Lương 5 triệu xông xênh nuôi vợ thất nghiệp và con nhỏ (!)
Thứ sáu, 19/10/2012, 09:13
"Mấy thằng bạn tôi thu nhập gấp 3, gấp 4 lần tôi vậy mà nhiều khi gặp, nhìn chúng nó như "giẻ rách", vẫn xòe tay vay tiền tôi như thường. Trong khi đó, ví của tôi chưa bao giờ thiếu tiền, tôi cũng không phải vay ai đồng nào, mỗi lần đi chơi với bạn bè, tôi vẫn xông xênh", anh Vũ Nam Thành (31 tuổi, quê Nghĩa Hưng, Nam Định), quản lý một khách sạn trên phố Đường Thành (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự về phong độ sống thời của khó người khôn.
Tôi không hiểu sao mấy thằng bạn tôi mang tiếng làm ngân hàng, truyền hình... thu nhập mỗi tháng hơn chục triệu mà lúc nào cũng kêu như vạc rằng không đủ ăn, thậm chí mỗi lần gặp còn xòe tay vay tiền tôi - một kẻ lương ba cọc ba đồng (mỗi tháng chỉ có 5 triệu đồng, thi thoảng mới có thêm ít lộc chừng 1-2 triệu nữa).
Nói không ngoa rằng tôi có chút tự hào của kẻ chưa từng phải vay ai lấy một nghìn đồng, đi chơi với bạn bè vẫn sống thoáng. Nhiều đứa bạn còn thèm có được cái đĩnh đạc tự tin, lúc nào cũng phong độ của tôi. Tôi ở khu trọ bên Gia Lâm đã 5-6 năm, hàng xóm thường khen tôi giỏi, một mình nuôi vợ, nuôi con, gia đình hạnh phúc không bao giờ to tiếng.
Anh Vũ Nam Thành cho biết, với lương 5 triệu và khoản phụ thu không đáng kể anh vẫn có thể xông xênh nuôi con nhỏ và vợ thất nghiệp
Sau 5 năm kết hôn, tôi có 1 cô vợ thất nghiệp và 1 con gái gần 5 tuổi. Chừng ấy năm chung sống, khoảng thời gian vợ tôi đi làm có lẽ chỉ được chừng 10 tháng, còn lại cô ấy ở nhà nấu cơm, chăm con.
Lần gần đây nhất, tôi xin cho vợ làm lễ tân ở một công ty lương tháng 4 triệu (tính thêm các khoản phụ thu khác cũng được 6 triệu/tháng). Vậy mà làm được 1 tháng, cô ấy bất đồng với quản lý, bỏ ngang, về nhà ôm con. Một mình tôi nuôi vợ, nuôi con, lo tiền thuê nhà, tiền ăn, lại phải bù phụ cho hai bên nội ngoại.
Bố mẹ vợ tôi mới ngoài 50 tuổi nhưng các cụ không muốn làm gì. Sau khi chúng tôi cưới một thời gian, bố mẹ vợ tôi điện lên bảo: Giờ bố mẹ không làm gì nữa nên mỗi tháng mấy anh em đóng tiền nuôi bố mẹ, mỗi đứa 500 nghìn. Chẳng biết làm thế nào, vợ tôi cùng 2 chị em cứ cuối tháng lại gửi tiền về cho bố mẹ.
Còn bố mẹ đẻ tôi không bao giờ gọi điện lên đòi hỏi con phải gửi tiền này nọ, nhưng với trách nhiệm của kẻ làm con, tôi cũng cố gắng thi thoảng gửi về cho các cụ dăm trăm, một triệu hay mua sắm thứ gì đó cho các cụ.
Chẳng biết chị em phụ nữ có hiểu rằng nỗi khổ nhất của thằng đàn ông là phải quản lý kinh tế, chi tiêu trong gia đình. Vậy mà trong nhà tôi, tôi lại phải làm việc đó bởi vợ tôi không có công ăn việc làm. Với đồng lương 5 triệu, mỗi tháng lĩnh lương xong tôi nộp luôn tiền nhà, tiền điện, nước 2 triệu, còn lại tôi đưa hết cho vợ để tự cô ấy chi tiêu.
Trong 3 triệu ấy, vợ tôi phải đóng tiền học cho con 800 nghìn/tháng, 1 triệu tiền sữa và tiền ăn cho con; còn lại là tiền xe cộ, điện thoại, internet, tiền truyền hình cáp, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối...
Tháng vừa rồi nhà tôi đến khốn khổ vì thêm nhiều khoản phát sinh. Mẹ tôi ốm, tôi phải đưa bà lên Hà Nội khám. Tiền thuốc thang, ăn uống này nọ, bao nhiêu khoản khiến tôi mất tong 15 triệu. Vậy là cả nhà gấp rút thực hành tiết kiệm.
Thay vì ra quán ăn sáng, vợ chồng tôi bảo nhau buổi tối cắm cơm nhiều hơn, sáng mai cắm lại cho nóng để ăn. Gạo chúng tôi lấy ở quê lên. Khoản bù phụ cho bố mẹ vợ tôi xin khất, để lần sau về đóng.
Các khoản không cần thiết như đi siêu thị, mua sắm quần áo... chúng tôi cũng cắt hết. Con gái muốn đi chơi tôi cho ra công viên vừa thoáng mát, sạch sẽ lại lắm trò chơi với chi tiêu tối đa chỉ khoảng 50 nghìn đồng.
Đừng tỏ ra nghèo khổ, sẽ không ai thương mình
Không có việc làm nên vợ tôi cố gắng chi tiêu tiết kiệm. Sáng đưa con đi học, cô ấy chỉ cho con ăn, còn bản thân thì nhịn vì tiếc tiền. Tôi phải quát lên bảo rằng hết tiền tự khắc tôi lo được.
Tất nhiên tôi biết với chừng ấy tiền thì chỉ có nước nhịn đói nhưng tôi không bao giờ đưa quá nhiều tiền cho vợ vì hễ dư ra đồng nào là cô ấy lại gửi về nhà ngoại rồi cho rằng tôi có khoản riêng.
Thi thoảng tôi kiểm tra ví vợ, ướm thử bao giờ hết thì tiếp tục "bơm" ít một.
Tôi vẫn để cho vợ mạo hiểm thử một vài công việc kinh doanh lặt vặt mà cô ấy thích. Đợt vừa rồi, thấy người ta mở quán nước kiêm trà chanh chém gió kiếm được, vợ tôi thấy ham. Vậy là nhân lúc tôi đi tour, cô ấy ở nhà lặng lẽ vay tiền mở quán ở gần trường Bách Khoa.
Quán mở ra chưa đầy 1 tháng mà khách chẳng thấy đâu, chỉ khổ mấy đứa thằng bạn tôi kéo đến ăn ủng hộ mấy lần.
Để lâu càng lỗ, cuối cùng vợ tôi bảo dẹp quán. Quán đóng cửa, còn tôi còng lưng ra trả khoản lỗ 10 triệu cho thử nghiệm của vợ. May mà công tác phí của tôi đợt ấy vừa đủ bù vào thua lỗ của vợ.
Ngoài tiền lương đưa vợ, thi thoảng tôi có ít lộc cũng được chừng dăm triệu. Dù không đều nhưng tôi cũng tiết kiệm, mua con xe tay ga Hayate, quần áo chỉn chu.
Tôi nghĩ thế này: mình có tỏ ra nghèo khổ thì cũng không ai thương mình, vì thế tôi cố gắng đi đâu cũng phải đàng hoàng, để mọi người tôn trọng mình.
Hễ có họp lớp hay bạn bè có tụ tập gì tôi luôn có mặt và đóng góp đầy đủ. Mấy đứa bạn tôi thu nhập gấp 3, 4 lần tôi vậy mà nhiều lần gặp nhìn chúng nó như "giẻ rách", còn vay tiền tôi bởi chúng biết túi tôi không bao giờ hết tiền (dù không nhiều, chỉ dăm trăm, một triệu).
Đúng là các bạn tôi có nhiều tiền hơn tôi thật nhưng cách chi tiêu chắc gì đã xông xênh hơn tôi. Bạn tôi có thể đùng một phát có hàng trăm triệu để sửa nhà nhưng liền sau đó túi nó lại chẳng có một xu.
Tôi có thể tham gia các cuộc chơi cùng bạn bè nhưng không bao giờ quăng một lúc ra cả đống tiền.
Là đàn ông, thi thoảng tôi cũng đề đóm một chút nhưng chỉ là vui thôi, thích lắm thì chơi 50-100 nghìn rồi thôi, chứ không máu ăn thua. Tôi không hút thuốc lá, những khoản rườm rà cắt được là cắt, chỉ tập trung vào những thứ cần thiết nhất.
Bạn đến nhà tôi chơi cứ đòi ra quán nhậu rồi cà phê cà pháo, tôi bảo vợ mua đồ ăn uống tại nhà rồi ra ngồi trà đá.
Trong mấy năm lập gia đình, bằng mọi cách tôi để trong tài khoản 1 khoản 10 triệu đồng phòng lúc bất trắc hay con cái ốm đau. Đây là khoản bất di bất dịch, không ai được đụng vào, kể cả vợ tôi.
Nếu ai đó bảo rằng tôi quá căn cơ thì tôi cho rằng không phải. Đó là tôi có kế hoạch chi tiêu rõ ràng (tôi đang làm thay việc của vợ) để bản thân tôi không bao giờ phải nặng nề, dằn vặt nghĩ ngợi đến tiền nong.
Tôi cũng biết, tôi may mắn có lộc ra lộc vào, dù không đều và không nhiều, nên nó giúp cuộc sống của gia đình tôi bớt khó khăn phần nào.
Không phải tự hào đâu nhưng tôi nghĩ ít ai, kể cả chị em phụ nữ, có thể quản lý chi tiêu tốt như tôi. Nếu vợ tôi có việc làm ổn định, chắc tôi đã có nhiều cơ hội tốt hơn và có thể tôi đã mua được nhà Hà Nội.