Vụ bò tót chết sau cứu hộ: Liều thuốc mê là giọt nước tràn ly
Thứ bảy, 04/08/2012, 07:57
Chiều 3/8, trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh TT-Huế cho biết đã xác định được nguyên nhân cuối cùng về vụ bò tót chết.
Theo đó, nguyên nhân khách quan, bò tót là loài rất mẫn cảm với các nhiễu loạn môi trường sống, bị lạc đàn, nhiều ngày phải sống trong sinh cảnh hoàn toàn không phù hợp nên sức khỏe con thú đã suy kiệt rất nghiêm trọng. Đặc biệt là bò tót rất háo nước, khả năng nhịn nước rất kém, nhất là các con trưởng thành có trọng lượng cơ thể lớn như con vừa rồi.
Trong khi đó khu vực sân bay thiếu nước, nhiệt độ ngoài trời cao, thời tiết trong thời điểm cứu hộ rất hanh khô, bê tông sân bay hấp thu nhiệt khiến khu vực sân bay càng nóng nhiều hơn; thiếu thức ăn, lại bị truy đuổi, không được nghỉ ngơi, bị stress nghiêm trọng do tiếng ồn của động cơ và có rất nhiều người hiếu kỳ đứng xem xung quanh hàng rào sân bay nên khả năng suy kiệt của con vật càng nghiêm trọng hơn.
Ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế trao đổi
về nguyên nhân cuối cùng dẫn đến bò tót chết
Tiếp đến, bò tót đã bị bệnh đường ruột nặng trước khi bị truy bắt hơn 3 ngày, nhiều dấu hiệu bị nhiễm trùng đường ruột như các nội tạng bị xuất huyết, sung huyết, hậu môn và phân có máu là dấu hiệu của xuất huyết ruột nặng.
Về việc tiêm thuốc gây mê, tôi đồng quan điểm với với ông Phan Việt Lâm, Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn, người dẫn đầu đoàn chuyên gia về sân bay Phú Bài cứu hộ bò tót bằng phương pháp bắn thuốc mê là “việc tiêm thuốc mê như một giọt nước tràn ly”.
Nếu không có các nguyên nhân khách quan nêu trên như suy kiệt sức, bệnh nặng và xuất huyết trong nội tạng, bò tót vẫn bị tiêm thuốc mê nhưng không bao giờ chết" - ông Hoạch cho hay.
Trả lời câu hỏi của PV, thời điểm đưa bò tót về Trại Voi để dưỡng sức, các phương pháp đặt ván dưới mình bò tót thấy còn sơ sài cũng như phương tiện xe cứu hộ không đúng chuẩn lắm - có thể gây tác động xóc mạnh làm cơ thể bò tót bị suy kiệt nặng, ông Hoạch cho biết “trong chuyện này, các chuyên gia từ Sài Gòn chỉ đạo chúng tôi chuẩn bị phương tiện, cách làm như thế nào thì chúng tôi làm theo chứ chúng tôi không biết phải làm thế nào vì chuyên môn cứu hộ là lãnh vực của họ”.
Ông Hoạch cũng cho biết thêm là trong lúc đoàn xe cứu hộ chở bò tót ra khỏi sân bay chừng hơn 1 cây số thì phải dừng lại hơn 10 phút. Lý do là có quá nhiều người dân hiếu kỳ đi đường chạy xe máy theo làm tắc nghẽn phía đầu xe nên xe không thể chạy nhanh được.
Đoàn phải nhờ tới sự trợ giúp của công an giao thông yêu cầu dân giãn ra, sau đó xe mới chạy lại được.
Được biết, con bò tót khi đang được vận chuyển từ xe xuống Trại Voi, gần tới chuồng thì đã tắt thở. Nếu 10 phút quý giá đó được bù đắp, thì có lẽ các phương pháp sơ cứu cho bò tại nơi cố định ở Trại Voi đã phát huy được hiệu quả. Và có thể con bò đã không chết oan ức như vậy.
Phần mật quý của con bò tót đã được đập nát tiêu hủy rồi chôn theo đúng quy trình
Cuối cùng, kết luận về nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của bò tót, ông Hoạch khẳng định là do nhiều nguyên nhân cộng lại chứ không riêng gì một nguyên nhân là tiêm thuốc mê quá liều như dư luận và một số chuyên gia được phỏng vấn nhận định.
“Như một cái cây đã bị mọt ăn nặng, chỉ cần tác động lực vào một chút nhẹ là cây đổ. Con bò tót cũng vậy, do bị kiệt sức, thiếu nước, thức ăn, bị stress, bị bệnh đường ruột nặng cộng với việc bắn thuốc mê đã dẫn đến cho bò chết”. - ông Hoạch nói.
Hiện, đầu bò tót đang được xúc tiến làm thành mẫu vật bảo tàng. Riêng các bộ phận khác của bò đã bị tiêu hủy, chôn cộng với rắc vôi, thuốc và được giao lại cho chính quyền xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) canh giữ tránh tình trạng người dân đào bới lên để trục lợi riêng. Phần mật được xem là quý bậc nhất trong con bò tót đã bị đập nát và tiêu hủy theo đúng quy định.