>> Phụ nữ Đông Á ngày càng ít nuôi con bằng sữa mẹ
>> Cần Thơ: 3 căn nhà trôi sông
>> Thu nhập osin đè bẹp lương thạc sĩ
>> Phát hiện phân tử làm lây HIV trong cơ thể người
Các đại biểu tại Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc
về HIV/AIDS năm 2011. (Nguồn: AP)
Trong báo cáo đầu tiên của Liên hợp quốc về HIV/AIDS kể từ Hội nghị cấp cao năm 2011 về AIDS, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế nỗ lực gấp bội để có thể đạt được các mục tiêu trong Tuyên bố chính trị của Hội nghị năm 2011.
Ông Ban Ki-moon nêu bật nhu cầu cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp để đạt được các kết quả cụ thể và tức thời thông qua các phản ứng mang tính chiến lược hơn, thông minh hơn, hiệu quả hơn nhưng phải tôn trọng các quyền con người.
Ông nhấn mạnh thế giới cần chuyển đổi nhận thức từ chỗ cho rằng hỗ trợ HIV/AIDS là vấn đề nhân đạo sang nhận thức đây là trách nhiệm chung cần chia sẻ, đầu tư thông minh hơn cho phòng chống HIV sẽ giúp đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Vì vậy, thế giới cần phản ứng bền vững hơn đối với HIV vì tương lai của nhân loại. Chính những thành quả thực chất đã đạt được trong thập kỷ qua và những tiến bộ khoa học mang tính đột phá là cơ sở để các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu loại trừ hoàn toàn HIV/AIDS trên toàn cầu.
Trong Tuyên bố chính trị của Hội nghị cấp cao thế giới về HIV/AIDS năm 2011, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết vào năm 2015 sẽ có 15 triệu người nhiễm HIV nhận được liệu pháp điều trị hiệu quả, giảm 50% số ca lây nhiễm mới HIV ở người trưởng thành.
Các nước cũng cam kết thu hẹp khoảng cách về các nguồn tài lực để phòng chống HIV và đầu tư 22-24 tỷ USD mỗi năm phòng chống HIV vào năm 2015.
Việc đầu tư này nhằm đáp ứng các nhu cầu chống HIV ở phụ nữ và trẻ em, loại trừ phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, đồng thời tăng cường hòa nhập phản ứng chống HIV vào các nỗ lực phát triển và y tế cộng đồng.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết 2,5 triệu người bệnh HIV/AIDS đã được cứu sống và 350.000 trẻ em đã tránh được lây nhiễm HIV từ mẹ sang con kể từ năm 1995 do các quyền tiếp cận liệu pháp chống HIV được mở rộng và tăng cường.
Số ca lây nhiễm HIV mới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ đỉnh cao giữa thập niên đầu của thế kỷ 21.
Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo thế giới vẫn không thu hẹp được khoảng cách giữa các nước về tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao.
Các luật về trừng phạt, bất bình đẳng giới, bạo hành phụ nữ và các vi phạm quyền con người khác tiếp tục là nguy cơ tiềm tàng phá hoại khả năng mở rộng quyền tiếp cận các dịch vụ HIV và duy trì các thành quả đã đạt được trong những năm tới.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đồng thời là Tổng Giám đốc Chương trình chung của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Michel Sidibé kêu gọi cộng đồng quốc tế biến thập kỷ thứ 4 của dịch bệnh HIV/AIDS trở thành thập kỷ mở đầu loại trừ hoàn toàn HIV/AIDS trên toàn cầu.
Thực tế 3 thập kỷ HIV/AIDS đã qua cho thấy thế giới hoàn toàn có thể đưa mong muốn này thành hiện thực và đang có cơ hội lớn để tiến tới một tương lai không còn HIV/AIDS.
Theo Vietnam+