Tại chợ Mai Động (Quận Hoàng Mai, Hà Nội), mỗi mớ rau muống có giá 8.000 – 10.500 đồng, tăng 4.000 – 5.000 đồng/mớ so với 2 ngày trước đó.
Rau cải cũng tăng lên 8.000 - 10.000 đồng/mớ (tăng 3.000 - 5.000 đồng so với ngày hôm qua), rau ngót có giá 4.000 – 5.000 đồng/mớ, tăng 2.000 đồng/mớ, bắp cải trắng tăng từ 8.000 lên 10.000 đồng/kg, mướp đắng có giá 12.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; củ cải trắng từ 4.000 lên 7.000 đồng/kg, khoai tây tăng từ 10.000 lên 12.000 đồng;
Đặc biệt, giá các loại thực phẩm tươi sống tăng rất mạnh. Cá tươi tại Ngọc Hà (Quận Ba Đình, Hà Nội) tăng từ 10.000 – 20.000 đồng/kg. Theo đó, cá rô phi loại từ 1kg – 1,5kg là 65.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg). Cá chép từ 75.000 đồng/kg lên mức 80.000 đồng/kg. Cá diêu hồng cũng tăng từ 50.000 đồng lên 65.000 đồng/kg.
Riêng các loại thịt như thịt lợn, thịt bò, giá chỉ tăng nhẹ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Còn giá các loại cua đồng tăng khá mạnh, từ 75.000 đồng lên 90.000 đồng/kg.
Theo chị Nhung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chỉ sau 1 đêm bão, giá các loại thực phẩm đã tăng chóng mặt, các loại rau thì tăng gấp đôi, trong khi giá thực phẩm tươi sống cũng đội lên từ 10.000 – 20.000 đồng/kg.
Giá các loại rau, củ, quả tăng chóng mặt
“Nếu mỗi ngày đi chợ tôi mua hết khoảng 200.000 đồng, thì hôm nay, vẫn số thức ăn đấy, tôi phải tiêu mất khoảng 250.000 đồng do chênh giá thực phẩm”, chị Nhung nhăn nhó.
Theo khảo sát của phóng viên ngày 18/8, mặc dù giá cả tại các chợ đầu mối như Long Biên không có biến động lớn, song tại nhiều chợ bán lẻ ở nội ô lẫn ngoại thành thành phố, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn tăng đáng kể, tạo ra mức chênh lệch khá lớn về giá giữa chợ sỉ và chợ lẻ.
Chẳng hạn, giá cà chua ở chợ sỉ 7.000 đồng, dưa leo 10.000 đồng nhưng tại các chợ lẻ giá vọt lên 15.000 đồng/kg - 17.000 đồng/kg; bầu bí 6.000 đồng/kg (chợ lẻ 12.000 đồng), bắp cải 3.500 đồng/kg (chợ lẻ từ 8.000 đồng), khổ qua 4.000 đồng/kg (chợ lẻ 13.000 đồng)…
Điều đáng nói là giá tăng dù sức mua không tăng, hàng hóa cũng không có dấu hiệu khan hiếm.
Tâm lý
Theo một số lái buôn tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, thực tế nguồn cung và nhu cầu của người mua trong đợt bão này không tăng mạnh, nhưng do tâm lý có bão, nên các tiểu thương bán lẻ ở các chợ nội thành đã tự ý tăng giá bán.
Theo chị Ngọc, một tiểu thương ở chợ Mai Động, do thời tiết mưa bão, nên nhiều lái buôn ngại không vận chuyển rau vào khu vực nội thành, vì vậy giá rau tăng khá mạnh. Hơn nữa, do mưa lớn, nhiều khu ruộng bị ngập nặng, nên nguồn cung rau sẽ suy giảm trong mấy ngày tới.
Anh Nam, bán rau ở chợ đầu mối Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho hay: "Rau ít, nhiều người còn tranh nhau từng mớ về bán. Vợ chồng tôi phải tranh thủ đi sớm 1 -2 tiếng so với bình thường để chọn được nhiều rau tươi hơn. Rau ở các đầu mối đắt, ít nhưng cũng phải tranh thủ thôi vì đem về bán cũng được, không phải lo ế".
Còn theo chị Mai, một tiểu thương tại chợ Ngọc Hà thì, do thời tiết mưa bão, việc vận chuyển khó khăn, nhất là nhiều khu vực ở nội thành Hà Nội bị ngập lớn, nên việc tiếp cận với nguồn hàng là rất khó khăn. Vì vậy, giá bán buộc phải tăng nhẹ.
Giá thực phẩm tăng mạnh đã khiến cho nhiều bà nội trợ buộc phải tìm đến các chợ đầu mối để mua hàng. Chị Linh (Trường Chinh, Hà Nội) thường đi chợ đầu mối Ngã Tư Sở, nói: "Giá rau tăng mạnh quá nhưng là thứ cần thiết nên không thể bỏ được. Đắt lắm đành cắn răng chịu thôi. Tôi cũng thường dậy sớm đi chợ đầu mối kiếm rau rẻ hơn chút, không với mức giá này ở chợ lẻ thì khổ".
Theo các tiểu thương, giá cả của các mặt hàng thực phẩm sẽ tiếp tục biến động trong vài ngày tới. Khi thời tiết ổn định, giá cả của các mặt hàng này mới có thể hạ nhiệt.