>> Cậu bé 6 tuổi mọc lông dày đặc khắp người
Trường hợp đầu tiên trên thế giới được phát hiện năm 1648 ở quần đảo Canary. Từ đó đến nay, đã có khoảng 50 bệnh nhân mắc hội chứng trên được phát hiện, như ở Nga, Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan... Thậm chí, một gia đình ở Myanma có tới 4 thế hệ đều mọc lông khắp cơ thể. Bé gái 11 tuổi người Thái Lan, Supatra Sasuphan mới đây được công nhận là người rậm lông nhất thế giới.
Bé Supatra Sasuphan được công nhận là người rậm lông nhất thế giới, được xác định là bị hội chứng người sói. Ảnh: tarina.net
Trước kia trong lịch sử, những người mọc lông rậm khắp người thường bị kết tội là người sói. Mãi đến cuối thế kỷ 19, y học hiện đại mới bắt đầu tìm hiểu những người rậm lông này. Ngoại trừ sai lệch gene dẫn đến sự phát triển của lớp lông thì "người sói" có thể trạng khỏe mạnh và tuổi thọ bình thường như những người khác.
Có nhiều loại người rậm lông khác nhau, tùy thuộc vào loại tóc, lông nào bị ảnh hưởng bởi sai lệch về gene. Có người trên mặt phủ một lớp lông tơ dày, mịn, không chứa sắc tố như lớp lông bao phủ thai nhi 5 tháng tuổi trong bụng mẹ. Lớp lông bao phủ "người sói" cũng có thể mang sắc tố.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân sinh ra loại bệnh này.
Cậu bé Phong ở Quảng Nam là đứa trẻ Việt Nam thứ 2 được phát hiện lông dày đặc, trước đó có bé Hoàng (Quảng Bình). Cả hai em bé đều bị hiện tượng rậm lông bẩm sinh. Mới sinh, trên lưng của cậu bé Phong (6 tuổi) chỉ có một nốt đen, sau đó loang rộng khắp người. Còn cả cơ thể của Hoàng (nay đã 12 tuổi) khi chào đời đã xám xịt với lớp lông tơ phủ kín. Càng lớn, lượng lông trên người em càng rậm rịt, màu da đen sạm như tro than. Hiện nay, chỉ trừ vùng mặt, hai cánh tay và phần chân từ đầu gối trở xuống là vẫn bình thường, còn lại các bộ phận khác trên cơ thể khác của cậu bé đều bị bao phủ bởi lông đen.
Theo một bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế, Hoàng mắc chứng hypertrichosis - còn gọi là hội chứng người sói. Biểu hiện là lượng tóc, lông trên cơ thể phát triển bất thường. Còn bác sĩ Phan Đình Mỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, chẩn đoán nguyên nhân bệnh của Phong là chứng bớt tăng sắc tố.
Bé Nguyễn Văn Phong với mảng lưng mọc lông dày đặc. Ảnh: Trí Tín
Theo một số bác sĩ tại TP HCM, hiện tượng da xuất hiện vùng có màu nâu hoặc đen, trên vùng da có lông mọc dày bẩm sinh, không phải là quá hiếm gặp song vùng da này thường không quá to. Dân gian Việt Nam gọi là bớt. Trường hợp lông đen rậm nhiều như bé Phong, Hoàng mới thực sự là hiếm thấy.
Bác sĩ Trương Quang Định, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) cho rằng, hiện tượng bớt da rậm lông có thể là bệnh u sắc tố da mà bệnh viện từng chữa trị cho nhiều trường hợp. “Rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì chứng này, nhưng thường họ chỉ bị những mảng da đen và mọc lông dày, rậm, các mảng u sắc tố thường chỉ rộng khoảng 5-6 cm”, bác sĩ Định nói.
Bác sĩ Lê Khánh Tân, Phó khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết u sắc tố da là loại u lành tính, có thể điều trị được bằng phẫu thuật và điều trị trong mọi độ tuổi. “Cần loại bỏ khối u tạo nên mảng da bất thường với diện tích mỗi đợt từ 3 đến 4 cm. Nếu mảng u quá to thì phải phẫu thuật nhiều lần. Sau mổ, tình trạng này không tái phát”, bác sĩ Tân nói.
Còn một bác sĩ ở Bệnh viện Y Dược TP HCM khẳng định bệnh này có thể chữa lành bằng cách bắn laser và cắt từng phần da bị bớt.
Theo VnExpress