>>Nghệ An: Thí sinh bó bột vẫn đi thi tốt nghiệp
>>Gần 1 triệu thí sinh trên cả nước chính thức bước vào phòng thi
>>Quảng Ngãi: Thu “tiền trà nước” cho giám thị
>>TP.HCM: Sĩ tử lo lắng trước giờ thi Văn
Phụ huynh ngồi vỉa hè chờ thí sinh thi tốt nghiệp
Và cũng chính vì thế, nhà cách trường thi có 15 phút đi xe đạp nhưng chị vẫn một mực phải đèo cậu chàng nhà mình đi bằng được.
“Ngồi đây cũng chẳng giúp gì cho con nhưng ở nhà hay đến cơ quan thì lại lo,” chị Cúc nhăn nhó.
Chẳng là, cậu chàng nhà chị vốn khô khan như khúc gỗ. Mấy môn Toán với Hóa thì còn tàm tạm chứ cứ nhắc tới chuyện hành văn thì chào thua. Biết tính con, chị cũng động viên, cùng con ngồi gạch ý chính tới mười mấy tác phẩm văn học. Chỉ cần học thuộc những gạch đầu dòng ấy, cộng với một chút câu cú đưa đẩy là môn Văn coi như hoàn thành.
“Con nhà mình chí thú ôn khối A từ đầu, bài trên lớp chẳng để ý nhiều nên bây giờ học nhồi nhét, chỉ sợ lại nhầm tác phẩm này với tác phẩm kia,” chị Cúc lo lắng nói.
Chẳng khá hơn chị Cúc, anh Nguyễn Hồng Trường cứ chốc chốc lại phải chạy ra “nhòm” vào cổng trường Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy) cho đỡ sốt ruột.
“Con gái nhà anh học khối D, môn Văn sáng nay chí ít cũng phải được 7 điểm,” anh Trường tự tin.
Điều làm anh lo hơn cả là sức khỏe của con gái. Năm nay, hai môn xã hội là Lịch sử và Địa lý liên tiếp có trong danh sách môn thi khiến nhiều sĩ tử mếu máo. Chẳng kể những học sinh ấp ủ khối C, phần lớn thí sinh khác đều đứng ngồi không yên với hai môn học thuộc trong buổi thi sắp tới.
Anh Trường bảo, một tuần trước đợt thi, con gái anh ở lỳ trong phòng với đống sách vở. Mặc dù đã lên lịch rất kỹ từ tháng trước nhưng với khối lượng kiến thức dồn lại khá lớn, hai bố con cũng chật vật để nhưng vẫn không làm sao học thật trôi hai môn xã hội nọ.
“Tối qua đã động viên cháu đi ngủ sớm nhưng sáng dậy vẫn thấy mắt thâm quầng, ép mãi mới chịu ăn sáng .Đây mới là môn thi đầu, chẳng biết có đủ sức làm bài tốt không,” anh Trường cằn nhằn.
Anh Trường cũng cho biết, dù tối qua một số bạn gọi điện đến dự đoán môn thi Văn sẽ rơi vào những "bài tủ" của một số tác giả, tác phẩm nhưng chị khuyên con gái không nên chủ quan, mà ôn tất những kiến thức mình đã học.
Rất may, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay kéo dài ba ngày thì trong đó, có hai ngày rơi vào cuối tuần nên cũng thuận tiện cho các gia đình đưa đón các em đi thi. “Tôi đã xin nghỉ làm việc ngày thứ Hai tới để chủ động đưa đón cháu đi thi. Tôi nghĩ, hôm đó có đi làm thì cũng không tập trung được vào công việc,” anh Trường cho biết thêm.
Thi ngày đầu nhưng lo ngày sau
Đến thời điểm hiện tại, các thí sinh đã bắt đầu làm thủ tục bước vào phòng thi nhưng theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực các cổng trường, phụ huynh vẫn tập trung rất đông. Người đứng, người ngồi, người đi đi lại lại và trên gương mặt ai cũng hiện rõ vẻ đăm chiêu, nóng lòng đợi đến lúc con em mình bước ra khỏi phòng thi.
Với nhiều phụ huynh, lịch thi năm nay sắp xếp có sự nặng nề cho thí sinh bởi trong cùng một ngày các em phải trải qua hai môn thi xã hội là Lịch sử và Địa Lý vốn là những môn thí sinh lo “ngay ngáy.”
Ngồi bệt xuống vỉa hè gần cổng trường, bác Nguyễn Thị Huyền ở phường Trần Hưng Đạo có con thi tốt nghiệp dóng đôi mắt vào phía phòng thi với khuôn mặt lo lắng không chỉ cho môn thi hôm nay mà là ngày mai với hai môn xã hội.
Bác Huyền cho biết: “Các cháu lo một thì chúng tôi sốt ruột mười. Đằng đẵng, vất vả nuôi con ăn học, giờ là lúc quyết định, làm sao có thể không lo lắng.”
“Đa phần phụ huynh đều nói rằng các em học sinh thi ngày đầu nhưng lo ngày mai bởi những môn này đòi hỏi sĩ tử kiến thức rộng, khả năng học thuộc nhiều nên sẽ là áp lực cho thí sinh thi vào năm nay,” bác Huyền chia sẻ.
Tuy nhiên, có những phụ huynh rất tự tin khi thí sinh học khối C sẽ gặp nhiều thuận lợi trong đợt thi này.
Anh Đinh Tiến Đạt, phụ huynh một học sinh có con học tốt về các môn xã hội trong khi môn tự nhiên cũng khá đều nên áp lực trong đợt thi này cũng nhẹ nhàng hơn so với các phụ huynh khác.
Anh Đạt cho rằng, với mỗi thí sinh thi khối C sẽ là một thuận lợi lớn khi cả ba môn thi đại học đều nằm trong chương trình tốt nghiệp.
“Đợt thi này sẽ là lần tập dượt kĩ năng kiến thức, khả năng tư duy và tâm lý thi trước khi bước vào kỳ thi đại học sau đó một tháng,” anh Đạt bày tỏ quan điểm.
Trước và trong đợt thi này, anh Đạt vẫn luôn tâm sự với con rằng, đợt thi này cũng chỉ là kiểm tra khả năng học trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường và điều quan trọng cháu cần phải tự tin với lực học và tư duy.
Và với đa số phụ huynh, những ngày đầu tháng 6 hàng năm luôn là một cuộc chạy “maraton” về tâm lý khi ngóng theo từng bước chân của con vào phòng thi đến lúc kết thúc cả kỳ thi.
Theo VietNam+