TP HCM: Tràn lan đồ chơi bạo lực

Thứ sáu, 04/05/2012, 06:56
Các loại súng, dao, kiếm, lựu đạn… núp bóng dưới chức năng là quẹt gas, móc khóa hiện được bày bán tràn lan ở một số chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà sách, đã và đang khiến không ít người lo ngại.


Các tin khác
>>Trái cây khô, Xí muội Trung Quốc cực độc tràn lan Sài Gòn
>>Kinh hoàng với nước đóng bình
>>Hiệu sách bán cả... đồ chơi tình dục
>>Xử phạt công ty vận chuyển hơn 17.500 súng đồ chơi 

Hôm rồi, chị Th. ở quận 10, chuyên bán mặt hàng trang sức đá (cẩm thạch, thạch anh, mắt mèo, gỗ hóa thạch…) gom được một mớ hàng quẹt gas “độc” kiểu súng ngắn, lựu đạn y như thiệt. Mặt hàng này, nếu kích cỡ không nhỏ hơn so với hàng thật sẽ khiến nhiều người nhầm lẫn do tài chế tác khiến mẫu mã “sao y bản chính” của nơi sản xuất.

Chị quảng cáo: “Hàng này hiếm lắm, không phải ở đâu cũng có bán. Đợt rồi lấy hàng ở Trung Quốc, tôi thấy lạ mới mua đem về bán thử. Khi bày bán ở chợ, bị ban quản lý la quá trời nhưng lỡ ôm hàng nên ráng bán cho hết…”.
 

Những món đồ chơi đầy tính bạo lực tràn ngập thị trường TPHCM

Tại Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza, ông chủ quầy hàng nói tiếng Việt lơ lớ, nhanh miệng quảng cáo chi tiết loại hàng “độc” dành cho giới trẻ này. Lôi từ dưới gầm bàn cả bao lớn đựng cả trăm móc khóa, ông cho biết: “Đây là hàng công ty nhập về từ Singapore. Có nhiều mẫu mã đẹp lắm. Khá đông thanh niên chọn mua làm quà,  mua 10 tặng 1...”. Khi xem xét kỹ, thực chất đây là hàng Trung Quốc. Bên cạnh các kiểu súng máy, súng trường, đại liên là hàng hà những đao, kiếm Nhật có độ nhọn, sắc bén, có thể gây sát thương cao.

Chị H.Minh ở quận 5 bức xúc: “Bữa trước chồng tôi mua một cây kiếm Nhật (có cả bao kiếm) gắn vô chùm chìa khóa xe. Con trai tôi (10 tuổi) thích, lấy chơi với anh nó. Được một hồi, tranh cãi nhau, nó rút cây kiếm ra đâm anh thủng tay, chảy máu. Loại đồ chơi này quá nguy hiểm!”.

Thực tế, đã có không ít học sinh đang sở hữu quà lưu niệm kiểu này. Đây sẽ là một mối nguy hại lớn nếu đồ chơi bị biến thành công cụ của các vụ xô xát, bạo lực học đường.

Rất nhiều mặt hàng văn hóa phẩm, quà lưu niệm mang nặng tính bạo lực và có mức sát thương cao vẫn được buôn bán công khai ở nhiều nơi, nhất là khu vực đông người, tại một số điểm vui chơi giải trí mà không có sự kiểm tra, quản lý sát sao từ phía người quản lý và cơ quan chức năng.

Tác hại của các sản phẩm “độc” du nhập từ nước ngoài này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, quan điểm thẩm mỹ và vẽ đường hình thành tư duy bạo lực trong giới trẻ, nhất là với lứa tuổi học sinh. Cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để ngăn chặn kịp thời việc quảng bá, tuyên truyền văn hóa phẩm bạo lực công khai trong đời sống xã hội hiện nay.

Theo SGGP

Các tin cũ hơn