Người đàn ông "lốt quỷ" nhặt rác mưu sinh

Thứ năm, 13/09/2012, 17:42
Mang trên mình hàng nghìn khối u lớn nhỏ, ông Nguyễn Đình Chiểu ở xã Ngọc Tảo (Hà Nội) đang phải kiếm sống bằng rác, lầm lũi chịu đựng biệt danh "người đàn ông đội lốt quỷ".
Không được học hành, không nghề nghiệp, từ nhiều năm qua ông Chiểu lang thang trên mọi nẻo đường hành nghề nhặt rác nuôi mình, nuôi vợ con đang sống tại cụm 9, thôn Vương Điện, xã Ngọc Tảo, Phúc Thọ, Hà Nội.
 
Ông Chiểu sinh năm 1961, trong một gia đình nhà nông có 6 anh chị em. Lúc mới sinh, Chiểu hoàn toàn bình thường, ít ngày sau trên đỉnh đầu xuất hiện một u thịt như hạt đỗ. Tuy vậy, cậu bé vẫn phổng phao, láu lỉnh nên gia đình cũng không mấy bận tâm tới cái mụn thịt mọc không đúng chỗ kia.
 
Những mụn thịt mọc chi chít trên người ông, khiến làng xóm coi ông như "quỷ".

Khi Chiểu lớn lên một chút thì nốt thịt ấy cũng dần to ra. Lên đến 5 tuổi thì nó bắt đầu biến dạng thành cục bi ve. Mỗi khi nằm ngủ hay có ai vô tình chạm vào, cảm giác nhói đau làm Chiểu phải nhăn nhó, khó chịu. Thấy bệnh của con có dấu hiệu lạ thường, gia đình đưa lên bệnh viện ở thị xã Sơn Tây khám chữa.
 
Tại đây, Chiểu được các bác sĩ cắt bỏ u. Từ đó cậu không còn kêu đau mỗi khi có ai xoa đầu nữa. Bất hạnh thực sự đến với Chiểu ở cái tuổi lên 10 khi cái cục thịt quái ác lại xuất hiện đằng sau gáy, lần này không phải một nốt mà là một đám.
 
Những nốt thịt nhỏ như mụn trứng cá phát triển rất nhanh rồi càng ngày càng nhiều, lan dần xuống lưng, bụng, rồi chân tay và cả mặt. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, toàn thân Chiểu đã bị bao bọc một lớp da hoàn toàn khác, thô ráp, sần sùi như da cóc.
 
Quá lo lắng và hoảng sợ trước bệnh tình của con, gia đình đưa Chiểu lên bệnh viện thị xã Sơn Tây một lần nữa để điều trị.
 
Suốt nhiều tháng trời nằm viện nhưng bệnh tật vẫn không hề cải thiện, những nốt mụn thì chi chít và ngày càng nhiều lên, to ra. Sau khi được các bác sĩ cho biết đây là một bệnh hiếm gặp, ở Việt Nam vẫn chưa có thuốc chữa. Lúc đó gia đình mới ngã ngửa và không còn hy vọng gì về khả năng bình phục của con.
 
Nhìn về tương lai xấu, mờ mịt của con mà người làm cha mẹ không khỏi xót xa. “Nhà được 6 người con, anh em nó đều khỏe mạnh bình thường, nhưng thằng Chiểu lại bị bệnh lạ, chạy chữa nhiều lắm, hỏi thăm nhiều lắm nhưng tất cả đều lắc đầu. Từ khi biết mình bị bệnh, người nó cứ đờ đẫn, không làm được bất cứ công việc gì, kể cả việc quét nhà”, cụ Vũ Thị Bạn, 90 tuổi, mẹ Chiểu móm mém kể.
 
Để bù đắp cho đứa con tội nghiệp, cha mẹ vẫn gắng gượng lo cho Chiểu được đến trường. Tuy vậy, chẳng bao lâu thì Chiều nhận ra mình khác lạ với bạn bè và trở nên tự ti, mặc cảm. Học xong cậu lẳng lặng về nhà ngay, lầm lì, chẳng nói chuyện với bạn bè nữa.
 
