Giáng sinh và những điều ít biết

Thứ hai, 24/12/2012, 16:19
Đến dịp lễ Giáng sinh, các thánh đường được trang hoàng lộng lẫy, nhưng thực chất chúa Jesus được sinh ra tại trong cảnh cơ hàn (chuồng bò) và ngày 25 - 12 không phải là ngày sinh của Chúa Jesus.
Không khí Giáng sinh năm nay (2012) tại nhà thờ Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình). Ảnh: Minh Đức

Chúa Jesus sinh ra trong chuồng bò

Kinh Thánh bao gồm 73 cuốn, trong đó có 46 cuốn Cựu Ước (Giao ước cũ - Trước thời điểm Chúa Jesus sinh ra) và 27 cuốn Tân Ước (Giao ước mới hay còn gọi là sách Tin Mừng – Từ khi Chúa Jesus sinh ra). Trong Kinh Thánh, không đề cập cụ thể ngày 25 – 12 là ngày Giáng sinh.

Cả 4 tác giả viết 27 cuốn sách Kinh Thánh Tân Ước là Macco, Luca, Mattheu, và Gioan đều đề cập đến sự kiện Chúa Jesus sinh ra một cách trùng lặp, nhưng không có chi tiết nhắc đến ngày 25 – 12 là ngày lễ Giáng sinh. Bộ sách Tân Ước do các môn đồ của Chúa Jesus ghi lại khi Ngài đi giảng đạo. Có thể nói cả 4 tác giả đều phản ánh các tình tiết Chúa Jesus sinh ra giống nhau.

Các tác giả ghi lại: Khi nhận được thông tin từ các vị tiên tri, báo trước về việc sẽ có một đứa trẻ (Jesus) sinh ra sẽ làm vua các vua, chúa các chúa. Bấy giờ, nhà vua Herode đã lo sợ cho ngai vàng của mình nên tìm cách để giết hại tất cả những đứa trẻ đã sinh ra ở thành Belem (vua Herode cai trị từ năm 37 trước CN cho đến năm 4 sau CN được gọi là Herode Cả).

Tin này đã được sứ thần báo cho ông Giuse (cha nuôi Chúa Jesus) và bà Maria (người sinh ra Chúa Jesus). Trong lúc bụng mang dạ chửa, hai người đã tìm cách chạy trốn khỏi thành Belem. Trên đường chạy trốn bà Maria đã trở dạ, vì không có tiền thuê phòng trọ nên đành phải đưa vào một chuồng bò của một quán trọ để sinh.

Sau khi sinh, một số người chăn chiên được thiên sứ báo tin, và đã tìm đến thờ phượng Ngài. Sau "sự kiện Giáng sinh" đầu tiên này, hơn 300 năm sau, loài người mới kỷ niệm ngày lễ này một cách đều đặn, khi Cơ đốc giáo trở nên phổ biến vào thế kỷ thứ 4.

Trước đó, các tín đồ Cơ đốc giáo muốn ăn mừng sự kiện Thiên chúa giáng thế làm người nhưng luôn phải tránh né sự bắt bớ của chính quyền La Mã (Sách Mattheu chương 2, từ câu 1-18 ghi lại).

Họ đã khôn khéo chọn ngày 25 - 12 - ngày người La Mã ăn mừng "Thần Mặt Trời" đem ánh sáng đến cho trần gian - để kỷ niệm ngày lễ mừng Thiên chúa Giáng sinh.

Trong một thời gian, chính quyền La Mã đã không thể phát hiện các tín đồ Cơ đốc hân hoan mừng vui chào đón sự kiện Chúa Jesus đến trần gian vì họ đã tổ chức trùng ngày đại lễ của La Mã. Năm 312, hoàng đế La Mã Constantine I đã bỏ đa thần giáo và theo Cơ đốc giáo.

Ông đã hủy bỏ ngày lễ ăn mừng thần Mặt Trời và thay vào đó là ngày ăn mừng sinh nhật Chúa Jesus. Đến năm 354, Giáo hoàng Libero công bố ngày 25 - 12 là ngày chính thức cử hành lễ Giáng Sinh của chúa Jesus.

Ngày hôm nay, một số ngôi Thánh đường vẫn làm hang đá, hoặc những chiếc chuồng bò để ghi nhớ ngày Chúa Jesus sinh ra trong cảnh nghèo khó, không phải trang hoàng lộng lẫy như mọi người tưởng.

Trong buổi cầu kinh mới đây, Đức Thánh Cha Benedicto đã khích lệ các tín hữu “hãy chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh như một ngày lễ tán tụng tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, và đừng để bị chi phối bởi những cám dỗ của chủ nghĩa tiêu thụ".

Ý nghĩa của từ “Merry Christmas”

Giáng sinh được trang hoàng lộng lẫy tại tòa nhà Vincom. Ảnh: Minh Đức

Trong cụm từ Merry Christmas, “Merry” có nghĩa là niềm vui còn “Christmas” có nghĩa là các con của Chúa (cách dùng trong tiếng Anh cổ).

Ông già Noel vốn là một truyền thống chỉ về một giám mục tên thật là Nicolas, một tín hữu được mọi người tôn thánh qua đời sống rất yêu mến Chúa và đặc biệt là tấm lòng yêu quý trẻ nhỏ. Ông sinh ra vào khoảng năm 280 tại thành Myra, tức thành Demre, Thổ Nhĩ Kỳ. Sinh thời, ông có ảnh hưởng tích cực tới nhiều người, trong đó có cả việc cải đạo hoàng đế thứ 57 của đế chế La Mã.

16 thế kỷ sau, khi ông Nicolas trở thành thánh sống thì hình ảnh ông già Noel mới xuất hiện.

Hình ảnh ông già Noel như hiện có ngày nay là hình ảnh tưởng tượng không có thật, xuất hiện lần đầu tiên trong bài thơ "A visit from St Nicholas, La visit de St Nicolas) của nhà văn, nhà thơ Clement Clarke Moore. Bài viết đăng trên nhật báo Sentinal tại New York ngày 23 – 12 – 1823 miêu tả những con ngươi tí hon đem quà phát cho trẻ con bằng xe được kéo bởi 8 chú tuần lộc.

Trước đó 2 năm, cũng Clarke Moore đã sáng tác tiểu thuyết "Đêm trước Noel" mô tả về ông già trên xe trượt tuyết được kéo bởi những con hươu.

40 năm sau, họa sĩ Thomas Nast đăng một bức tranh trên tờ báo Harper's Illustrated, trong đó kí họa một ông già mặc áo lông thú màu trắng thắt dây lưng màu đen. Đó là bức tranh minh họa hình ảnh Santa Clause, hay ông già tuyết, bụng to, râu bạc dài và cưỡi trên xe có những con hươu kéo.

Như vậy, ông già Noel là nhân vật tưởng tượng của nhà văn Clarke Moore hơn là một nhân vật có thật, mặc dù ông được gán cho thánh Nicolas. Dù thế nào đi nữa, sự quá khác biệt về 2 nhân vật này khiến chúng ta ko thể đánh đồng hai là một.

Theo Tienphong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích