1001 chuyện phân tích ADN: Dùng "kế hiểm"

Thứ ba, 19/06/2012, 10:40
Bố mẹ chồng vốn hiền lành, quê mùa mà lại xoay chuyển tình thế. Sự thật phơi bày khiến toan tính của nàng dâu đổ bể.
Phải đến những đơn vị phân tích ADN mới thấy hết được ý nghĩa, vai trò của việc xác định ADN trong đời sống hàng ngày. Có mặt tại Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền, phóng viên GDVN đã ghi lại được những câu chuyện dở khóc dở cười mà ẩn sau đó là những điều trăn trở.

Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu di truyền học, bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm đã tiếp xúc với nhiều người và được lắng nghe những nỗi niềm của người trong cuộc.
 
Xét nghiệm ADN để biết được huyết thống

 
Cách đây một thời gian, có trường hợp vợ chồng ông Trần Văn H. (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã ngoài 70 tuổi cùng nhau mang mẫu tóc của 2 ông cháu đến Trung tâm để phân tích ADN của đứa cháu nội kháu khỉnh. “Khi bước vào cửa phòng, ông bà này nhìn mọi người với vẻ đầy dò xét, hoài nghi. Khi chúng tôi hỏi về mối quan hệ với đứa trẻ được xét nghiệm ADN thì họ úp mở, không nói rõ ràng là cháu hay là con. 
 
Thậm chí, trong đơn đề nghị, vợ chồng ông ấy còn điền thông tin về tuổi tác, mối quan hệ không chính xác. Chúng tôi phải phân tích rất kỹ thì họ mới hiểu và viết lại tờ đơn khác và muốn biết đứa cháu mà họ đang bế bồng có phải là cháu nội thực của mình hay không. Nội tình sự việc thì ông H. hứa sẽ cho biết khi có kết quả chính xác”, bà Nga nhớ lại.
 
Gần 1 tuần sau, ông bà H. quay trở lại trung tâm theo giấy hẹn. Khi thấy kết quả, ông bà gật đầu liên hồi như kiểu vừa tìm ra chân lý. Bà Nga và những nhân viên của trung tâm không khỏi băn khoăn cặp vợ chồng già vui hay buồn khi thốt lên “tôi có đoán sai đâu”, “tôi biết trước kết quả này mà”... Lúc này, ông bà ngồi xuống ghế thở dài và muốn giãi bày câu chuyện của gia đình mình.
 
Vợ chồng đứa con trai độc nhất của ông bà H. cưới nhau và sống ở Hà Nội một thời gian khá dài mà vẫn chưa có con. Con trai ông quyết định đi xuất khẩu lao động bên Malaysia. Ông bà H. muốn con dâu đi cùng chồng để cùng chăm sóc nhau, hy vọng đời sống ở xứ người khá hơn sẽ tăng khả năng có bầu.

Tuy vậy, nàng dâu vẫn kiên quyết không chịu đi cùng chồng. Bẵng đi gần 1 năm sau, con trai gọi điện từ nước ngoài về cho bố thông báo còn 1 tháng nữa là cô con dâu sẽ sinh một cậu con trai kháu khỉnh. 

 
Biết tin ấy, ông H. mừng khôn tả rồi cùng vợ tức tốc bắt xe từ Bắc Ninh đến Hà Nội để thăm nom, chăm sóc trước khi lên bàn đẻ. Tìm đường lên đến địa chỉ nhà mới, ông bà H. giật mình khi thấy nàng dâu không “vác” cái bụng bầu to tướng như đã hình dung.
 
Thấy con dâu đi lên cầu thang với dáng người nhanh nhẹn, vợ ông H. bắt đầu hoài nghi “đàn bà vừa mới sinh nở sao lại đi băng băng như con gái vậy”. Vợ chồng ông bắt đầu để ý nàng dâu của mình.

Bà Nga cho biết “Họ càng quan sát lại càng nghi ngờ: Tại sao không cho con bú? Bộ ngực vẫn gọn gàng trong cái áo lót bó chật, chẳng có biểu hiện gì là người phụ nữ mới sinh? Tại sao cứ vài tiếng mẹ nó lại pha một bình sữa? Nhìn đứa trẻ không có vẻ là đứa bé mới sinh... ". Thắc mắc cứ dội về liên tục khiến họ bất an và gọi điện cho con trai bàn cách xác minh những nghi vấn đó.

 
ADN đã "vạch mặt kẻ nói dối

 
Được con trai đồng ý và gửi mẫu móng tay về qua một người bạn được nhờ chuyển tận tay cho ông bà H. Tuy vậy, mẫu móng tay đến với ông lại là từ người con dâu. Điều này càng khiến ông bà nghi ngờ về việc con dâu đã đưa móng tay của cha đẻ đứa bé cho họ. “Vợ chồng ông H. cho rằng mẫu móng tay có thể bị tráo sang người khác nên đã quyết định chỉ dùng duy nhất mẫu tóc của mình để làm xét nghiệm ADN.

Kết quả cho thấy những điều nghi vấn của họ đều chính xác, đứa trẻ đó không phải là cháu ruột của họ”, bà Nga chia sẻ.

 
Bất ngờ hơn, bà Nga nhớ ra con dâu của ông bà H. chính là một khách hàng quen thuộc của Trung tâm. “Chị ấy thường qua đây để nói chuyện về gia đình cũng như chuyện mất khả năng làm mẹ, đã nhận con nuôi. Chị ấy muốn nhờ chúng tôi xin tờ xét nghiệm ADN khẳng định đứa bé là con của chồng mình. Chúng tôi đã nhiều lần khuyên cô ấy nói thật, tuy vậy cô ấy sợ nói ra sự thật mất khả năng sinh đẻ sẽ sợ chồng ruồng bỏ nên lập ra kế hoạch này. 

Có lẽ, cô ấy nghĩ không thể ngờ được bố mẹ chồng vốn hiền lành, quê mùa mà lại xoay chuyển tình thế, biến xét nghiệm cha con thành xét nghiệm ông cháu đã lật tẩy bao toan tính của con dâu. Không biết khi nhận được kết quả đó, nàng dâu này sẽ nói gì?”, bà Nga thở dài.

 
Theo Giaoduc

Các tin cũ hơn