Cả thôn uống nước lấy từ... nghĩa địa

Thứ bảy, 04/08/2012, 10:47
Hơn hai năm nay, người dân thôn Phú Thọ, phường Đông Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) phải sống nhờ vào nguồn nước ngọt được lấy từ... nghĩa địa của thôn vì các giếng trong làng đều bị nhiễm mặn.

>>Thừa nước bẩn, thiếu nước sạch 
>>Thiếu điện, thiếu nước, người trồng cà phê khốn đốn
>>Cảnh báo nguy cơ trái đất thiếu nước trầm trọng 
>>Cảnh giác: Cả xóm mất mô tơ máy bơm nước

Ở động cát phía tây của thôn, nơi có hàng chục ngôi mộ đắp cát, ông Lưu Giang Nam - phó Ban quản lý thôn đồng thời là chủ nhân của một trong hai giếng khoan ở đây - cúi xuống lôi lên một ống nhựa dẻo và cho biết đây là ống dẫn nước nối với giếng khoan từ bên trong nghĩa địa. Cách đó không xa là giếng khoan thứ hai của ông Lê Văn Phương.
 
Mỗi ngày, ông Nam dùng máy cày chở cái thùng sắt có dung tích 3m3 đến đây bơm nước ba lần, chuyển về làng bán lại cho dân với giá 75.000 đồng/m3. Còn ông Phương thì dùng thùng 20 lít bỏ lên xe ba gác để kéo nước.

Mỗi chuyến ba gác ông chở được 20 thùng, bán với giá 1.500 đồng/thùng. “Chỉ cần hai ông này bận việc nghỉ chở nước một ngày là bà con thiếu nước, réo inh ỏi rồi!” - ông Võ Đăng Công, bí thư chi bộ thôn, than thở.

 
Thôn Phú Thọ nằm ở bờ nam cửa biển Đông Hải, có gần 300 cái giếng đào cung cấp nước sinh hoạt cho 546 hộ dân, nhưng từ sáu năm trở lại đây nước trong các giếng ngày một mặn dần. Theo ông Công, mạch nước ngầm bị nhiễm mặn nhanh chóng là do hàng trăm đìa nuôi tôm trên cát ở xung quanh làng. 
 
Nguồn nước ngọt của cả thôn Phú Thọ (phường Đông Hải, TP Phan Rang - Tháp
Chàm, Ninh Thuận) được bơm từ giếng khoan trong nghĩa địa 
 
 
Với 1.000m2 đìa tôm phải cần đến hơn 500m3 nước ngọt hòa với cả ngàn mét khối nước biển cho một vụ nuôi ba tháng. Hết vụ, toàn bộ nguồn nước mặn trong đìa lại được thải ra môi trường. Thế nên, chỉ sau chưa đầy chục năm nghề nuôi tôm phát triển ở đây, toàn bộ nguồn nước ngầm đã bị nhiễm mặn nặng nề.
 
Đầu năm 2009, thấy bà con thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, ông Nam đã vác ống nhựa đi khoan giếng quanh làng nhưng nước phun lên đều mặn chát. Cuối cùng, ông thử đưa giếng khoan lên động cát cao nhất vùng, cũng là khu vực nghĩa địa của làng thì dòng nước ngọt xuất hiện.
 
Ban đầu biết nước được lấy từ nghĩa địa, bà con không ai chịu sử dụng. Nhưng rồi chịu khát không nổi, mọi người cũng phải “nhắm mắt uống đại vì không có lựa chọn nào khác”, như lời bà Nguyễn Thị Ky, người dân trong thôn. Bà Ky cho biết thêm các hộ ở đây còn rất khó khăn nên chỉ dám mua nước ngọt nấu ăn uống, dùng xả lại quần áo chứ các hoạt động khác vẫn phải dùng nước giếng mặn.
 
Thế nhưng, giếng khoan của ông Nam và ông Phương chỉ có thể cung cấp nước ngọt từ 3-4 tháng rồi cũng bị nhiễm mặn. Ông Nam cho biết hơn hai năm nay cái giếng khoan của ông đã phải “nhảy” đến bảy chỗ trong khu vực nghĩa địa này mới có nước ngọt bán thường xuyên cho bà con. Mỗi lần giếng khoan đổi chỗ là nỗi lo lắng về nguồn nước bị nhiễm bẩn và sự thiếu hụt nước ngọt của bà con lại lớn lên thêm.
 
Ông Công cho biết sau nhiều lần người dân và chính quyền địa phương kiến nghị, tháng 9-2011 UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo Sở Xây dựng giao Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận thiết kế, thi công công trình tuyến ống cấp nước đi Phú Thọ - Sơn Hải bằng nguồn vốn tái đầu tư của công ty.

Gần một năm trôi qua, nhưng đến nay công trình vẫn chưa được triển khai. Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo của Sở Xây dựng cho biết sẽ kiểm tra và đốc thúc việc thực hiện công trình cấp nước để người dân thôn Phú Thọ được dùng nước sạch.
 
Giếng cạn, dân phải dùng nước sông
 
Nhiều ngày nay, người dân xóm Soi và xóm Gò, thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) phải ra sông gánh nước về dùng vì các giếng nước trên địa bàn đã cạn kiệt. Theo phó trưởng thôn Suối Cối 1 Trịnh Văn Xuân, 291 hộ dân ở đây năm nào cũng khổ vì thiếu nước mỗi khi mùa khô đến và tình trạng này không biết khi nào mới chấm dứt.
 
Theo ông Đặng Chí Hậu - chủ tịch UBND xã Xuân Quang, công trình nước sạch dành cho thôn Suối Cối 1 và thôn Kỳ Lộ thuộc xã đã được UBND huyện Đồng Xuân giao Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân làm chủ đầu tư. Ngày 3-8, lãnh đạo phòng cho biết công trình trên đang chờ nguồn vốn đầu tư, hiện đã hoàn thành phần thiết kế và sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2013.
 
CHÂU LONG

Theo Tuoitre

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn