Sinh viên giúp việc nhà cho "tây"

Thứ ba, 19/06/2012, 10:01
Đừng vì mức lương cao ngất ngưởng mà lóa mắt.
Ô sin đẳng cấp

Công việc này không quá khó, chỉ là những việc trong nhà như lau dọn nhà cửa, giặt quần áo, chăm sóc vật nuôi… “Đẳng cấp” hơn là dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, chơi với trẻ con. Việc này vừa nâng cao khả năng giao tiếp mà tiền bạc lại “rủng rỉnh”, nên khá nhiều sinh viên săn đón.

Nếu giúp việc cho người Việt mỗi tháng chỉ được khoảng 2,5 triệu đồng thì giúp việc cho người nước ngoài có khi được trả tới 8 triệu/tháng. Ngoài ra, nếu làm tốt công việc được giao, các nữ sinh viên còn được tính tiền thưởng. Người nào làm lâu còn được tính tháng lương thứ 13 và được đi du lịch cùng chủ nhà.

Xuất thân là con nhà khá giả, nhưng Mỹ Lan, sinh viên ĐH Hà Nội, vẫn xin giúp việc cho một gia đình người Pháp. Vợ chồng nhà chủ đi vắng suốt ngày, hai cô con gái gửi ở một trường tiểu học quốc tế.

Hàng ngày Lan đến nhà dọn dẹp nhà cửa và mua đồ về chế biến những món ăn theo thực đơn của gia đình. Cô bảo: "Làm việc với Tây rất thích, họ tôn trọng mình, nếu làm được việc và sạch sẽ thì họ rất quý.

Ngoài ra, mình còn được đề nghị dạy thêm tiếng Việt cho 2 cô con gái của vợ chồng này. Nhờ làm ôsin cho Tây mà mình được học phong cách của họ, biết bình tĩnh xử lý mọi việc. Năm học mới này, mình không phải xin tiền mẹ nộp học phí nữa”.

Lan hào hứng khoe thêm, tuần trước, gia đình nhà chủ về Pháp, họ có gửi email cho cô, trong đó có đoạn: “Cảm ơn Mỹ Lan đã giúp chúng tôi có những bữa ăn ngon và hiểu về văn hoá Việt Nam sâu sắc hơn. Sinh viên Việt Nam thật giỏi, con gái Việt Nam thật dịu dàng, chăm chỉ”, điều này khiến cô rất xúc động.

Làm nghề ôsin cho Tây được 2 năm thì cũng là lúc Ngọc Bích, sinh viên trường Đại học KHXH&NV ra trường. Đang chưa biết xin việc ở đâu thì cô nhận được lời đề nghị của ông chủ người Tây về làm ở phòng truyền thông trong tập đoàn của ông ấy. Cô bảo do thời gian giúp việc nhà cho David - tên ông chủ, thấy cô có khả năng làm việc tốt nên ông ta đã mời về làm việc.

 
Nhiều sinh viên thích thú khi được làm người giúp việc trong gia đình
người nước ngoài.

Cũng nhiều... trái đắng

Tuy nhiên, theo lời kể của nhiều sinh viên, làm giúp việc cho người nước ngoài thực sự không đơn giản. Những gia đình người nước ngoài thường sử dụng vật dụng rất hiện đại, nếu không tìm hiểu kỹ thì sẽ không thạo việc và bị sa thải bất cứ lúc nào, thậm chí phải đền tiền.

Hơn nữa, đối với người nước ngoài, giờ giấc làm việc vô cùng nghiêm ngặt, vì vậy không thể nói đùa với hai chữ “nguyên tắc”. Chẳng hạn như trường hợp của Mai, SV ĐH Đông Đô từng làm việc cho một gia đình người Hà Lan. Ngay ngày đầu tiên đi làm Mai đã làm vỡ một chiếc cốc của gia chủ. Dù không một lời kêu ca, phàn nàn hay mắng mỏ, cuối tháng trả lương bà chủ trừ 130.000 đồng.

Những sinh viên đi giúp việc cho người Tây bị “gạ tình” hay bị quỵt tiền không hiếm. Bởi cũng có rất nhiều “Tây ba lô” chỉ được cái mác, còn tiền công thì trả không được sòng phẳng như ghi trong hợp đồng.

Hải Ngân, sinh viên năm 2, ĐHQG Hà Nội lại gặp một trường hợp khác, cô được ký hợp đồng 3 tháng để dạy tiếng Việt cho một anh Tây người Canada. Anh này sang đây kinh doanh nên muốn học tiếng Việt và tìm hiểu những quy tắc ứng xử của người Việt Nam.

Hàng xóm sống quanh số nhà 4…, Xuân Diệu (Hà Nội), hàng ngày đều thấy cô ra vào nhà “anh Tây” liên tục. Chẳng biết học hành kiểu gì mà 3 tháng sau, cô đến bấm chuông thì chàng Tây đã “cao chạy xa bay” để lại trong bụng cô mầm sống đã gần 3 tháng.

Hầu hết người nước ngoài thuê sinh viên giúp việc là những người sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam. Họ khá dễ chịu và có cái nhìn đầy thiện cảm với những trí thức trẻ không ngại khó khăn.

Đối với sinh viên, chọn một công việc để có thêm thu nhập trang trải cho học hành, ăn ở trong 4 - 5 năm ngồi trên ghế nhà trường thực sự là quan trọng. Cũng chính vì thế có thể giải thích vì sao công việc này đang rất “hot”.

Tuy nhiên, sinh viên cần hết sức tỉnh táo trước những lời hứa ngon ngọt về số tiền thù lao cao ngất ngưởng hoặc cơ hội việc làm tại các công ty nước ngoài. Bởi… “mật ngọt” thường làm “chết ruồi”.


 
Theo Đời sống & Pháp luật

Các tin cũ hơn