Gặp ‘người hùng’ thiếu niên nhảy hồ cứu nữ sinh chết đuối

Thứ sáu, 14/09/2012, 07:20
Trong tai nạn chết đuối khiến 8 nữ sinh Hà Nội thiệt mạng, 3 em may mắn thoát khỏi bàn tay của “tử thần” là nhờ có một nam thanh niên đã dũng cảm nhảy xuống hồ để cứu giúp.
 
Phải mất rất nhiều thời gian, PV mới tìm gặp được em Trần Đình Dân (SN 1995), hiện đang là học sinh lớp 12A10. Dân là người đầu tiên dũng cảm nhảy xuống hồ Tuy Lai để vớt các nữ sinh và một mình em đã vớt được tới 5 người đang chìm dưới nước.
 
Vẫn chưa thể quên những gì vừa xảy ra, Dân kể lại: “Hôm ấy, em đang đi chơi ở gần đập tràn thì nghe thấy tiếng kêu cứu có học sinh đang bị đuối nước. Em vội chạy đến thì thấy người dân bảo rằng có hàng chục học sinh đang chìm dưới nước. Em liền nhảy xuống để mò.

Khi em lặn xuống thấy cả bốn học sinh nữ đang túm tụm vào nhau, lơ lửng dưới nước. Em liền tìm cách kéo từng người một vào bờ. Sau đó, em nhờ những người ở trên bờ kéo các nạn nhân lên”.

 
Dân đã dũng cảm nhảy xuống vớt các nữ sinh đang chìm dưới hồ Tuy Lai

Sau 20 phút, khi Dân vớt được 5 nữ sinh thì có thêm bốn thanh niên khác chạy tới hỗ trợ. Cũng theo Dân, trong vòng khoảng 1 giờ đồng hồ, tất cả các em học sinh đã được vớt lên bờ. Người nhà của các em cũng đã có mặt để nhận diện và đưa thi thể các em về lo mai táng.
 
“Lúc đó cũng cuống, em chỉ biết vớt các em lên bờ rồi để cho mọi người hô hấp và gọi người nhà tới chứ cũng không biết em nào còn sống, em nào đã chết. Cũng vì lúc đó là buổi trưa vắng, ít người qua lại, nếu không nhiều người cùng nhảy xuống cứu giúp chắc sẽ có nhiều nữ sinh nữa được cứu sống”, Dân tâm sự.
 
Theo tìm hiểu của PV, mực nước hồ Tuy Lai sâu gần 3m, do vậy rất khó để lặn tìm các nạn nhân, phải là những người có sức khỏe và thường xuyên bơi mới có thể xuống được, nếu không rất dễ bỏ mạng trong khi cứu người.
 
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV, ông Đinh Tất Tố, Chủ tịch xã Tuy Lai cho biết, hệ thống hồ Tuy Lai có tới ba hồ liền kề nhau. Khu vực 8 em học sinh bị đuối nước thuộc hồ 2.
 
Do hồ Tuy Lai có diện tích rộng lại không thuộc quản lý của xã Tuy Lai nên việc ngăn chặn tình trạng người đổ ra hồ để tắm gặp nhiều khó khăn

Về địa giới hành chính, hồ Tuy Lai thuộc xã Tuy Lai, nhưng về quản lý, khai thác lại không thuộc về xã. “Về đê, nước thuộc công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý. Còn trong lòng hồ, việc tận thu con cá con tép thuộc Công ty du lịch thủy sản Quang Sơn. Hiện công ty Quang Sơn đang khoán thầu cho các hộ công nhân của cơ quan này”, ông Tố cho biết.
 
Khi PV đặt câu hỏi về vấn để cảnh báo cho người dân, Chủ tịch xã Tuy Lai cho biết: “Hằng năm, chúng tôi vẫn cho cắm các biển thông báo hồ sâu, nguy hiểm, cấm tắm dưới hồ. Ngoài việc thông báo trên loa đài địa phương, gửi thông báo tới các trường học để tuyên truyền, các buổi chiều thường ngày chúng tôi vẫn cho lực lượng đi tuần tra. Nếu phát hiện các cháu nhỏ vào khu vực hồ sẽ nhắc nhở, không cho các cháu xuống hồ tắm".
 
Tuy nhiên, vị chủ tịch xã cũng bày tỏ sự khó khăn khi nhiều người mặc dù biết hồ sâu, nguy hiểm nhưng vẫn rủ nhau đi tắm, nhất là các em thanh, thiếu niên. Vì diện tích hồ quá rộng, lực lượng tuần tra lại không thể làm việc cả ngày nên nhiều khi không kịp ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc xảy ra như tai nạn chết đuối.
 
Cùng liên quan đến cái chết của 8 nữ sinh, thầy Nguyễn Đăng Khang - Hiệu trưởng trường THCS An Mỹ, Mỹ  Đức, Hà Nội cho biết, việc 8 em học sinh nữ bị tử vong do tắm hồ Tuy Lai là sự việc đau lòng nhất từ trước tới nay đối với nhà trường. Theo thầy Khang, buổi chiều ngày 12/9, cả 11 em học sinh trên không phải đến lớp học.

Các em đã tự ý rủ nhau đi chơi ra khu vực hồ Tuy Lai mà gia đình và nhà trường không hề hay biết. Đến khi nhận được thông tin thì đã quá muộn. Chỉ có 3 em may mắn được cứu sống.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn