Nước sinh hoạt chỉ gần 4.000 đồng/m3 nhưng sinh viên ở trọ lại phải chịu mứ 10.000-15.000 đồng/m3. Nước máy đảm bảo 100% đâu không thấy, chỉ thấy áo quần ngày một vàng và da thì ngứa.
Sinh viên dùng nước bẩn với giá cắt cổ (ảnh minh họa)
Chủ nhà kiêm… buôn nước
Mới chuyển đến chỗ trọ mới ở Mỹ Đình chưa đầy hai tháng, Trần Phương Thảo (năm thứ hai, Học viện Tài chính) đã 3 lần nhận được thông báo tăng giá nước.
"Khi mới đến thuê phòng, cô chủ nói khu trọ dùng nước giếng khoan nên giá nước là 50.000 đồng/người, đến giữa tháng, cô ấy nói sẽ đổi sang dùng nước máy nên giá nước sẽ lên 70.000 đồng/người. Đầu tháng, nghe giá nước tăng, cô chủ lại thông báo tiền nước tháng này sẽ lên 120.000 đồng/người. Giá nước tăng nhanh còn hơn giá điện hay giá xăng", Thảo bức xúc.
Hai lần chuyển chỗ trọ vẫn không làm Nguyễn Nam (năm thứ ba, trường CĐ Xây dựng Hà Nội) hài lòng. "Ở xóm trọ đầu tiên, ngày nào mình cũng phải đứng xếp hàng để lấy nước sinh hoạt. Cả xóm chỉ có một bể nước chung, ngày bơm hai lần nên không nhanh chân thì không có nước mà dùng.
Nhà chủ còn lắp những chiếc vòi rất nhỏ nên đã không có nước còn phải chờ rất lâu mới đủ nước dùng. Xóm trọ thứ hai cũng không khá hơn vì nước tuy được dùng thoải mái nhưng lại phải ngồi canh chừng đồng hồ đo vì dùng quá tay thì cả tháng lo mà trả tiền điện nước", Nam kể lại.
Tại nhiều xóm trọ, chủ nhà còn tranh thủ "té nước theo mưa" mỗi dịp xăng, điện tăng giá hay có nhiều cách thức để moi tiền của sinh viên.
Bạn Lê Thu Thúy (Học viện Báo chí - Tuyên truyền, trọ tại khu Cầu Giấy) bức xúc: "Tiền nước trong xóm mình luôn cao hơn các xóm khác từ 10.000 - 20.000 đồng nhưng lại chỉ được dùng "nước pha". Một nửa là nước máy, một nửa là nước bơm. Những hôm cô chủ "vô tình" cắt nước giếng khoan hay mất điện thì phải chịu khó xuống nhà mua 1-2 xô nước về dùng tạm".
Tỉ mỉ hơn, ông bà chủ ở xóm của bạn Nguyễn Thị Lan (trường ĐH Lao động - Xã hội) còn lên lịch bơm nước và tính toán cả thời gian đi tắm của sinh viên.
"Mỗi lần lên nộp tiền nhà, mình đều được nghe ông bà chủ than vãn, kể tội vì mỗi lần tắm lâu, có bạn đến ngủ nhờ hay trót vặn vòi quá to đều gây tốn nước và tính thêm tiền", Lan ngán ngẩm.
Nỗi lo nước… không sạch
Dù đã cẩn thận dò hỏi trước về nguồn nước nhưng Hoài Thu (sinh viên trường ĐH Hà Nội) vẫn không khỏi ngỡ ngàng về chất lượng nước sinh hoạt tại khu vực Phùng Khoang.
"Mất hai tháng đầu, mình và cô bạn thân vẫn vô tư dùng nước vì thoạt nhìn thì nước rất trong. Nhưng khi mình đầu tư mua quả lọc về dùng thì mới phát hiện nước không hề sạch. Quả lọc liên tục ố vàng và cứ một tuần lại phải đem rửa", Thu chia sẻ.
Thuê trọ ở Láng, ngay cạnh sông Tô Lịch, cậu bạn Nguyễn Tiến Dũng (năm thứ hai, trường ĐH Giao thông Vận tải) lo lắng: "Tuy chủ nhà khẳng định, nước giếng khoan ở đây đảm bảo an toàn vì được khoan rất sâu nhưng mình vẫn sợ lắm! Đặc biệt, vào những hôm nắng nóng hay buổi sáng khi lấy nước đánh răng, nước thường có mùi tanh và lợ lợ.
Cả xóm chỉ dùng nước ấy để tắm giặt, nước đun nấu phải mua nước bình. Mỗi tháng, ngoài 50.000 đồng tiền nước sinh hoạt, phòng mình còn phải tốn thêm gần 120.000 đồng tiền nước bình".
Đậu Văn Long (năm thứ tư, trường CĐ Du lịch Hà Nội) hóm hỉnh than: "Từ khi sang xóm trọ mới ở Cổ Nhuế, quần áo của mình được nhuộm màu mà không mất tiền. Có hôm vô tình ngâm chiếc áo trắng qua đêm, sáng ra đã thấy áo có màu ố vàng. Dùng nước lâu ngày, da tay còn bị tróc và nhiều lúc bị ngứa, mẩn đỏ. Vì trót ký hợp đồng thuê 3 tháng nếu không mình đã chuyển chỗ ngay".
Được biết, giá nước sinh hoạt tại các khu vực Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu, Phùng Khoang, Bạch Mai… dao động từ 10.000- 15.000 đồng/m3. Những phòng trọ không tính nước theo đồng hồ thì phải đóng từ 70.000- 120.000 đồng/người.
Theo ông Nguyễn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội, hiện nay, đơn vị này đang xây dựng đề án tăng giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố, dự kiến giá nước sẽ tăng từ 30-35%. Giá bán nước sạch của công ty đang được tính: 16 m3 đầu tiên có giá: 4.000 đồng, từ 16 m-20 m3 có giá 4.700 đồng, từ trên 20 m-35 m3 có giá 5.700 đồng và trên 35 m3 được tính giá: 9.400 đồng.