Trẻ em thoải mái đọc truyện tranh “giường chiếu”

Thứ ba, 19/06/2012, 10:01
Người sản xuất tham lợi nhuận, người sử dụng thiếu ý thức tự giác là nguyên nhân khiến một khuyến cáo quan trọng như rating đang trở thành một thứ hình thức bù nhìn vô nghĩa.

>>Giới trẻ mê mệt drama “tình yêu xuyên không”
>>Giới trẻ vô cảm với chính gia đình mình
>>Giới trẻ và hội chứng 'tung' clip nhạy cảm

Để xây dựng được một thị trường văn hóa phẩm nói chung, và truyện tranh nói riêng được lành mạnh, hợp lý, thì câu chuyện về phân loại độc giả và thẩm định sản phẩm là một trong những điều quan trọng phải được tính đến.
 

Trẻ em hồn nhiên đọc truyện 18+

Dạo một vòng thị trường truyện tranh sôi động với lứa tuổi học sinh, có thể thấy truyện giải trí, tình cảm tuổi mới lớn chiếm số lượng áp đảo. Bên cạnh đó, trong các kệ truyện tại các cửa hàng chuyên cho thuê truyện tranh, lượng truyện tranh có bản quyền chiếm khoảng 50%, còn lại là truyện tranh không có bản quyền.
 

Cuốn sách ở giữa không có rating, hai cuốn sách bên cỡ chữ rating được in nhỏ đến tối thiểu
– Ảnh chụp từ truyện được bày bán, cho thuê (tháng 6/2012)

 

Một độc giả sành truyện tranh và cosplay nhiều năm tại Hà Nội tiết lộ: “Không nói đâu xa, cứ ra khu vực Bách Khoa, các cửa hàng thuê truyện sẽ thấy truyện tranh có hình ảnh giường chiếu không thiếu”.

Những cuốn truyện tranh có hình ảnh, lời thoại không dành cho học sinh nhí, được dán nhãn bé tí xíu “dành cho độc giả trưởng thành”, “dành cho lứa tuổi 18+”, “17+”… Theo quan sát, dễ dàng thấy các em học sinh cấp 2, cấp 3 là đối tượng chính của loại truyện này. Người bán truyện cũng như người cho thuê rất điềm nhiên thoải mái cho các em thuê đọc và bản thân các em học sinh cũng không có nhận thức. Như một số các thực trạng khác tại Việt Nam, rating đã có, nhưng không ai sẵn sàng tôn trọng điều này.

Câu chuyện về phát triển truyện tranh đã từng chững lại bởi nhiều tranh cãi liên quan đến hình ảnh nhạy cảm. Báo chí đã nói khá nhiều về đề tài này. Năm 2006, bộ truyện nổi tiếng “Shin – cậu bé bút chì” … từng bị dừng do phản hồi từ báo chí và độc giả – đến khi trở lại đã phải đặt thêm giới hạn độ tuổi và giảm hình ảnh dễ gây tranh cãi. Năm 2008, tỉnh Thừa Thiên Huế từng phát hiện và thu giữ gần 100 quyển truyện tranh trẻ em có nội dung gợi dục.
 

Hai trong số những bộ truyện tranh có hình ảnh không phù hợp với độc giả nhỏ tuổi
 

Năm 2010, câu chuyện tiếp tục xới trở lại với bài viết trên báo Người lao động “truyện tranh gì mà không khác một cẩm nang dạy cách làm tình!”. Nhân vật nữ thường xuyên bị vẽ “lột trần” (bộ truyện “Một nửa Ramma”), nhân vật nam theo kiểu “anh hùng bạo lực” sẵn sàng cầm dao, mã tấu đi thanh toán “kẻ thù” trong trường.
 

Rating tại VN: trò đùa của nhà sản xuất

Nhưng cầu từ phía thị trường quá dồi dào, và các đơn vị xuất bản không cưỡng được miếng mồi ngon dễ bán. Họ tiếp tục cho in những câu chuyện tình tứ, kín kín – hở hở và đặt một dòng cảnh báo nhỏ đến tối thiểu, cỡ chữ chỉ bằng 1/20 tựa truyện: “Dành cho lứa tuổi trưởng thành”.

Thông điệp này tiếp tục đánh đố độc giả thiếu niên: Tuổi trưởng thành là bao nhiêu tuổi?

Tinh vi hơn, dòng chữ bí hiểm được in sát mí phần lề hoặc thậm chí in trên một diện tích siêu nhỏ là gáy của cuốn sách dày vỏn vẹn 200 trang. Ngoài việc lép vế trước tựa chính, dòng cảnh báo còn bị hình ảnh minh họa màu mè lấn át.
 

Một trong vô số truyện tranh không có bản quyền tại cửa hàng cho thuê truyện –
Ảnh chụp từ truyện được bày bán, cho thuê (tháng 6/2012)

 

Đọc đến gần hết cuốn truyện, khi được hỏi, một độc giả trẻ mới ngớ người ra lật lại bìa sách, nhìn thật kĩ: “Hóa ra truyện này có rating!”

Lẽ ra, những vấn đề đã được giải quyết từ lâu với sự thấu hiểu về luật pháp và các trách nhiệm xã hội, nhưng rốt cục, cái mà quân bài “rating” đạt được chỉ là việc đối phó thành công với sự quản lý của các đơn vị chức năng, báo chí và dư luận.
 

Chữa bệnh “rating đối phó” ra sao?

Cơ quan chức năng sau khi đã nhận được rating thì không còn công cụ nào khác để quản lý, đành buông ngỏ thị trường.

Thay vì “thúc thủ” trước những chiêu trò tinh vi, cơ quan chức năng nên lắng nghe các chủ thể hữu quan, tìm ra đúng giải pháp cho những nhóm lứa tuổi. Đội ngũ này cho biết, các công cụ pháp lý và tăng cường nhận thức cần phải được đẩy mạnh và làm rõ ràng hơn.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, GĐ công ty truyện tranh Phan Thị đề xuất: “Khi gắn rating không phải muốn gắn thế nào cũng được, mà phải chú trọng đến việc thể hiện rating trên bìa như thế nào?

Hiện nay rating truyện tranh được làm bé tí xíu, không để ý thật khó mà nhận ra được. Các nhà sản xuất đó đang cố tình đối phó để khi báo chí hoặc công luận lên tiếng họ có thể vin vào để nói “Tôi đã có rating!”. Họ chạy theo lợi nhuận, bất chấp đến các vấn đề, hệ quả xã hội.

Pháp luật nên có những quy định cụ thể về hiển thị rating. Ta chưa có quy định về kích cỡ, thể hiện của rating. Rating phải được đưa lên bìa sách thế nào để dễ nhận thấy, dễ nhìn thấy. Đặt ở đâu thì dễ nhìn, tỉ lệ như thế nào thì dễ nhận biết nhất.

Người đọc truyện nhìn vào biết được có đúng lứa tuổi của mình hay không. Bố mẹ khi thấy con mình đọc truyện mà thấy rating vượt quá số tuổi của con mình cũng sẽ kiểm soát chứ! Không phải như bây giờ, kích cỡ chữ bé tí tẹo, người ta không thể thấy được.”

 

Thông điệp khuyến cáo trong một bộ phim tại nước ngoài. Phần chữ [R]
– Restricted được trình bày lớn nhất.

Một độc giả quan tâm bổ sung ý kiến: “Ngoài việc in rating đủ lớn trên bìa, có thể dành nguyên 1 trang trong để in nhắc lại về thông điệp này”
 

Tham khảo 2 hệ thống Rating được sử dụng tại nước ngoài.
 

Hệ thống thứ nhất, được dùng rất phổ biến từ lâu

[G] General Audience Mọi độ tuổi đều đọc được.

[PG] Parental Guidance Suggested : Trẻ con đọc được có sự hướng dẫn của cha mẹ.

[PG-13] Parents Strongly Cautioned: Trẻ con trên 13 tuổi đọc được có sự hướng dẫn của cha mẹ.

[R] Restricted – Under 17 requires accompanying parent or adult guardian : Đối với người dưới 17 tuổi, cha mẹ cần cẩn thận khi cho phép đọc.

[NC-17] No One 17 and Under Admitted : Dành cho người trên 17 tuổi.

Hệ thống thứ hai, mới xuất hiện gần đây.

[K] Mọi độ tuổi đều đọc được. Nội dung không bao gồm từ ngữ nặng nề, cảnh bạo lực và cảnh dành-cho-người-lớn

[K+] Không dành cho trẻ dưới 9 tuổi.Có thể có cảnh bạo lực nhưng không gây thương tích nghiêm trọng. Có thể dùng các từ ngữ hơi nặng trong một giới hạn vừa phải. Không có các cảnh người-lớn.

[T] Không dành cho trẻ dưới 13 tuổi. Có thể có các cảnh bạo lực. Có thể dùng từ ngữ nặng nề trong một chừng mực vừa phải. Có thể có các cảnh người lớn được nói tới hoặc miêu tả một cách hàm ẩn.

[M] Không dành cho người dưới 16 tuổi. Bao gồm cảnh quan hệ thể xác được miêu tả không che đậy, bạo lực và từ ngữ nặng nề.

[MA] Dành cho người từ 18 tuổi trở lên. Bao gồm cảnh quan hệ thể xác được miêu tả kỹ lưỡng hoặc có tính chất bệnh hoạn, những từ ngữ thô tục, nặng nề, những cảnh hành hạ, nhục mạ có thể gây ảnh hưởng không tốt tới người đọc có thần kinh không vững.

[B ] Dành cho trẻ từ 1 tới 4 tuổi. Nội dung không có bất cứ cái gì không tốt cho trẻ em. Và dĩ nhiên không bao gồm cả những thứ trẻ nhỏ không hiểu được.
 

Theo VNN

Các tin cũ hơn