Singapore xây dựng thước đo "sự tử tế"

Thứ tư, 04/04/2012, 07:33
Giống như vương quốc nhỏ bé Bhutan biến khái niệm trừu tượng hạnh phúc thành chỉ số để đo lường, đảo quốc Singapore từ bốn năm nay đã xây dựng chỉ số tử tế (Graciousness Index – GI) nhằm theo dõi việc xây dựng một đất nước đa chủng tộc thành một xã hội văn minh và chu đáo.


Tin liên quan

>>
Phạt nặng sinh viên Trung Quốc xúc phạm Singapore
 

Thực hiện đo chỉ số là phong trào nhân ái Singapore (SKM), dựa trên khảo sát trải nghiệm, nhận thức và đánh giá về “vẻ đẹp thanh lịch” của người dân trong một cộng đồng có mật độ dân cư dày đặc như Singapore.

Báo cáo năm nay lấy ý kiến trên 1.400 người dân địa phương và nước ngoài sống tại Singapore. Qua bốn năm, chỉ số GI năm 2012 là 61 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và so với mức 58 khi GI lần đầu được công bố vào năm 2009, cho thấy sự ổn định trong cách cư xử lịch thiệp của người dân Singapore.

 

Người dân xếp hàng chờ mua New iPad hôm 16.3. Singapore nổi tiếng là một đất nước an toàn, sạch sẽ và trật tự nhất. …


Theo tổng thư ký SKM William Wan, trong bối cảnh chính trị xã hội Singapore có những thay đổi đáng kể trong khoảng thời gian đó thì mức tăng này không tệ. Ông Wan nói: “Sau mọi sự thay đổi, việc tăng điểm rất đáng mừng. Mọi người thẳng tính và quyết liệt hơn, nhưng họ cũng nhận ra bản chất chúng ta không xấu như vậy”. Nếu giữ mức tăng từ 1 – 2 điểm hàng năm thì trong vòng 30 năm tới, ông Wan cho rằng mọi người sẽ có ý thức hơn và tử tế với nhau hơn.

Mặc dù báo cáo chỉ ra dấu hiệu tích cực rằng người dân Singapore luôn tử tế trong các hành vi đạo đức chung, như tôn trọng người khác chủng tộc và tôn giáo, nhưng vẫn có điểm xấu trong cách hành xử trong hệ thống giao thông công cộng. 53% ý kiến nói điều khiến họ không hài lòng nhất chính là việc hành khách trên các phương tiện vận chuyển này không nhường chỗ cho người mới lên.

Thanh niên Singapore (độ tuổi 16 – 29 hay thế hệ Y) là đối tượng cải thiện rõ rệt nhất về hành vi lịch thiệp, hơn cả thế hệ X (độ tuổi 30 – 50). Xét trên thang điểm 10, điểm trung bình của thế hệ Y là 6,3 so với 6,1 của thế hệ X, tuy nhiên vẫn thấp hơn điểm trung bình của nhóm người trên 50 tuổi là 6,7. Điều này được cho là hệ quả của việc trưởng thành trong xã hội Singapore đã phát triển về kinh tế. Ông Wan lý giải: “Trình độ giáo dục, cơ hội tiếp xúc với nhiều người và việc du lịch dễ dàng ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận cuộc sống”.

Thu nhập cũng được tính đến trong khảo sát vì rõ ràng nó có tác động đến quan điểm xã hội. Những người có thu nhập trung bình nhận thức về hành vi tử tế tốt hơn những người có thu nhập thấp và cao. “Những người có thu nhập thấp sẽ quan tâm hơn về những gì họ nhận được mỗi ngày hơn là hành xử ân cần”, ông Wan nói.

Báo cáo không chỉ ra thái độ của dân bản địa với người nước ngoài, vốn là một vấn đề chính trị ngày càng nhạy cảm. “Chúng tôi không muốn làm cho sự khác biệt nổi bật hơn. Chúng tôi không muốn tạo nhóm người theo cách này”, ông Wan lý giải.

Phong trào SKM được phát động chính thức vào năm 1997, sau lời kêu gọi của Thủ tướng Goh Chok Tong về việc phát triển một xã hội Singapore chu đáo và lịch thiệp trong thế kỷ mới. Phong trào được chính phủ cấp quỹ hoạt động và hỗ trợ bởi bộ Thông tin, truyền thông và nghệ thuật. Người bảo hộ của phong trào hiện là Thủ tướng Lý Hiển Long.


Theo SGTT/WSJ, Straits Times

Các tin cũ hơn