Nếu phát hiện có cây xanh bị ngã chưa được thu dọn hay có nguy cơ bị ngã đổ, người dân có thể gọi đường dây nóng của công ty (các số 08.39351351 - 39557755) để thông báo. Thời gian tới, công ty sẽ tăng cường cắt tỉa cành cây để hạn chế tình trạng ngã đổ khi có gió lốc.
Xử lý cây bị ngã trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Ảnh: MH
Phải chăm sóc cây khoa học hơn
Tuy nhiên, theo TS Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc cắt tỉa cành cây chỉ là biện pháp trước mắt. Về lâu dài, muốn hạn chế cây bị ngã khi thời tiết bất thường, phải có những nghiên cứu, biện pháp khoa học hơn.
Ví dụ, cần lưu ý hạ độ cao thật nhiều những cây nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của hiệu ứng đường hầm (gió xuyên qua khe hở giữa các toà nhà sẽ mạnh hơn so với bình thường). TP cũng cần đầu tư mua máy siêu âm chuyên dụng để chẩn đoán, phát hiện những khuyết tật của cây (như cây có bị rỗng ruột, mục ruỗng… không).
Đáng chú ý, ông Lý đề xuất: Cơ quan quản lý cần mạnh dạn sử dụng biện pháp luân canh cho cây xanh trên đường phố. Những cây cổ thụ không thuộc danh mục bảo tồn, khi đạt đến một độ tuổi nhất định đều phải thay thế. Hiện toàn TP có khoảng 9.000 cây cổ thụ thuộc diện này.
“Thời gian tới, việc lựa chọn chủng loại cây để trồng mới cần được chú trọng hơn. Cụ thể, nhóm cây có rễ cạn như phượng vĩ, lim sẹt, sọ khỉ thường rất dễ bị ngã khi có lốc xoáy, nên hạn chế trồng.
Các loại cây có tán rộng như bàng, bã đậu… thân lại giòn, rất dễ bị gãy nên cũng không phải là giải pháp tối ưu. Ngược lại, các loại cây như sao đen, dầu sẽ có khả năng đứng vững hơn do bộ rễ ăn sâu vào lòng đất” - ông Lý khuyến cáo.
Người dân có nhà bị cây xanh ngã vào gây thiệt hại trong cơn bão vừa qua có thể được hỗ trợ tuỳ theo mức độ thiệt hại và nguồn kinh phí của công ty. Căn cứ để TP xét hỗ trợ là biên bản ghi nhận sự việc (do Công ty Công viên Cây xanh lập), có sự xác nhận của chính quyền địa phương.
Theo Phapluattp