Ký ức những ngày tháng 8 lịch sử của vị đại tá già

Chủ nhật, 19/08/2012, 13:07
Cách mạng về làng, từ “cậu ấm”, Nguyễn Đồng trở thành chiến sỹ cách mạng và gắn bó trọn đời mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những ngày tháng 8 lịch sử, ký ức về ngày đầu tham gia cách mạng lại sôi sục trong ông.

>> Quảy vào thành phố kí ức về một thời... không dép
>>  Kí ức kinh hoàng của thuyền viên vụ cháy tàu 
 

Đại tá Nguyễn Đồng tái hiện không khí của những ngày Cách mạng tháng Tám
Đại tá Nguyễn Đồng tái hiện không khí của những ngày Cách mạng tháng Tám
 

Trong những ngày cả nước cùng kỷ niệm ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 (19/8/1945), ở căn nhà nhỏ tại xã Nghi Phú (Tp Vinh, Nghệ An), đại tá Nguyễn Đồng cũng sống dậy với ký ức hào hùng của bước đầu tham gia hoạt động cách mạng.

Sinh năm 1927 tại làng Dương Liễu, tổng Nam Kim, huyện Nam Đàn (nay là xã Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An), với gia đình khá bề thế của mình, Nguyễn Đồng đi ra đường được người dân cung kính gọi bằng “cậu”. Với một ít vốn liếng chữ Quốc ngữ cộng với gia thế của mình, chàng thanh niên trẻ này cũng được định hướng làm Hương lý của làng.

Lấy vợ khi cách mạng trong nước đang có những chuyển biến rõ rệt, Nguyễn Đồng cũng “bâng khuâng đứng giữa 2 dòng nước”. Ông nhớ lại: “Hồi đó phong trào thanh niên Phan Anh của Chính phủ Trần Trọng Kim cũng hoạt động hết sức sôi sổi, nó khác hoàn toàn với chế độ phong kiến đang tồn tại nên tôi có ý định tham gia.

Tuy nhiên ý định của tôi đã bị bố và bác can ngăn. Đúng lúc đó, ông Nguyễn Trọng Trường (con địa chủ, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm - PV) về làng tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Nhận thấy phong trào yêu nước của Việt Minh có nhiều tiến bộ ưu việt, tôi quyết định tham gia”.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa, tổ chức của 30 thanh niên trong xã dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Trọng Trường hoạt động dưới mô hình như đội tự vệ đỏ của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930. Do yêu cầu của tổ chức nên đội hoạt động hết sức bí mật, chủ yếu sinh hoạt vào ban đêm, mặc dù vậy vẫn hết sức nghiêm túc.

“Chúng tôi được hướng dẫn cách hoạt động du kích, cách đánh giặc, được tập hát các ca khúc cách mạng. Ai cũng say sưa hát những bài như Diệt phát xít, Quốc tế ca... Chúng tôi hoạt động ở đình làng, bí mật lắm, đến nỗi vợ tôi cũng không hề biết tại sao cứ đến tối là chồng lại biến mất”, ông Đồng kể. 
 

 

Đại tá Nguyễn Đồng tái hiện không khí của những ngày Cách mạng tháng Tám
"Nếu không có cách mạng, có khi tôi sẽ trở thành Hương lý,
đứng ở chiến tuyến đối chọi với người dân"

“Đầu tháng 8/1945, ông Trương cho biết, thời cơ cách mạng đã chín muồi, sẽ có một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, anh em ai cũng phấn chấn lắm. Chúng tôi tự trang bị vũ khí, chủ yếu là dao găm, giáo mác. Hết thời hoạt động bí mật, chúng tôi chuyển sang hoạt động công khai.

Anh em vác vũ khí trên vai, rùng rùng kéo đi cướp chính quyền ở xóm, xã. Lúc này chính quyền phong kiến đã hết sức rệu rã nên việc cướp chính quyền hết sức thuận lợi. Quân khởi nghĩa đi đến đâu, Hương lý run rẩy nộp hết con dấu, giấy tờ sổ sách tới đó. Lực lượng cách mạng đứng hai bên đình, chứng kiến cuộc trao con dấu, báo cáo quỹ của lý trưởng cho chính quyền mới quản lý.

Giây phút đó chúng tôi hiểu rằng cuộc đời của người dân cùng khổ đã bước sang trang mới, được làm chủ cuộc sống của mình, thoát khỏi ách kìm kẹp của chế độ phong kiến và tay sai”.

Kết thúc cướp chính quyền ở xóm, xã, chuẩn bị cho cuộc cướp chính quyền ở huyện, ông hồi hộp thức trắng đêm. Cả làng không ngủ, đàn ông chuẩn bị vũ khí, phụ nữ chuẩn bị cơm nắm, nước chè xanh để ngày mai kéo lên huyện. “Hồi đó, phụ nữ trong làng đều mặc váy đụp. Nghe bảo thời đại mới mặc váy người ta cười cho, phải mặc quần, phụ nữ trong làng thức trắng đêm để… may quần.

Vợ tôi tháo cái áo cưới may được 2 cái quần dài, một cho mẹ, một cho mình để sáng mai đi cướp huyện lỵ”, ông hóm hỉnh kể lại câu chuyện chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa ở làng mình.

Sáng ngày hôm sau, đoàn biểu tình làng Dương Liễu, tổng Nam Kim kéo nhau theo đê sông Lam tiến lên huyện lỵ. Các bà, các cô gánh thêm những gánh cơm nắm muối vừng để phục đoàn biểu tình. Đi qua đò, cơm bị nhúng nước, nát vụn. Đoàn quân mang theo cờ đỏ búa liềm rợp đỏ cả dòng Lam rồi nhập vào đoàn biểu tình của các xã khác kéo dài đến hàng km.

“Chúng tôi vừa đi vừa hô khẩu hiệu, hát các bài hát cách mạng, quên cả mệt. Lên đến nơi đúng lúc chính quyền lâm thời công bố Phạm Nghiêm - làng Đông Sơn làm chủ tịch huyện, trong làng tôi có ông Nguyễn Hoài Sâm - làm ủy viên quân sự huyện.

Phấn khởi quá, giờ mình đã làm chủ cuộc sống của mình rồi. Sau khi cướp chính quyền, chúng tôi được tập trung nghe phổ biến chủ trương của chính quyền non trẻ. Khỏi phải nói, lần đầu tiên người dân thấy được quyền làm chủ của mình, được thông báo, được tham gia ý kiến vào các hoạt động của chính quyền non trẻ, nên ai cũng hăng hái tham gia ủng hộ tuần lễ Vàng, bình dân học vụ, các hoạt động bài trừ mê tín dị đoan và tham gia vào các đoàn thể xã hội.

Nếu không có cách mạng thì biết đâu tôi sẽ làm hương lý, đứng vào hàng ngũ đối chọi với người dân. Cách mạng đã cho tôi nhiều rất nhiều thứ…”, đôi mắt của người chiến sỹ cách mạng bước sang tuổi 85 như có lửa khi nhớ về những ngày đầu tham gia cách mạng.
 

Giới thiệu cuốn hồi ký những ngày hoạt động cách mạng với phóng viên
Giới thiệu cuốn hồi ký những ngày hoạt động cách mạng với phóng viên

Cướp chính quyền thành công, ông được giao làm Bí thư đoàn thanh niêm kiêm đội trưởng đội tự vệ xã. Vốn có ít chữ nghĩa, ông được phân công tham gia giảng dạy lớp bình dân học vụ. Năm 1947 ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được phân công đi học quân sự của huyện.

Năm 1948, kết thúc lớp học chi ủy viên ở huyện, ông được cử làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Tân (được hợp nhất từ 2 xã Tân Hợp và Khánh Tân). Đầu năm 1949, ông được cử làm Trợ lý dân vận huyện nhưng chỉ được 1 tháng sau lại được điều lên Văn phòng Tỉnh ủy phụ trách công tác văn thư.

Chuẩn bị cho cuộc tổng phản công đánh đuổi giặc Pháp, năm 1950, ông được cử đi học lớp chính trị viên đại đội rồi gia nhập quân đội, tham gia chiến dịch Hòa Bình (1951), chiến dịch Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Kết thúc kháng chiến chống Pháp, ông có 10 năm làm việc ở Tổng cục chính trị trước khi tham gia chiến trường B.

Kết thúc chiến tranh, ông về địa phương đảm nhận nhiều chức vụ trong quân đội. Trước khi về hưu, ông Nguyễn Đồng với hàm đại tá, là phó Sư đoàn trưởng về chính trị của Sư đoàn 348 Quân khu 4. Về hưu năm 1986, ông tiếp tục tham gia công tác địa phương từ xóm trường, bí thư chi bộ, hội cựu chiến binh…

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi ông dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho người vợ của mình, bà Phạm Thị Sáu (SN 1927). Công việc của tổ chức phân công, ông đi suốt nên mọi công viêc đồng án, kinh tế trong nhà, dạy dỗ 4 đứa con khôn lớn đều một tay bà lo toan để ông yên tâm hoạt động cách mạng.

45 lấy nhau nhưng thời gian bà sống gần chồng rất ít. “Chiến tranh mà, bao nhiêu người phụ nữ đều phải chấp nhận như thế chứ có phải một mình tôi đâu”, bà cười đáp lại những lời nói tốt đẹp chồng dành cho mình.

Những ngày cuối đời, ông bà có thể mỉm cười hài lòng với những gì mình đang có. 4 người con của ông bà đều thành đạt, có vị trí trong xã hội. Với ông, được quây quần với các cháu chắt trong ngôi nhà nhỏ ở xóm “gia binh” là hạnh phúc tuổi già.

 

Theo VNE

Các tin cũ hơn