Để trị những học sinh cá biệt, các thầy cô dùng những chiêu đặc biệt. Tuy nhiên, cách nào cũng không bằng cách tổ chức mặt trận liên minh giữa thầy cô và phụ huynh.
Với những học sinh cá biệt, việc họp phụ huynh là nỗi kinh hoàng vì rất có thể, lúc ấy, những lỗi lầm của học trò sẽ bị cô giáo tiết lộ với bố mẹ. Nhưng ít ai biết rằng, trong những cuộc họp này, các thầy cô sẽ tìm hiểu rất nhiều về học sinh của mình, cách hành xử ở nhà, để tìm ra cách trị thích hợp nhất.
Ngoài việc gặp gỡ trực tiếp, đôi khi thầy cô còn trao đổi qua điện thoại với phụ huynh học sinh mà học sinh chẳng hề hay biết. Đây có thể coi là một cách “tác nghiệp” phổ biến trong việc quản lý học sinh, việc ở trường của học sinh đều bị ba mẹ nắm và ngược lại khi học sinh làm gì ở nhà cũng bị giáo viên biết. Chính vì thế, hãy giảm mức độ quậy phá công khai ở cả 2 "chiến tuyến" lại.
Giáo viên đôi lúc "chơi rất thân" với phụ huynh học sinh của học trò
To nhỏ với bạn thân cùng lớp
Để nắm tình hình học tập hoặc mọi hoạt động khác của học sinh, một số giáo viên dùng cách này để có thể nắm được tình hình của học sinh một cách nhanh chóng nhất - đơn giản mà lại hiệu quả.
Mọi người thường nói, đến cả cha mẹ của học sinh cũng chưa chắc hiểu được con em mình bằng bạn bè ngồi kế bên, bởi thời gian bạn ở trên lớp nhiều hơn ở nhà. Ngoài ra, các thầy cô còn có thể hỏi cả các cán sự trong lớp nữa. Và tất nhiên khi thành tích học tập của học sinh sa sút thì đây cũng là một trong những phương pháp gấp rút để giáo viên tìm ra nguyên nhân.
Tham khảo các giáo viên khác
Giáo viên chủ nhiệm có thể cũng không quên “hỏi thăm” các thầy cô bộ môn khác về học sinh của mình. Nếu học sinh đó lại là thành phần cá biệt, thì chắc chắn học sinh đó sẽ luôn là chủ đề chính khi các thầy cô gặp nhau và trò chuyện trong phòng giáo viên.
Như vậy, học sinh đừng nghĩ rằng mình có học "í ẹ" môn Lý thì thầy Toán không biết. Giáo viên hoàn toàn có thể nắm được học sinh học các môn khác như thế nào, thái độ của học sinh khi ngồi trong lớp ra sao. Thậm chí, các giáo viên khác có cách đặc biệt nào để “trị” học sinh cá biệt thì cũng sẽ được tích cực trao đổi cho nhau.
Chính vì thế, nếu học sinh có quên làm bài môn Văn thì đừng có dại dột mà lấy ra làm lén trong giờ tiếng Anh!
Kiểm tra Facebook
Đừng lấy làm lạ, bởi đây là thời buổi người người Facebook, nhà nhà Facebook! Các thầy cô có thể cũng có Facebook và họ còn đang theo dõi mọi hoạt động của học sinh trên trang mạng xã hội này đấy. Một câu status hoặc một tấm hình cũng có thể tố cáo hành vi của học sinh và qua đó sẽ biết được học sinh đang suy nghĩ và đã làm những gì.
Một số học sinh xin nghỉ học với nguyên nhân bị bệnh nhưng hôm sau lại up hình lên Facebook hoặc viết status và còn check in mình đang ở đâu thì chắc chắn học sinh đó sẽ có một buổi gặp riêng với vị giáo viên thân yêu.
Giáo viên thời buổi này dùng Facebook có khi còn "siêu" hơn học sinh
Lời nhắn nhủ cuối
Giáo viên nếu thực sự muốn hiểu học trò mình thì có vô số cách. Có thể nói “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” nên học trò khó mà rời khỏi mắt giáo viên của mình được. Đừng nghĩ "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" còn có hiệu lực cho tới năm 2012 nhé, bởi "trình tu luyện" của các thầy cô cũng không thua kém các học trò đâu.
Tuy nhiên, hãy luôn ghi nhớ rằng, tất cả những gì mà các thầy cô đang ra sức "giám sát" các học trò đơn giản chỉ vì họ còn lo lắng và quan tâm đến học trò của mình , và đó là cách thầy cô muốn học sinh mình tốt hơn mà thôi.