Những ngày đến trường rồi cũng thưa dần. Sợ con hay đi lang thang xảy ra chuyện, gia đình cho Chiểu nghỉ học và chăm sóc ở nhà. Dần dần, cậu cắt đứt liên hệ với thế gới bên ngoài rồi trở thành người trầm cảm và không còn được nhanh nhẹn minh mẫn nữa.
 
Người đàn ông khốn khổ chọn lấy nghề nhặt rác để mưu sinh. 

Bước sang tuổi 20, Chiểu vẫn không biết làm bất cứ một công việc gì, suốt ngày chỉ lang thang, vật vờ đến bữa lại về nhà. Căn bệnh lạ làm hao mòn thể xác, tiều tụy thân hình Chiểu, vừa là nỗi khiếp đảm, nỗi lo của cả gia đình.
 
Mỗi lần về nhà, Chiểu lại xách một mớ hỗn độn đủ các loại rác thải, túi nilon… ở ngoài đường mang về. Nhìn thấy cảnh tượng này, mẹ Chiểu rưng rưng nước mắt: “Thấy nó mang mấy cái thứ rác thải về nhà, tôi mắng chửi nó, nhưng nó cứ lầm lì không nói gì, tôi cứ mang vứt bỏ đâu đó, nó lại đi tha về, sợ nó nghĩ quẩn nên đành kệ.

Bằng tuổi con mình ai cũng vợ con đề huề, có công ăn việc làm ổn định, còn con mình thì như dở hơi, đờ đẫn, lại hay bị người khác trọc ghẹo. Thương con lắm mà chẳng biết làm gì…”.

 
Rồi người thân ngỡ ngàng khi thấy số nilon con đem về được rửa sạch, phơi khô và bán cho người thu mua đồng nát. Mỗi lần bán được ít tiền, càng thôi thúc Chiểu tiếp tục hành nghề nhặt rác của mình kiếm sống qua ngày.
 
Trong những lần đi nhặt rác ấy, Chiểu gặp chị Vũ Thị Mơ, sinh năm 1962. Chị thương anh, cảm phục về người đàn ông hiền lành, mang nhiều khổ đau. Năm 1987, một đám cưới nho nhỏ được tổ chức.
 
Từ ngày có gia đình, Chiểu được bố mẹ cho một gian nhà và mấy sào ruộng ra ở riêng. Ngày ngày, Chiểu vẫn mưu sinh bằng nghề nhặt rác. Khi anh mang túi nilon về nhà, hai vợ chồng lại chung tay thu gom, giặt giũ rồi bán lấy tiền đong gạo. Các anh chị em của Chiểu cũng thỉnh thoảng tới lui động viên thăm hỏi.
 
Trời thương, cô con gái Nguyễn Thị Nhàn của anh chị ra đời lành lặn, không bệnh tật. Ai cùng mừng rỡ, hàng xóm thêm nể phục mối tình có một không hai này.
 
Không có trợ cấp, mọi sinh hoạt gia đình của người vợ bệnh tật và cô con gái đần độn đều trông vào nghề nhặt rác của ông Chiểu. Ngôi nhà phủ đầy rêu xanh này là tài sản duy nhất cha mẹ ông cất công làm cho con. 

Trớ trêu thay, niềm vui chẳng tày gang. Người vợ sau khi sinh mắc chứng tai biến mạch máu não, không còn khả năng lao động, suốt ngày chỉ nằm liệt một chỗ. Cô con gái càng lớn càng trở nên đần độn, ngờ nghệch không giúp gì. Gánh nặng đổ dồn lên vai người cha khốn khổ. Số tiền sau bao năm gom nhặt từng đồng lại đổ dồn hết vào thuốc thang.
 
Đã qua hơn nửa đời người, không còn cảm giác tự ti mặc cảm bởi hình hài của "quỷ" nữa, nhưng người đàn ông ấy vẫn đang từng ngày phải gồng mình làm công việc độc hại để có đồng tiền nuôi vợ bệnh tật, con đần độn.
 
* Độc giả quan tâm xin liên hệ: Ông Nguyễn Đình Chiểu, vợ Vũ Thị Mơ, ở cụm 9, thôn Vương Điện, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích