Từ cafe chém gió tới những cuộc chơi quái đản

Thứ hai, 20/08/2012, 15:46
Chán chường, luôn trong tâm thế bất cần đời, nhiều bạn trẻ đã rủ nhau cùng tìm đến các quán cafe quen thuộc để tán gẫu, tâm tình mọi chuyện bế tắc cuộc sống hay thỏa mãn các thú vui của bản thân.
Thông qua sở thích này họ đã “hội nhập” với nhau trong các cuộc ăn chơi, chè chén để lập lên các hội sát phạt, giải quyết nhau theo nhu cầu riêng...
 
Buồn chán vì cuộc sống gia đình khi bố mẹ luôn xảy ra tranh cãi, Mai H mất tập trung và không còn hứng thú trong học tập. Cô nhanh chóng nhập hội ăn chơi của lớp với những người bạn đề cao “chủ nghĩa sung sướng bản thân”..
 
Cô đua theo các bạn trong các cuộc chơi trội về đầu tóc, trang phục, bỏ học theo cảm hứng để thỏa mãn thú vui của nhóm. Cô xa rời nhóm bạn tự học ở thư viện hay công viên trong trường với mục đích giành tấm bằng giỏi để dấn thân vào các quán cafe nhạc sống sập sình, “chiến đấu” với các cuộc đua “ngông” của đám bạn ăn chơi dân Hà Nội gốc.
 
Những cuộc tụ họp của hội luôn ở địa điểm quen thuộc vào một thời điểm nhất định. (ảnh minh họa)
 
Những cuộc tụ họp của hội luôn ở địa điểm quen thuộc vào một thời điểm
nhất định. (ảnh minh họa)
 
Thời học phổ thông, Mai H luôn là giữ danh hiệu học sinh giỏi, cả 3 năm học đại học ngoại thương cô cũng chưa năm nào để tuột mất học bổng. Là một cô gái Hà thành chính gốc nhưng Mai H cũng không hề kiêu kì hay chơi trội với ai.
 
Song từ khi mất niềm tin vào gia đình, Mai H từ buồn chán đến thất vọng đã nhanh chóng học kiểu “ăn tiêu trác táng” của đám bạn, dùng mọi cách moi tiền của bố mẹ để “xõa” vào những cuộc hội họp không bờ bến.
 
Ban đầu là những cuộc hẹn, rủ rê đi uống nước tán gẫu để xả stress và thoát khỏi một, hai tiết học nhàm chán. Dần dần, khi Mai H. thực sự nhập hội, biết đến những cuộc chơi dài hơi hơn thì cô đã bỏ hẳn cả buổi học để tham gia các trò chơi “vô độ” với đám bạn cùng sở thích.
 
Lúc đầu chỉ là những trò chơi vui thử thách tính sỹ diện của mỗi cá nhân. Đó là các cuộc “đấu giá” khoản chi tiền nước, ăn uống tại quán bằng những trò chơi có một không hai do hội tự sáng tạo ra.
 
Thông thường là trò tán gẫu về một loạt các gu thời trang của các sao đang “sốt” hiện tại; trò khoe hàng hiệu từ giày, dép, khăn, áo, váy... ai sính được hàng thời thượng nhất thì sẽ không phải trả tiền; rồi những cuộc đánh cược tán đổ một “hot boy” trong lớp sẽ được hội thưởng một cuộc “xõa” đình đám ở một quán bar tự chọn ...
 
Và để đáp ứng được với các cuộc chơi ngông của hội thì các thành viên phải gồng mình dùng những quái chiêu với gia đình để có được những khoản tiền khủng sắm những đồ hàng hiệu đắt tiền vừa để thể hiện mình trước đám đông, vừa có cái để “khoe” với hội.
 
Những cuộc chạy đua cứ thế không ngừng nổ ra với rất nhiều các trò chơi khác nhau, cường độ ngày càng tăng dần đến lúc thành viên nào không còn đủ sức thì tự rút lui với một hình phạt do hội đề ra.
 
Sau một thời gian ăn chơi, Mai H thực sự bế tắc và cảm thấy mệt mỏi, đau khổ trước hàng loạt hậu quả không lường trước.

Kết quả học tập giảm sút nghiêm trọng, những cảnh báo của thầy cô về số tiết nghỉ học vượt quá quy định ảnh hưởng đến điều kiện dự thi hết môn, hơn hết là lời xin lỗi, giải thích của bố mẹ cô về không khí gia đình trong thời gian qua đã khiến Mai H nhận ra lỗi lầm của mình.

