>>Sản phụ tử vong, lỗi thuộc về ai?
>>Sản phụ tử vong ở bệnh viện Từ Dũ do viêm gan
>>Gia Lai: Lại thêm một sản phụ chết bất thường cùng thai nhi
>>TP.HCM: Một tháng 3 sản phụ tử vong
Mẹ của sản phụ chết ngất tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi khi nhận hung tin con gái mình tử vong ngày 20/4
Đúng là “đen”, vì chỉ trong một tháng (hay chính xác là trong mười ngày cuối tháng) từ Bắc vào Nam đã có 5 ca sản phụ tử vong khi chuyển dạ. Nhưng không chỉ có “tháng 4”, trong tháng này báo chí cũng ghi nhận bảy ca khác, nâng số ca sản phụ tử vong từ 20/4 đến nay lên con số 12.
Trước số ca tử vong dồn dập như thế, nhiều người không khỏi hoang mang đặt câu hỏi phải chăng ngành sản khoa đang có vấn đề?
Nhưng cũng có người cho rằng không đủ cơ sở để nói tử vong sản phụ gia tăng. Rộ lên hàng loạt ca vừa qua chẳng qua do người nhà bức xúc nhờ đến báo chí. Đúng sai thế nào khó nói, bởi theo nhiều chuyên gia, trước giờ chúng ta chưa thực hiện bất kỳ khảo sát nào về chuyện này, nên không có số liệu để so sánh.
Trả lời trên một tờ báo mới đây, ông Nguyễn Duy Khê, vụ trưởng vụ Sức khoẻ bà mẹ - trẻ em, bộ Y tế, thừa nhận: “Để có số liệu tương đối chính xác về tử vong mẹ cần dựa vào điều tra nghiên cứu, và chỉ có thể làm định kỳ 5 - 10 năm một lần do tổ chức điều tra rất tốn kém.
Bộ Y tế rất muốn có số liệu đại diện cho từng vùng sinh thái, từng địa phương nhưng muốn vậy thì cỡ mẫu sẽ rất lớn, trong thực tế không thể làm được”. Không làm được điều tra, không có số liệu và không phân tích được nguyên nhân tử vong mẹ khi sinh nở, vì thế không thể rút ra được bài học và biện pháp phòng ngừa.
Đặt câu hỏi với GS.TS Trần Tịnh Hiền, người có nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu y học, liệu có cách nào giải quyết được chuyện này không. Ông đáp: “Tôi không rành về lĩnh vực sản khoa, nhưng trong nghiên cứu nói chung, muốn biết tần suất (incidence) của một tình trạng bệnh lý nào đó thì phải khảo sát. Cách dễ nhất là dựa vào báo cáo của các tuyến trước trong một năm chẳng hạn”.
Khảo sát dựa vào báo cáo, đó là biện pháp phổ biến hiện nay trong lĩnh vực y tế ở nước ta, thế nhưng nhiều chuyên gia y tế không khỏi hoài nghi về chất lượng của phương pháp này.
Nguyên giám đốc một bệnh viện công lập không giấu giếm: “Ở các nước tiên tiến, ngay sau khi xảy ra bệnh nhân tử vong, hồ sơ bệnh án bị niêm phong lập tức để điều tra nguyên nhân chết.
Ở nước ta thì khác, bệnh viện thường giấu kín các trường hợp tử vong, và nếu sai sót từ phía bác sĩ hay bệnh viện, có thể hồ sơ sẽ được sửa đổi lại cho hợp lý. Cơ quan chức năng càng vào cuộc chậm trễ, bệnh viện càng có nhiều cơ hội để sửa chữa bệnh án”.
Nhận xét này khá hợp lý vì ngay cả tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng thừa nhận rằng không dễ điều tra khảo sát về tử song sản phụ khi nhà nghiên cứu đối mặt với một trong những thách thức tiềm tàng đó là bệnh viện muốn tránh kiện tụng từ phía người nhà bệnh nhân.
Đầu tuần này, người nhà sản phụ tử vong ở Hóc Môn, TP.HCM đã khiếu nại lên bộ Y tế và công an, vì không đồng tình với kết luận của hội đồng chuyên môn sở Y tế cho rằng sản phụ tử vong do “thuyên tắc ối trong khi sinh”.
Điều này cho thấy người dân không còn đặt niềm tin vào cơ quan chức năng, ngay cả khi giải thích trong trường hợp này có vẻ khá khoa học dựa trên cơ sở giải phẫu tử thi. Có lẽ khó có được niềm tin, khi qua nhiều vụ việc khác nhau liên quan đến y tế thời gian qua, sự vào cuộc của ngành y tế luôn chậm trễ và thông tin thường thiếu minh bạch.
Theo thông tin từ bộ Y tế, đến ngày 29/5, chỉ có hai trong số sáu địa phương có tai biến sản khoa khiến sản phụ tử vong báo cáo kết luận giám định pháp y nguyên nhân tai biến.
Câu hỏi đặt ra của không ít người dân bình thường: Hồ sơ bệnh án đã có sẵn, cứ thế mà báo cáo, tại sao tử vong nhiều tuần mà báo cáo vẫn chậm trễ?. “Tắc ối”, “tắc phổi” hay do nhân viên y tế, bệnh viện… “tắc trách”?
Theo SGTT