>> Bị cảnh sát "bỏ quên", sinh viên uống nước tiểu để sống sót
Thời gian gần đây, dư luận tại TP Đà Nẵng xôn xao về sự tồn tại một kho vàng ở khu vực Gò Theo (Thuộc phường Hoà Thọ, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Được biết, khoảng những năm 90, Nhà nước đã mở một con đường vào Gò Theo (TP Đà Nẵng) để xây dựng Xí nghiệp Giày da và Viện Kiểm sát nhân dân Hòa Vang. Đời sống của người dân nơi đây vì thế mà dần dần khởi sắc.
Ông Đoàn Hoài (SN 1935) cho biết: “Từ ngày đầu đến định cư, ông thấy Gò Theo có nhiều ngôi mộ vô chủ nhưng vẫn được người dân trong vùng hương khói. Từ đó, không ít người đã tìm được vàng trên chính mảnh đất này. Song kỳ lạ, đúng như các cụ thường nói “Được bạc thì sang được vàng thì lụi”, những người tưởng may mắn đó đã gặp phải không ít điều xui xẻo.
Gò Theo là “gò vàng”?
Gò Theo là tên gọi của vùng đất có tứ cận: Đông giáp xứ Bắc Thuận; Bắc giáp Đông Phước; Tây giáp QL1A và Nam giáp thôn Phong Bắc (nay là các tổ 34 đến 37, P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng). Những cao niên trong làng kể rằng, xưa Gò Theo là một quả đồi hoang vu, xung quanh bao bởi ruộng lầy. Do giao thông cách trở, đất đai cằn cỗi, khó canh tác nên cuộc sống người dân vô cùng vất vả.
Anh Cường đang chỉ cho PV thấy nơi tìm thấy hũ vàng
Theo lời anh Nguyễn Lực (SN 1960), trú tại tổ 15, P. Hòa Thọ Đông, khoảng năm 1989, trong thôn có ba anh em tên H., L., N. do cuộc sống quá khó khăn nên đã liều mình đào mộ vôi mong tìm được chút đồ tùy táng giá trị. Trong quá trình tìm kiếm, họ đào được tấm bia khắc bản đồ chỉ đường đến một ngôi mộ mới cách vị trí cũ 300m.
Lần theo hướng dẫn, ba anh em đào đường hầm khai phá ngôi mộ từ bên trong. Nhiều người đồn đoán, ba anh em đã tìm được rất nhiều vàng bạc. Không biết cụ thể là bao nhiêu nhưng khi dân làng kéo đến thì tại hiện trường chỉ còn lại một ít tiền đồng xưa cùng mấy chiếc đèn dầu cũ.
Cuộc sống của họ cũng nhờ đó mà khấm khá nhưng tình cảm anh em mỗi ngày thêm rạn nứt. Con cái của họ sinh thói lười biếng, ham chơi hơn ham làm và trở nên hư hỏng. Cũng chỉ mấy năm sau, kinh tế của họ sa sút, đến nỗi phải nhanh chóng chuyển đi nơi khác để kiếm kế sinh nhai.
Vụ anh P., (nay đã mất - PV) tìm được hũ vàng cũng là một trong câu chuyện khó tin mà PV nghe kể. Được biết, sau nhiều ngày lén lút đào mô,å anh P. chẳng thấy gì ngoài chiếc kim tĩnh (quách) bằng đá. Không chấp nhận ra về tay không, anh ta tiếp tục đào bới và phát hiện thấy một hũ đựng vàng được chôn dưới chiếc kim tĩnh khoảng 20cm.
Không lâu, sau khi bắt được của, anh P. đã qua đời trong một vụ tai nạn. Một trường hợp khác là gia đình ông N. sau khi tìm được bông hoa chuối bằng vàng, dù đã phát tâm làm nhiều việc thiện nhưng vẫn phải gánh chịu không ít rủi ro. Trong một lần đi làm về, ông N. không may gặp phải tai nạn dẫn đến chấn thương sọ não và mất sức lao động vĩnh viễn.
Theo những câu chuyện này thì từ trước đến nay, đã có ít nhất 4 lần người dân tìm được vàng trên đất Gò Theo. Vì vậy, việc người đàn ông rà phế liệu trúng vàng ngày 10/4 mới đây cũng không phải là chuyện gì lạ lẫm. Nhưng lại khiến những đồn đoán kỳ bí về khu mộ vàng thêm một lần dậy sóng.
Hũ vàng hiện đang ở nhà ông Muông
Dân vẫn đổ xô đi mót vàng
Địa điểm phát hiện hũ vàng ngày 10/4 là khu đất đang xây dựng nhà của chị Nguyễn Thị Thùy Trang thuộc tổ 34. Theo những người chứng kiến, khoảng 8h cùng ngày họ nhìn thấy một người đào phế liệu rà kim loại trên đất nhà chị Trang.
Người này dùng cuốc đào lên một nắp đồng có 5 lớp (mỗi lớp dày khoảng 4mm) đã bị ô xy hóa và chiếc hũ gốm bên dưới đã bị vỡ. Số cổ vật được đào lên bao gồm nhiều lá kim loại màu vàng nhạt có hình dạng như lá bồ đề, ngoài viền có răng cưa và trên mặt có nhiều hoa văn lạ mắt. Ngoài ra còn có ba đôi ấm chén uống nước, một cái dĩa, một sợi dây chuyền bị đứt và một chiếc nhẫn gắn đá.
Những người trợ giúp người đàn ông nọ đã được tặng lại vài lá kim loại cũ và một đôi ấm chén. Để xác minh mảnh kim loại trên có phải vàng hay không họ đã mang đến hiệu vàng Trữ (ở chợ Cẩm Lệ) nhờ xem xét.
Tại đây, thợ kim hoàn Phạm Minh Tùng xác định đây là loại vàng 2 - 3 tuổi và trả số tiền 500.000 đồng để mua lại. Ngay sau đó, 6 người của nhóm tìm kiếm đã gom các mảnh vụn còn sót lại quanh hiện trường đem bán với giá 4,8 triệu đồng. Hay tin, ngay trong buổi trưa ngày 10/4, nhiều người dân quanh khu vực cũng đô xô ra đãi cát mót vàng và kiếm được mỗi người từ 1-2 triệu đồng.
Người chủ tiệm vàng Trữ cho biết, từ sáng đến trưa ngày 10/4, tiệm đã thu mua 3 đợt vàng lá 2 - 3 tuổi với tổng cộng 10,5 triệu đồng. Ngoài ra, một tiệm vàng ở trung tâm TP. Đà Nẵng cũng thu mua hơn 1 lượng dạng lá vàng tương tự. Dựa theo kinh nghiệm của mình ông chủ này nhận định, đây là loại vàng của người Chăm, rất hiếm gặp.
Tiếp tục kiểm chứng thông tin, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Muông - người đang cất giữ chiếc hũ đựng vàng. Theo quan sát, chiếc hũ không còn nguyên vẹn, phần dưới có đường kính khoảng 18cm; phần miệng khoảng 25cm được tráng 2 màu men khác nhau (màu vàng và màu sữa đục).
Hũ có dung tích khoảng 10 lít nên số vàng và cổ vật vừa được tìm thấy ước lượng có cân nặng từ 7 đến 10kg. Đã không ít người tìm đến, trả chiếc hũ của anh Muông với giá khá cao nhưng anh này vẫn chưa chấp thuận.
Những câu chuyện đồn thổi ly kỳ
Sau khi hũ vàng được tìm thấy, không ít chuyện ly kỳ đã được người dân truyền tai nhau. Họ cho rằng, phải có “duyên” mới tìm được vàng. Theo lời anh Huỳnh Bá Hoàng, trú tại tổ 34, trước khi hũ vàng được người lạ tìm thấy, ngày 9/4, gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Trang đã thuê anh Đ. lái xe ủi đến ủi mặt bằng và đào móng nhà.
Đúng hẹn, anh Đ. điều khiển máy ủi đến địa điểm cách hũ vàng khoảng 20cm thì dừng lại vì trời lúc này cũng vừa sập tối. Nếu đúng lời hẹn, sáng ngày 10/4 anh Đ. phải thực hiện nốt công việc còn lại.
Tuy nhiên, ngay buổi sáng hôm sau, gia đình anh lại có công việc đột xuất nên đã xin khất công việc lại buổi chiều. Và thế, ngay sáng hôm sau người đàn ông rà phế liệu đã tìm được hũ vàng. Ngẫm lại tình tiết này, nhiều người cho rằng anh Đ. và gia đình chị Trang không có số tìm được vàng.
Tương tự, trường hợp anh Hoàng và anh Dũng (hai người giúp đào vàng) cũng chẳng gặp may. Nhiều người lý giải, đáng lẽ khi cùng phát hiện ra hũ vàng thì số tài sản phải được chia 3 tùy theo công sức đóng góp. Song do không có số may nên họ đã từ chối.
Một chi tiết ly kỳ hơn đó là chuyện ông Đ. bị tai biến mạch máu não đang phải điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng.
Theo lời nhiều người kể lại, khi ông Đ. chở anh Hoàng đến hiệu vàng Trữ bán miếng vàng được 500.000 đồng. Biết số tài sản tìm được là vàng, ông này đã nảy sinh lòng tham, tìm mọi cách để lấy chiếc bình cùng 3 chén uống nước.
Ít phút sau khi dùng chiêu gian xảo lấy được đồ cổ, ông Đ. đã phải nhập viện vì tai biến mạch máu não. Có người cho rằng, ông Đ. đã bị bùa chú mà người xưa yểm trong cổ vật trừng phạt. Cũng vì câu chuyện của ông Đ. mà không ít người tìm được những mẩu kim loại vương vãi trong chiếc hũ vàng đã vội vã tìm cách tiêu sạch số tiền, không dám mang về nhà.
Trong khoảng thời gian trên, giới cờ bạc, bói toán cũng có bày nhiều trò hài hước. Đêm đến, họ rủ nhau đến chỗ tìm được vàng thắp hương, cầu khấn xin... số đề.
Không những thế, khi nghe tin Gò Theo vẫn còn một số kho báu nằm trong mộ đá ong chưa được phát hiện, một số người còn đến các đền, miếu cầu cơ may.
Theo lời chị H. – một người từng đi xem bói xin số tìm vàng cho biết: “Thầy phán ở Gò Theo còn hai hũ vàng nữa. Tuy nhiên, trong năm Thìn chưa thể tìm được”. Nghe lời phán ấy, nhiều người đã quả quyết điều đó là đúng và đang nuôi mộng làm giàu bằng cách đi đào bới ở những nơi có ngôi mộ cổ.
Những câu chuyện về việc bỗng dưng giàu nhờ vàng ngày càng trở nên huyền bí trên đất Gò Theo. Vì sự mê tín của người dân, không ít thầy chú “tay ngang” đã lợi dụng thời cơ để trục lợi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào đứng ra giải thích về đồ tùy táng và tập tục chôn cất của người Chăm, cũng như có biện pháp xử lý để chấn chỉnh tình an ninh trật tự ở địa phương.
Theo Nguoiduatin