Cô đã tự nhận hình phạt lau chùi giầy dép cho tất cả thành viên để có thể rời xa hội.
 
Những cuộc chơi quá đà của giới trẻ
 
Để xác thực cho những lời tâm sự của Mai H, tôi khảo sát một số quán cafe bình dân mà tuổi teen (những cô cậu cấp 3 hay chơi trội), và đám bạn Mai H thường hay lưu tới để đóng chốt làm địa bàn tụ tập.
 
Ngược lại với sự thanh vắng thường nhật của các quán cafe thì các quán này thường nằm ở trong ngõ, hoặc nếu ở ngoài đường lớn thì diện tích rất nhỏ tầm 30 m2 đến 40 m2.

Và một đặc điểm chung khiến giới trẻ lưu tâm chọn quán làm trung tâm vui chơi của hội là một không gian phải thực sự thoải mái cho mọi cao hứng mà giới trẻ có thể khuấy động phong trào cho hội mình. Quán đó phải đáp ứng vô điều kiện những nhu cầu cá nhân về ăn, ngủ, vui chơi cho nhiều người...
 
Dừng chân tại một quán cafe có nhiều dòng xe máy dựng ngổn ngang ở đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội), tôi bắt gặp một không gian cafe chưa từng có. Chưa bước vào quán tôi đã nghe thấy tiếng tranh luận tưng bừng về câu chuyện hút thuốc lá của một hội thanh niên trong quán.
 
Những phát ngôn hùng hồn, to tiếng nhất được tuôn ra: “Thằng con trai không biết hút thuốc lá thì chơi với con gái sao nổi”; “ Không hút thuốc thì cả đời không biết mùi đàn bà”; “Mày không sính được hàng này thì đố mày ngao du được với thằng nào trong xã hội” ...
 
Khi ngồi vào bàn, thấy tôi chú ý đến câu chuyện của đám thanh niên thì chủ quán vội thanh minh nhỏ: “Vào giờ này đám đó đóng đô thường xuyên ở đây nên đừng quan tâm”. Chủ quán phân giải, giờ nghỉ trưa ở quán thường thu hút những thanh niên “choai choai” đến để dương oai, và tụ họp đấu khẩu nhau nên quán đỡ vắng vẻ hơn so với trước kia.
 
Không để ý đến người xung quanh, chín thanh niên thoải mái châm chọc, cãi vã, đập bàn để thể hiện “chất” của mình. Trên những chiếc bàn gỗ cao chừng 20 cm được trưng bày đủ thứ hướng dương, hoa quả, thuốc lá, với đủ loại nước uống phục vụ trận chiến chém gió không cân sức của gần chục thanh niên đầu xanh, đầu đỏ.

Sau một hồi tranh luận thì nhiều “khẩu chiến” đã rơi vào tình trạng ngả ngốn: Người thì nằm ườn xuống bàn, người nằm luôn ra sàn nhà phì phèo điếu thuốc, kẻ thì vắt chân chữ ngũ cười nhạo: “Đời phải biết mình là ai thì mới học đòi được”.
 
Cứ thế từ một câu chuyên hút thuốc lá được các nhân vật này lan rải đến một chuỗi các câu chuyện khác đến 16h thì “hội” mới nhận được chỉ thị của một thành viên là - “giải tán hội” và ra về.
 
Trong suốt quá trình ngồi thăm dò ở quán, tôi đã kịp thời nắm được những chỉ thị ngầm mà đám thanh niên giao trách nhiệm cho nhau, một phần tôi cũng có cơ hội thực tế được những lời kể của Mai H về những cuộc chơi vô độ của giới trẻ. Những cụm từ được lặp lại nhiều lần như: “Nguyên tắc chỉ được cảnh cáo...”; “Phải rèn cho chừa tính hơn đời...” ;  “Mình phải thể hiện được đỉnh cao”...
 
Đa dạng và đa... mục tiêu
 
Theo như lời của Mai H thì mỗi hội lập nên sẽ có những nguyên tắc riêng, nhưng quy tụ chung chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu của mỗi cá nhân trong hội đề xuất ra. Có thể là nhờ “hội” tìm giải pháp thoát khỏi tình trạng tài chính khó khăn, lập mưu “cưa gái” cho một thành viên trong hội, hoặc cũng có thể là nhờ “hội” dùng thế lực can thiệp vào một cuộc răn đe một đối tượng dám tán tỉnh người yêu của thành viên trong hội... Có rất nhiều lí do để “hội” có thể tồn tại và hoạt động theo ngẫu hứng tức thời nếu có đề xuất.
 
Theo ĐS & PL

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích