Thất nghiệp bao trùm, tệ nạn tăng cao

Thứ tư, 16/05/2012, 16:31
Trong lúc bị sa thải, chưa tìm được công việc mới, người lao động sống dựa số trợ cấp thất nghiệp ít ỏi đã phải tìm đủ cách để xoay sở kiếm sống. Nhiều người không trụ nổi ở thành phố trong điều kiện khắc nghiệt hiện nay đã phải bỏ về quê tạm lánh.

>>Hạn chế dịch vụ nhạy cảm tại TP.HCM
>>TP HCM: Cướp giật táo tợn ở ngoại ô

Xoay sở đủ kiểu

Khó khăn hơn cả trong số những người đến nộp hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (TTGTVLHN) vào sáng 26/4 vừa qua có thể kể đến chị Nguyễn Thị Minh, công nhân trong lĩnh vực thép tại Hà Nội.

Không chỉ chị Minh bị sa thải mà chồng chị cũng bị sa thải vì công ty không bán được sản phẩm, sản xuất đình trệ suốt nửa năm trời. Việc cả hai vợ chồng chị thất nghiệp gần như cùng thời điểm (cách nhau 1 tháng) khiến mọi gánh nặng trong gia đình trở thành nỗi ám ảnh.

38 tuổi và không có việc làm, phải nuôi 2 con nhỏ, chị Minh nhận làm thêm đủ việc để có tiền trang trải cuộc sống. Khoản trợ cấp thất nghiệp 1,8 triệu đồng mỗi tháng của chị cộng với 2,2 triệu của anh không đủ chi tiêu những nhu cầu tối thiểu cho 4 miệng ăn ở thành phố đắt đỏ này.
 

Người lao động mất việc làm được đăng ký tìm công việc mới
 

“Chồng tôi ráo riết tìm việc mới, nhưng 40 tuổi rồi nên rất oải, chán nản, suốt ngày cãi nhau với vợ, cáu gắt với con. Tôi nhận đi giao cơm hộp cho một số cửa hàng ăn gần nhà, ngoài ra nhận thêm việc đan lát, làm vàng mã tại nhà vào lúc rảnh rỗi”, chị Minh cho biết.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện có vài chục doanh nghiệp lớn có lượng tồn kho từ vài chục lên vài trăm ngàn tấn, nhiều doanh nghiệp thép chỉ chạy 50-60% công suất, và có ít nhất 6 doanh nghiệp đã ngừng hẳn sản xuất.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, hiện nay nhiều người lao động thất nghiệp sau khi đăng ký và được hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tìm cách xoay sở công việc tạm bợ như chị Minh hoặc chuyển hẳn sang làm nghề tay trái. Có người thậm chí còn bỏ thành phố về quê để tạm lánh cơn bão giá trong lúc không có việc làm.

Người tìm được việc: Rất khó!

Trong khi có một lượng lớn người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có một bộ phận người lao động ngày ngày hăng hái tìm việc làm mới. Tuy nhiên, dù “việc cần người” không ít, nhưng người lao động lại rất khó tìm được một công việc phù hợp với mình.

Em Huỳnh Văn Ngọc, 21 tuổi, quê ở Nam Định, đến TTGTVLHN ngày 26/4 với mong muốn tìm được cho mình một công việc mới tốt hơn. Công việc cũ của em là nhân viên bán hàng cho một hãng giải khát. Nhưng các khoản thu nhập ngày một eo hẹp do bị cắt bớt, công việc lại nhiều lên. Do đó em xin nghỉ việc.

Nhìn vào bảng công việc đang tuyển dụng tại trung tâm trên, Ngọc lo lắng, với em một công việc là phải phù hợp về khả năng chuyên môn, trình độ, thu nhập và không quá xa chỗ thuê trọ. Tuy viên việc này không dễ tìm được.

“Em nghĩ mỗi tháng ít nhất phải được 3 triệu mới đủ sống. Và gần chỗ trọ là lý tưởng, vì có thể đi xe buýt đi làm cho tiết kiệm. Nhưng công việc nào cũng vậy, được cái này thì hỏng cái kia”, Ngọc nói.
 

Tìm được một công việc phù hợp trong điều kiện hiện nay là rất khó
 

Cùng đi tìm việc trong sáng 26/4, chị Trịnh Thị Thu Hằng, 25 tuổi, trước là công nhân gia công cơ khí trong KCN Quang Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) nhưng đã bị sa thải từ cuối tháng 2. Từ đó đến nay, chị đã làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời hăng hái tìm việc mới.

“Việc phổ thông, lao động chân tay thì tôi không muốn làm. Mà ngành cơ khí năm nay khó khăn, nơi nào tuyển cũng chỉ rất hạn chế, trả lương không cao, lại phải đi xa. Vì vậy, tôi vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp”, chị Hằng cho biết.

Ông Vũ Quang Thành, Trưởng phòng Thông tin việc làm - TTGTVLHN cho biết: "Mỗi phiên giao dịch việc làm của trung tâm có rất nhiều doanh nghiệp tìm lao động nhưng chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ tuyển dụng lao động phổ thông với mức lương không hấp dẫn, chế độ đãi ngộ không thỏa đáng nên khó thu hút được lao động".

Thất nghiệp gia tăng, tệ nạn phát sinh

Báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ về những biến động trong việc làm của công nhân, lao động, nhất là lao động phổ thông và tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy vấn đề tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động vẫn hết sức khó khăn.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý cho biết những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng kinh tế không ổn định là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nạn bạo hành gia đình, tiếp đến mới là những nguyên nhân như giáo dục, môi trường sống, trình độ nhận thức, …

Ngoài ra, thất nghiệp đẩy người lao động vào thế “nhàn cư vi bất thiện”. Do đó, bà Quý cho biết, tuy chưa có thống kê nào chính thức của cơ quan chức năng nhưng có thể chắc chắn một điều là thất nghiệp như chất kích thích khiến tệ nạn xã hội có thể gia tăng.

Ngoài ra, thất nghiệp còn trực tiếp làm tăng nguy cơ bệnh tật. Tỉ lệ người mắc các bệnh tâm thần trên cả nước trong điều kiện bình thường là khoảng 1% nhưng theo bác sỹ Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia) thì cuộc sống khó khăn, tỷ lệ này có sự gia tăng đáng kể, đặc biệt ở đối tượng buôn bán, kinh doanh.

“Kể từ khi kinh tế khủng hoảng, số người nhập viện vì các vấn đề liên quan đến tâm lý, tinh thần ngày càng nhiều và có xu hướng dày đặc hơn. Thậm chí, có người vì suy thoái kinh tế, tiền của bốc hơi và bi quan đến mức tìm tới cái chết”, ông Dũng cho biết.

 

Theo VietnamNet

Các tin cũ hơn