Nới lỏng kỳ thi tốt nghiệp có nảy sinh tiêu cực ?

Thứ bảy, 02/06/2012, 10:38
Mùa thi năm nay, Bộ GD&ĐT quyết định bỏ chấm chéo, bỏ thanh tra ủy quyền. Điều này dấy lên dư luận về việc các địa phương sẽ buông lỏng trong kỳ thi năm nay?

>>Công bố kết quả thi chậm nhất ngày 18/6
>>Gần 1 triệu thí sinh trên cả nước chính thức bước vào phòng thi
>>Quảng Ngãi: Thu “tiền trà nước” cho giám thị
>>TP.HCM: Sĩ tử lo lắng trước giờ thi Văn

Nếu bạn đọc nào quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đều biết phong trào "hai không" do nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) phát động trong năm 2007. Hai không ở đây là “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích giáo dục".

Sau 5 năm thực hiện chủ trương coi thi, chấm chéo thi ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) giữa các tỉnh thì năm nay, Bộ GD&ĐT quyết định phân cấp triệt để quyền tự chủ cho các Sở GD&ĐT địa phương. Như vậy với việc bỏ chấm chéo, bỏ thanh tra ủy quyền, điều này có khiến các địa phương sẽ buông lỏng trong kỳ thi năm nay?
 
Thực hiện cuộc vận động "hai không" đó cùng với những cải tiến mới trong vấn đề coi thi, chấm thi như cử lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT đến cắm chốt tại các hội đồng thi, coi thi, chấm chéo bài thi giữa các tỉnh/thành phố với nhau, siết chặt kỷ luật phòng thi,....
 
Từ những việc làm tích cực của Bộ GD&ĐT, kết quả đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giảm nhiều so với các năm trước đó.

Có những tỉnh tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ bằng hơn một nữa so với năm trước đó như Kon Tum chỉ đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007 là 55,48%, trong khi ở kỳ thi năm 2006 là trên 92%, đặc biệt tại tỉnh Quảng Ngãi có một trường tỷ lệ tốt nghiệp là 0%, đó là trường THPT Đinh Tiên Hoàng.
 
Số lượng thí sinh bị đình chỉ do gian lận trong khi thi cũng được phát hiện nhiều hơn, như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007 có 2.525 trường hợp, năm học 2007-2008 có 1.809 trường hợp, năm học 2008-2009 có 311 trường hợp.
 



Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có tiêu cực? 
 

Tuy nhiên, những nỗ lực của Bộ GD&ĐT cũng không kéo dài được lâu khi mà có đủ mọi chiêu thức làm tỷ lệ tốt nghiệp của các tỉnh cao hơn. Như ở kỳ thi tốt nghiệp năm 2011, 11 Sở GD&ĐT các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long “bắt tay” nhau chấm điểm khiến Bộ GD&ĐT phải vào cuộc để chấn chỉnh. Trong khi đó, vấn đề coi thi của các hội đồng thi cũng có biểu hiện thả lỏng hơn trước.

Dù còn có những khuyết điểm nhưng có thể thấy rằng, qua những động thái tích cực của Bộ GD&ĐT, vấn đề thi cử đã được các em học sinh và giáo viên quan tâm hơn rất nhiều so với trước.

Điều đó thể hiện qua việc các kỳ thi thử do các trường tổ chức diễn ra ngày càng nhiều hơn, các em học sinh ý thức được việc tự học, không còn cảnh dựa dẫm vào bạn thi và từ những tài liệu được đưa vào từ bên ngoài. Giáo viên làm nhiệm vụ coi thi thì lại tự giác hơn, có trách nhiệm hơn trong công tác.
 
Chính những lý do đó mà sau khoảng hơn 2 năm tỷ lệ tốt nghiệp giảm mạnh, đến kỳ thi THPT năm 2010 đã có nhiều chuyển biến hơn, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ngày càng tăng và được xã hội nhìn nhận là kỳ thi “sạch”, đảm bảo đủ kiến thức cho những thế hệ tương lai của đất nước bước vào đời.
 
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD&ĐT giao toàn quyền cho các địa phương để tổ chức kỳ thi như giao nhiệm vụ cho các Sở GD&ĐT tổ chức chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra và tổ chức công tác chuẩn bị cho kỳ thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, giải quyết các khiếu nại tố cáo về thi.
 
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu khi đã giao toàn quyền cho các Sở GD&ĐT thì sẽ có tiêu cực trong thi cử như đã từng xảy ra cách đây hơn 5 năm hay không?

Theo nhìn nhận một vị Giám đốc Sở GD&ĐT: “Để kỳ thi được nghiêm túc, đúng quy chế, bảo đảm khách quan, công bằng, cần phải khắc phục tư tưởng chủ quan, dễ dãi, buông lỏng kỷ cương trường thi trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên khi làm nhiệm vụ.
 
Kiên quyết ngăn chặn từ xa việc học sinh mang tài liệu vào phòng thi và xử lý nghiêm những học sinh cố tình vi phạm nội quy phòng thi. Cơ quan quản lý giáo dục các cấp xử lý nghiêm minh những giáo viên vi phạm quy chế thi trong kỳ thi”.
 
Liệu các hội đồng thi có thực hiện đúng như lời của vị Giám đốc Sở GD&ĐT này hay không thì chúng ta hãy chờ vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, diễn ra vào hôm nay (2/6/2012) cho đến hết ngày 4/6 tới.

 

Theo VnMedia

Các tin cũ hơn