GS Chu Hảo nói về việc con đẩy bố ra nằm lề đường: Đó là sản phẩm của xã hội này!

Thứ năm, 13/09/2012, 09:22
“Chỉ lên án không thôi những con người như ông Tiến sĩ đuổi mẹ ra khỏi nhà hay con cái đẩy bố ốm đau ra vỉa hè thực ra không có giá trị gì nhiều. Đừng dồn uất hận lên một con người, coi họ như con ghẻ của cộng đồng bởi nhiều khi con người ấy có thể chỉ là một nạn nhân, là sản phẩm của xã hội này” – GS Chu Hảo.

>>Vụ đẩy cha già ra nằm lề đường: Con cái đều là người nhiều tiền nhiều chữ
>>Vụ vứt cha già 87 tuổi ra lề đường: Cô cháu gái lên tiếng
>>Đẩy bố ốm nằm vỉa hè, con ruột lên tiếng
>>Đẩy bố chồng ốm ra nằm vỉa hè, con dâu nói gì?

Đau xót nhưng không quá ngạc nhiên

PV: -Thưa ông, càng ngày báo chí càng phanh phui ra nhiều vụ việc đau xót như một ông Tiến sĩ đánh mẹ và đuổi mẹ ra khỏi nhà (Hai Bà Trưng- Hà Nội) và gần đây nhất là vụ con cháu đẩy bố già ốm ra nằm vỉa hè chỉ để tranh chấp ngôi nhà ở Núi Trúc... Theo ông, hiện tượng này phản ánh điều gì?

GS Chu Hảo: - Điều này phản ánh sự suy đồi văn hóa và đạo đức. Ngày xưa, những người được gọi là có học, đặc biệt là những người tự nhận mình là trí thức, ít ai vô đạo đức tới mức hắt hủi, đánh đập, thậm chí dồn bố mẹ vào đường chết chỉ vì tài sản, chỉ vì đồng tiền. 
 
Bây giờ, ngày càng có nhiều biểu hiện đi ngược lại những giá trị phổ quát của nhân loại về văn hóa và đạo đức. Thay vì coi trọng nhân cách và kiến thức thực học, bây giờ người ta tôn sùng đồng tiền và các mối quan hệ xã hội kiếm được ra tiền.

Và đó không phải hậu quả hoạt động xã hội trong một năm hai năm, thậm chí năm năm, mười năm. Nền kinh tế của một đất nước có thể  lên xuống trong chu kỳ 5 - 10 năm nhưng văn hóa, giáo dục và đạo đức xã hội thường có chu kỳ lên xuống hàng 50 năm, có khi 100 năm.

 
Vậy những điều đang diễn ra khiến chúng ta đang đau lòng không phải xuất phát từ 5 – 10 năm trước đây mà có thể xuất phát từ xa hơn nữa.
 
Theo tôi, những nhà nghiên cứu xã hội học, những người quan tâm tới vận mệnh dài hạn của dân tộc cần phải nghiên cứu một cách hết sức nghiêm chỉnh để trả lời câu hỏi: Tại sao bây giờ động vào đâu cũng thấy vấn đề, tại sao văn hóa đạo đức xã hội xuống cấp đến mức như thế này? Nguyên nhân gốc gác và cốt lõi nào đã dẫn đến tình cảnh này?
 
chuhao.jpg - 40.86 KB
GS Chu Hảo

PV: - Hàng ngàn độc giả cho rằng, hành vi nêu trên không phải là hành vi của con người, con cái nếu không hiếu đễ thì cũng không đến mức đuổi cha mẹ ra vỉa hè trước mắt thiên hạ giữa ban ngày, bất chấp mọi lời chê trách của xã hội. Đây có được coi là sự ưu thắng của cái tôi cá nhân hay chỉ là sự hóa thú của con người khi chạy theo giá trị vật chất, vị lợi bằng mọi giá?

GS Chu Hảo: - Bởi vì bây giờ đối với rất nhiều người thang giá trị đã thay đổi. Họ cho rằng, giá trị của mỗi cá nhân được đo bằng quyền, bằng tiền. Đặc biệt nếu có nhiều tiền, họ sẽ làm được tất cả mọi chuyện. Chỉ khư khư giữ lấy đạo đức, liệu có mấy người yêu quý họ, trong khi, nếu có nhiều tiền, chắc chắc sẽ được thiên hạ trọng vọng hơn.

Bây giờ cuộc sống là như thế. Sinh con ra là muốn con thành ngôi sao, thần tượng, thành ông nọ bà kia (đồng nghĩa với có thể kiếm nhiều tiền một cách dễ dàng) là kết quả của một nền giáo dục vị thành tích, chấp nhận sự giả dối, chấp nhận hư danh, một xã hội mà phần đông coi đồng tiền là giá trị cao nhất. Hậu quả thì chúng ta đã thấy rõ.

Vì vậy, việc ông Tiến sĩ đánh mẹ đẻ, đuổi mẹ ra khỏi nhà và vụ con cái đẩy bố đau ốm ra vỉa hè trước mắt thiên hạ, giữa thanh thiên bạch nhật ngay tại thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta làm tôi đau xót nhưng không quá ngạc nhiên. Và chính vì thế mà đau xót hơn, nỗi đau xót chung cho cả một thế hệ.

Bất lương, bạo lực thành tâm lý chung!?

PV: - Chúng ta có Ủy ban giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng hiền tài cho tương lai, cả hệ thống giáo dục cũng vào cuộc nữa. Vậy ông lý giải như thế nào khi những vụ bất hiếu, bất nhân, vị kỷ như thế xảy ra ngày càng nhiều và mức độ cũng ngày càng tệ hơn?

Ông có cho rằng đó là những trường hợp cá biệt hay là hệ quả của giáo dục đã bỏ sót giáo dục nhân cách con người?


GS Chu Hảo: - Đó là hệ quả của giáo dục. Dứt khoát tình trạng văn hóa đạo đức xuống cấp đến thế này là hệ quả trực tiếp của nền giáo dục bất cập đã tồn tại từ rất lâu rồi mà rất nhiều tiếng nói tâm huyết đề nghị cần phải cải cách toàn diện và triệt để, cần có một cuộc cách mạng thực sự.

 
Nếu một nền giáo dục không hướng tới việc phát triển con người với tư cách một ngã thể, có nhân cách, độc lập sáng tạo mà chỉ đào tạo nên một công cụ lao động phục vụ xã hội, chỉ biết phục tùng một cách vô cảm thì nền giáo dục ấy sẽ không bao giờ có được những thế hệ có nhân cách, có năng lực.
 
Phải bắt đầu từ nhận thức giáo dục như vậy để xây dựng một nền giáo dục lành mạnh không phải chỉ nhằm đào tạo nguồn nhân lực mà còn làm nền tảng vững chắc cho việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, những giá trị mà mấy chục năm nay bị làm cho biến dạng, thui chột đi một cách đáng lo ngại...
 
chuhao1.jpg - 50.72 KB
Ông lão bị con đặt nằm ở vỉa hè, hàng xóm đứng nhìn mà không giúp đỡ.

Vụ việc chùa Trăm Gian vừa rồi chỉ là một hiện tượng điển hình chứ không phải hy hữu. Đó là hiện tượng phổ biến không phải bây giờ mà đã mấy chục năm nay. Tháng 8 vừa rồi, tôi có đến dự Tuần lễ văn hóa Phật giáo ở Nghệ An.
 
Chúng tôi hết sức bất ngờ vì theo tư liệu của một nhà sử học, trước đây, Nghệ An đã từng là một trung tâm phật giáo, niên đại không kém gì vùng Luy Lâu, Bắc Ninh nơi từng tồn tại 700 ngôi chùa, giờ chỉ còn hơn 20 ngôi chùa.
 
Điều đáng buồn là 700 ngôi chùa nói trên bị phá một cách tàn hại nhất từ những năm 1950 cho tới hiện nay.

Phải làm thế nào cho nhiều người biết, nhiều người thấy nhức nhối với nỗi đau này, phải làm cho nhiều người thấy hổ thẹn, khiến họ có động lực hành động, đóng góp một phần nào đó để thay đổi. Ở đây tôi lại nhắc lại một lần nữa, mọi chuyện phải bắt đầu từ giáo dục.

 
Giáo dục là phát triển một con người cá thể hoàn chỉnh, có trách nhiệm xã hội và con người đó sẽ tự tìm ra cách để giải quyết những vấn đề gặp trong cuộc sống.

PV:- Chúng ta luôn nói gia đình là tế bào của xã hội, ông có nhận xét gì khi trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng nhiều những vụ "hai năm rõ mười" chứng tỏ gia đình đang bị nứt vỡ, chồng đánh vợ, vợ đầu độc chồng, con cái đánh đuổi bố mẹ vứt ra vỉa hè....

Hàng xóm kéo đến đứng xem và lên tiếng chê trách nhưng không ai giúp đỡ nạn nhân cả. Điều này cần được hiểu như thế nào cho đúng, thưa ông?


GS Chu Hảo: - Đó vẫn là những vấn đề về giáo dục và văn hóa. Sự vô cảm ấy bắt nguồn từ nền tảng đạo đức của xã hội và từng cá nhân. Cho tới khoảng những năm 60 – 70 và ngay cả trong chiến tranh, trên phố, nếu thấy có đứa trẻ con nào ăn cắp, tất cả mọi người xung quanh đều hô hoán, ngăn cản đứa bé kia làm điều xấu.

 
Thời ấy, cái thiện nói chung vẫn thắng cái ác, cái đẹp vẫn là giá trị tối thượng. Còn giờ đây, gặp kẻ cướp ở giữa đường, giả sử một người nào đó thiện chí, gan dạ mà hô hoán đuổi bắt thì cũng không ai hưởng ứng. Người ta dửng dưng. Nếu vô cảm thực sự đã trở thành căn bệnh xã hội thì hãy coi chừng! …

Càng nghĩ càng thấy phải sửa từ căn bản. Dù lên án những con người như ông Tiến sĩ đuổi mẹ ra khỏi nhà hay con cái đẩy bố ốm đau ra vỉa hè là quyền của mỗi người nhưng lên án những con người cụ thể ấy, theo tôi, không có giá trị gì nhiều.

 
Đừng dồn uất hận lên một con người, coi họ như con ghẻ của cộng đồng bởi nhiều khi con người ấy có thể chỉ là một nạn nhân, là sản phẩm của xã hội này. Chúng ta phải nghĩ tại sao lại dẫn tới tình trạng thê thảm đến thế?

Một truyện cổ kể rằng, có một vị quan đã lột trần bà mẹ và đứa con gái giải đi khắp các phố cho dân tình bêu riếu, phỉ nhổ vì một hành vi sai luật của vua.

 
Người dân của thành phố ấy không ai bảo ai tự động đóng cửa buông rèm, ngừng hoàn toàn mọi hoạt động buôn bán để bày tỏ chính kiến của họ về quyết định hà khắc của vị quan kia. Dân chủ thực ra là thế, mỗi người có thể tự quyết định hành động của mình hướng tới điều gì đó tốt đẹp hơn.

 
Theo Phunutoday

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích