Lâm Đồng: Kỳ lạ nơi người dân chỉ thích chạy xe tự chế

Thứ tư, 02/05/2012, 16:44
Chỉ qua một thời gian ngắn, xe máy dù cũ mới cũng sẽ nhanh chóng được độ thành những “chú em” độc đáo theo sở thích của người Mạ.

Các tin khác

>> "Thót tim" cảnh tượng gấu "bay" từ trên cây xuống đất
>> Bé trai 7 tháng tuổi đã biết... dùng máy vi tính
>> Hai thái cực trong ngày Quốc tế lao động
>> Phú Yên: Đổ xô đi xem cây gỗ hóa thạch từ hàng trăm năm


Đến thị trấn Madagôuil, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy người dân tộc Mạ cưỡi những chiếc xe máy trơ khung sắt ngược xuôi chở nông sản trên đường. Tôi quyết định thuê chiếc xe Ware “độ chế” không biển số, không dàn nhựa của anh K’Dung với giá 50 ngàn đồng để khám phá những “chú em” (cách gọi thân thương người Mạ dành cho xe máy) nơi đây.
 


Chiếc xe anh K’Dung dùng cho việc đi lên nương


K’Dung, 38 tuổi, sở hữu chiếc xe “khỏe” nhất thị trấn Madagôuil cho biết, anh thường dùng chiếc xe của mình đi rẫy, đi rừng nhưng hiếm khi nào đưa một vị khách đi tham quan như tôi. K’Dung cho hay, “chú em” này đã gắn với gia đình anh 4 năm nay.

Từ khi lập gia đình và được chia 1 hecta đất để trồng cà phê, anh đã tìm mua bộ xác xe với giá 1,5 triệu đồng, đầu tư thêm 2 triệu “độ” lại máy, các bộ phận khác như đèn, dàn nhựa, kính, chiếu hậu... đều bị anh gỡ bỏ hết.

K’Dung hồ hởi khoe: “Với địa hình hiểm trở ở Đạ Huoai, những chiếc xe chỉ cần bộ khung, độ lại máy cỡ trên 10 ly và giữ lại phần cần thiết là có thể chạy tốt”.

Theo tìm hiểu, đa số các gia đình dân tộc Mạ ở Đạ Huoai đều có ít nhất một chiếc xe tự chế. Các xe nguyên bản chủ yếu là xe Trung Quốc được dùng để chở hàng và phục vụ người đi lại trên địa hình đồi núi hiểm trở.

Sau một thời gian sử dụng, dàn nhựa của xe bị vỡ hết, hệ thống đèn báo cũng mỗi nơi một mảnh… Để tiện cho công việc thường ngày, các gia đình người Mạ thường bỏ hết những bộ phận vướng víu của chiếc xe, thậm chí  tháo cả bỏ biển kiểm soát.

Ngoài những chiếc xe có nguồn gốc rõ ràng, nhiều địa phương ở Lâm Đồng còn bày bán xe đã hết đát, mất giấy tờ, công suất sử dụng từ 35% đến 50% với giá từ 1,5 đến 3 triệu đồng.

Sau khi mua, chủ sở hữu phải "đầu tư" thêm 1 - 2 triệu đồng làm máy để có thể sử dụng để lên rẫy hoặc chở nông sản. Dùng xe tự chế tuy rất tiện lợi nhưng cũng gặp phải không ít trục trặc, bất tiện.

Trên đường đi từ thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh vào thăm khu trồng sắn của người Mạ, chúng tôi gặp khá nhiều chiếc xe phải dừng lại giữa dốc để sửa chữa. Quan sát kỹ, chúng tôi thấy hầu hết đàn ông, thanh niên người Mạ sử dụng xe độ đều thủ sẵn một bộ dây thừng trong người, đề phòng khi xe hỏng hóc dọc đường thì nhờ người cùng buôn kéo về.

Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ hiệu sửa xe Thành Công (huyện Đạ Huoai) chia sẻ thêm về những rủi ro mà đồng bào người Mạ gặp phải khi dùng xe tự chế: "Bộ phận hay hỏng nhất là nhôm xích và lốp xe. Mỗi đợt vào mùa thu hoạch, tôi phải sửa hàng chục chiếc như thế”.

Cũng theo anh Hùng, thị trấn Madagui xuất hiện quá nhiều xe chế còn do sở thích riêng của người Mạ. Họ cũng giống như người dân tộc vùng biên giới Lạng Sơn, Lào Cai chuộng xe Minsk, đồng bào Mông ở Hà Giang khoái xài xe Win.

Theo chỉ dẫn của chủ tiệm sửa xe Thành Công, chúng tôi tìm đến nhà K’Thi - chủ nhân chiếc Ware Anphal 13 triệu mới mua được 1 tháng nhưng đã tan tành toàn bộ khung nhựa, biển số bị rơi mất trên suối.

K’thi cho biết: “Chạy xe chế không đảm bảo an toàn anh rất sợ bị cảnh sát giao thông bắt nhưng nếu đưa xe đi sửa chữa thì cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng là xe lại hỏng”.

“Con bò máy” của dân tộc Mạ

Ông K’Doanh, Trưởng buôn B’Kẻ cho biết: “Cả buôn có 42 hộ, nhưng có đến 57 chiếc xe máy “độ” không có biển số. Xe ở đây đa số được dùng cho công việc nương rẫy, đi rừng, thậm chí là để cày, bừa lên nương, lên rẫy...

Nhiều người gọi đó là những “con bò máy” vì chúng còn được dùng để kéo xe chở nông sản mỗi vụ thu hoạch”.

Xử lý vi phạm theo hình thức nhắc nhở

Anh K’Tung, công an viên xã Đạ Ploa, cho biết: Xe “độ chế” là phương tiện chủ yếu người đồng bào Mạ. Song có lẽ vì không am hiểu quy định của pháp luật mà đồng bào nơi đây đang “vô tư” vi Luật Giao thông.

CSGT huyện Đạ Huoai đã nhiều lần xử lý những người dân dùng xe tự chế. Sau khi giảng giải cho đồng bào hiểu về những tai nạn có thể xảy ra, CSGT đều trả lại để đồng bào có phương tiện để đi rẫy.
 

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn