Làm toán bằng cách múa ngón tay

Thứ tư, 16/05/2012, 16:14
Chỉ với chiếc bàn tính hạt gỗ treo trên bảng, các bé ngồi dưới lớp học thực hiện động tác “múa” ngón tay, tưởng tượng sắp xếp các hạt gỗ để tính được những phép toán trong thời gian ngắn.

>>Cô gái lão hóa ở Quảng Nam đã trẻ lại hơn 30 tuổi
>>Xóm thích xăm
>>Kết luận hiện tượng cháy xe: Do xăng dỏm

Đó là những hình ảnh trong lớp học làm toán trí tuệ vừa được mở ra nhân dịp hè tại Nhà Thiếu nhi quận 5, TP.HCM. Lớp học được mở mỗi sáng thứ 7 hàng tuần trong suốt hè.
 

Cô giáo hướng dẫn các bé phân biệt giá trị của các hạt trên bàn tính bằng
trò chơi vận động bàn tay và ngón tay

 

Những buổi học đầu tiên, các bé sẽ làm quen với bàn tính gỗ. Gọi là giờ học, nhưng chủ yếu các bé chơi trò chơi vận động bằng tay là chủ yếu.

Khi cô giáo hô “trên”, lập tức học trò xòe bàn tay đưa lên cao. Ngược lại, cô giáo hô “dưới” thì học trò đưa ngón trỏ vị trí ngay giữa bụng. Hành động này giúp trẻ phân biệt con số quy ước trên bàn tính. Những hạt ở trên có giá trị là 5 và hạt ở dưới có giá trị là 1.

Sau khi thành thạo cách phân biệt giá trị các hạt thông qua vị trí từ 1 - 9, bé được luyện phép cộng một cách ngẫu nhiên. Kết hợp với cách làm phép toán cộng là bài học “múa ngón”.

Bài múa ngón đầu tiên mang tên “càng cua”. Trẻ phải đưa ngón trỏ và ngón cái của bàn tay phải lên, tự tưởng tượng cách gạt bàn tính hạt gỗ sao cho hạt trên và dưới đều được tiến đến thanh ngang.
 

Trẻ đưa ngón tay hình càng cua và tưởng tượng cách gạt hạt trên
bàn tính để làm toán

 

Khi các hành động đã thành thục, cô giáo chỉ việc đọc số 9, các bé đã có thể hình dung các hạt nằm ở vị trí nào trên bàn tính. Với cách học này, dù không dạy, nhưng trẻ 5, 6 tuổi tự tính nhẩm phép cộng từ số 1 - 9 một cách dễ dàng.

Bé Trần Long Sơn (6 tuổi), khi bắt đầu buổi học còn khá lóng ngóng không biết cái ô vuông với hạt xanh đỏ bên trong là gì. Tưởng đồ chơi, bé cứ gạt lên gạt xuống. Nhưng khi đã được cô giáo giảng về cách làm toán với bàn tính gỗ, bé Sơn biết đọc đáp số những bài toán cô đưa ra.
 

Bé Trần Long Sơn tỏ ra hứng thú với những bài học vận động ngón tay để làm toán
 

Anh Bùi Kim Hiếu, người phụ trách lớp học cho biết, ban đầu trẻ chỉ học cách tính toán với 1 chữ số, dần dần sẽ nâng lên 2, 3, 4… chữ số, thậm chí là cách tính khai căn, lũy thừa với bàn tính gỗ.

Khi trẻ học một thời gian dài, thành thạo với bàn tính gỗ mini, dần dần, chỉ dùng tay tưởng tượng đang gạt các hạt trên bàn tính, trẻ có khả năng làm toán nhẩm nhanh hơn.

Anh Hứa Trọng Hiếu, giáo viên dạy kỹ năng toán Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận1, TP.HCM) cho biết: "Từ kinh nghiệm giảng dạy học sinh làm toán lớp 1, tôi thấy các bé phải vật lộn với các phép cộng trừ. Một số học sinh của tôi khi tham gia học toán với bàn tính gỗ thì thấy tư duy toán học nhanh và tốt hơn".

"Tôi nghĩ rằng phương pháp này không hẳn là dạy học sinh làm toán, mà giúp các em tư duy, tưởng tượng, ghi nhớ bài học tốt hơn. Vì thế mà trẻ có thể tính nhẩm các dãy số nhanh nhờ vào trí tưởng tượng. Trẻ con khi học cần trực quan, sinh động thì phương pháp này đáp ứng được điều đó. Nếu có thể kết hợp với phương pháp dạy học truyền thống sẽ tăng tính tương tác giữa thầy và trò trong lớp học nhiều hơn", thầy Hiếu chia sẻ.
 

Theo BuudienVietNam

Các tin cũ hơn