Làn sóng nói không với tại chức
Bước sang năm 2012, sau các tỉnh Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương… thì Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Nam cũng đã có quyết định không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp hệ tại chức (tức hệ vừa làm vừa học).
Tại TP.HCM, tuy không quy định bằng văn bản nhưng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: khi tuyển giáo viên cho năm học 2012 - 2013, các ứng viên tốt nghiệp hệ tại chức sẽ bị chấm thang điểm thấp.
Với hàng loạt các tỉnh "quay lưng" với hệ đào tạo tại chức, đồng nghĩa với việc nói không ngay với sản phẩm do chính các trường ĐH của ngành giáo dục thực hiện. Đây được xem là hồi chuông cảnh báo về chất lượng giáo dục cho các nhà hoạch định chính sách phải xem xét.
Xô đổ cổng trường để xin học cho con
Khát vọng con được học một môi trường học tốt theo GS Hồ Ngọc Đại "đó là mong muốn bình thường. Một khát vọng chính đáng". Sự bình thường đã trở nên bất thường khi hàng ngàn phụ huynh chầu chực thâu thêm, dầm mưa... thậm chí đạp đổ cổng trường để có được "vé" thi vào Trường thực nghiệm.
Họ bất chấp tất cả để con được học môi trường tốt. Một cuộc thi... chạy theo nghĩa đen đã diễn ra trong sự ngỡ ngàng và thương cảm.
Thế nhưng, những môi trường thế này vì sao không được nhân rộng vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ?
Tiêu cực thi tập thể
Đầu tháng 6, hơn 1 triệu thí sinh Việt Nam đã dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một thực tế trớ trêu diễn ra ngay lập tức: Nhận định kỳ thi "an toàn, nghiêm túc" vừa ngớt hôm trước thì hôm sau, sự gian lận trong thi cử đã được phát giác qua các clip ở hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) với các hình ảnh giám thị vô tư ném 'phao' cho thí sinh.
Clip tiêu cực được một học sinh nông thôn ở tận huyện miền núi Lục Nam dùng “công nghệ bút quay” để làm lộ sáng một phần nhỏ giả dối của giáo dục: những tiêu cực bấy lâu trong thi tốt nghiệp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Chuyện Bắc Giang là danh dự ngành giáo dục. Các chuyên gia, nhà giáo dục cho rằng đây là vấn đề xã hội đáng quan tâm.
"Vì Việt Nam không chỉ có một Đồi Ngô mà có cả một rừng Ngô" - lời GS Nguyễn Lân Dũng.
Ông đề xuất, từ Đồi Ngô, Bộ GD-ĐT cần xem lại 'Hai không', xem xét lại cách thi tốt nghiệp...
"Nở rộ" học sinh tự tử
Bức xúc với cô giáo nên nhảy lầu tự tử; xấu hổ vì bị bạn "tụt quần" nên tự tử; phản đối cô cứa tay nên tự tử; để mất quỹ lớp tự tử... Đó là những lý do dẫn đến những cái chết thương tâm để lại nỗi ám ảnh cho các bậc cha mẹ và những người làm công tác giáo dục.
Người ta vẫn chưa quên nữ học sinh lớp 12 ở huyện Đông Hưng, Thái Bình đã nhảy lầu tự vẫn do bị cô giáo dạy môn Toán xúc phạm. Một học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong Nam Định thắt cổ... không do căn nguyên.
Đáng thương hơn khi chỉ vì dại dột suy nghĩ "bị làm nhục" mà nữ sinh Lương Thị Hoa (thôn Hòa Tô, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đã nhảy xuống sông tự tử.
Chỉ vì làm mất số tiền quỹ lớp hơn 600.000 đồng, em Nguyễn Thị Cẩm Tú, học sinh lớp 9/6, Trường THCS Trung Lập, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM đã tìm đến cái chết.
Vào khoảng 9h30 ngày 20/10, công an xã Mê Linh nhận được tin báo của gia đình em Nguyễn Thị L. (sinh lớp 10, Trường THPT Tiền Phong) cho biết, L. vừa được gia đình đưa đi cấp cứu vì cô bé đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử.
Lý do tự tử vì được giao cầm khoảng 500.000 đồng tiền quỹ lớp nhưng L. đã để mất.
Mới đây, dư luận thêm phen hú vía khi hay tin tại lớp 11B1, Trường THPT Trần Kỳ Phong (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nữ sinh tên Trần Thị Thế Y, đã cứa tay phản đối cách dạy của cô giáo.
Quy định mới về dạy thêm
Chiều 17/5, Bộ GD-ĐT chính thức công bố quy định mới về dạy thêm, học thêm.
Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 17 quy định về dạy thêm học thêm, nhiều địa phương đã chấp hành bằng cách cấm tuyệt đối tất cả hình thức dạy thêm, học thêm. Tại một số tỉnh thành, nhiều lớp dạy thêm đã đóng cửa.
Dù quy định đã đi vào cuộc sống, nhưng những "nền tảng" vốn có của việc dạy thêm học thêm khiến người trong cuộc lo ngại: quy định này có dấu hiệu phá sản.
Càng cải tiến càng rối
Mùa tuyển sinh năm 2012 các trường được kéo dài thời gian xét tuyển đến hết tháng 11. Nhưng, chưa năm nào các trường tuyển sinh chật vật, ế ẩm như năm nay.
Dù Bộ GD-ĐT đã có nhiều điều chỉnh hướng đến tăng nhiều quyền lợi hơn cho thí sinh, nhưng, thực tế diễn ra không như mong đợi. Các trường ĐH ngoài công lập đã nhóm họp đưa thông điệp "nguy cơ sẽ giải thể vì không tuyển được người học".
Sự ế ẩm này theo chuyên gia Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) đó là sự sàng lọc của cơ chế thị trường.
Sự sàng lọc này đòi hỏi phải có nghiên cứu đổi mới thi và tuyển sinh ngay từ bây giờ để kịp thực hiện sau năm 2015.
Lùm xùm liên kết đào tạo
Liên tiếp các vụ liên kết đào tạo một đằng, tuyển sinh một nẻo đã bị phanh phui trong năm khiến dư luận thêm một lần đặt dấu hỏi: Công tác quản lí nhà nước có vấn đề?
Điển hình là vụ giám đốc trường quốc tế ôm tiền tỷ biến mất. Trường kinh doanh Melior thuộc Tập đoàn Melior Education Group tại Singapore, đăng ký tổ chức đào tạo các khóa ngắn hạn, nhưng thực tế, Melior đã liên kết đào tạo nước ngoài các trình độ ĐH và CĐ.
Khảo sát trên địa bàn TP.Hà Nội, có rất nhiều trường tiểu học tại các quận đang triển khai thực hiện chương trình Tiếng Anh liên kết.