Anh Nguyễn Thanh Tú (ba bé Phong) kể, cháu có hiện tượng mọc lông kỳ lạ từ nhỏ nhưng do hoàn cảnh nghèo khó nên nhiều năm qua gia đình chưa có cơ hội để đưa bé đi khám chữa bệnh.
Hiện tại, toàn bộ phần lưng bé Phong có vết đen khá dày và mọc lông đen, cứng. Chân bên phải một đám đen rộng, lông mọc dài. Hai cánh tay và khuôn mặt cháu cũng có nhiều đốm đen và bắt đầu mọc lông...
Bé Phong vừa bắt đầu vào lớp 1, song hai tuần qua trong lúc vui đùa, bạn bè phát hiện phần lưng và bụng cháu mọc lông dày nên trêu chọc là “người rừng”, khiến cậu bé mặc cảm, xấu hổ, nằng nặc đòi nghỉ học.
Lông đen mọc dày đặc trên lưng bé Phong. Ảnh: H.N
Chiều 31/10, bác sĩ Phan Đình Mỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã đến tận nơi trực tiếp khám bệnh cho bé Phong. Sau hơn nửa giờ kiểm tra, bác sĩ Mỹ nhận định sơ bộ: "Bé Phong mắc chứng bệnh bớt tăng sắc tố. Đây là loại bệnh ngoài da hay gặp với biểu hiện là các bớt màu xanh đen, nâu hay nâu đen, có thể xuất hiện ở mặt như vùng cổ, phần trên cánh tay, vùng thắt lưng, mông...".
Theo bác sĩ Mỹ, bệnh có căn nguyên từ bẩm sinh, các dát sắc tố này có thể tồn tại suốt cuộc đời bệnh nhân nếu không chữa trị kịp thời. Bệnh “bớt tăng sắc tố” ít mẩn ngứa, bằng phẳng với mặt da nhưng khi da bị tổn thương có thể gây tăng đậm sắc tố, sùi lên và trên bề mặt có nhiều lông. Bệnh thường lành tính nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh. Tùy theo kích thước, vị trí tổn thương mà ảnh hưởng nhiều hay ít, gây cho bệnh nhân sự lo lắng, mất tự tin khi giao tiếp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Phan Đình Mỹ, giám đốc Trung tâm y tế huyện Phú Ninh (Quảng Nam) khám bệnh cho bé Phong. Ảnh: H.N
Trường hợp của cháu Phong bị khá nặng, nếu không chữa kịp thời, các sắc tố sẽ lan rất nhanh khắp cả người. Bác sĩ Mỹ cho biết: "Có hai cách điều trị để giảm bệnh cho cháu Phong nhưng tốn rất nhiều tiền, đó là thẩm mỹ thay da cho cháu hoặc bắn tia laze”.
Theo VnExpress