2,1 tỷ USD
Chưa đầy hai tuần sau khi nhậm chức, nội các mới của Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành 3 bước đi cụ thể gồm: Tăng ngân sách quốc phòng, trực tiếp cảnh báo Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền biển đảo liên quan tới quần đảo Senkaku và đầu tư gần 150 tỷ USD nâng cấp cơ sở hạ tầng, phòng ngừa thiên tai và tái cấu trúc hệ thống công nghiệp và kỹ thuật nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn trì trệ trong nhiều thập kỷ qua.
Máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản |
Trong các bước đi trên, đáng kể nhất chính là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng thêm 180,5 tỷ yên, tương đương 2,1 tỷ USD.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi sẽ yêu cầu được chi thêm 180,5 tỷ yên (2,1 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng trong gói kích thích kinh tế”. Theo đó, số tiền này có thể sẽ được chi cho chương trình mua sắm các tổ hợp tên lửa đất đối không Patriot PAC-3, máy bay tiêm kích hiện đại F-15.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự định chi 60% trong số 180,5 tỷ yên nhằm đối phó với những thách thức an ninh. Số còn lại sẽ được chi để nâng cấp các trang bị vũ khí hiện nay.
Bên cạnh đó, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ mua thêm 3 chiếc trực thăng tuần tiễu biển loại SH-60K và mua thêm tên lửa Patriot.
Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot PAC-3 của Nhật Bản |
Việc tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản ngoài ý nghĩa quân sự, còn nhằm thúc đẩy kinh tế trong nước bởi 70-80% ngân sách được yêu cầu phải được sử dụng cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Nguồn cơn
Những động thái vừa qua của Nhật Bản là dễ hiểu trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có những động thái gây sức ép. Theo một tờ báo phương Tây, trong 10 năm qua, Trung Quốc không ngừng tăng cường vũ trang với ngân sách quốc phòng tăng gấp đôi.
Bắc Kinh cũng công khai tuyên bố tham vọng trở thành cường quốc biển. Tuyên bố này trực tiếp động chạm tới Tokyo bởi từ trước tới nay, Nhật Bản được coi là cường quốc biển duy nhất trong khu vực.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp đưa lực lượng hải giám, vừa được bổ sung hơn một chục chiến hạm “cải trang”, uy hiếp, xâm phạm và tranh giành chủ quyền với bốn quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông và Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.
Tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc là yếu tố thách thức trực tiếp với Nhật Bản |
Không những vậy, Trung Quốc liên tục có những hành động gây sức ép với Nhật Bản về kinh tế. Ngay sau vụ tàu cá Trung Quốc khiêu khích xung đột với lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản vào năm 2010 thì Trung Quốc giảm sản xuất đất hiếm.
Ngành hải quan Trung Quốc cũng được cho là “đột nhiên” làm việc “chậm lại” khiến nền công nghiệp điện tử của Nhật Bản gặp khó khăn vì thiếu kim loại thiết yếu lấy từ đất hiếm.
Hồi giữa năm ngoái, khi một nhóm người Nhật Bản đổ bộ lên quần đảo Senkaku, tại Trung Quốc đã xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình gọi là “tự phát” tấn công Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh, nhân viên ngoại giao, người Nhật và cơ sở thương mại của Nhật Bản.
Theo thống kê, trong bốn tháng gần đây, hơn 20 lần Trung Quốc cho tàu hải giám xâm nhập khu vực quần đảo Senkaku. Không những thế, bất chấp việc Nhật Bản vừa thành lập nội các, Trung Quốc vẫn cho máy bay “lởn vởn” gần không phận Senkaku.
Vỗ mặt
Nhiều năm qua, Nhật Bản đã thể hiện một thái độ “nhũn nhặn” trước người láng giềng Trung Quốc. Song chính phủ mới của Nhật Bản mới đây đã tỏ ra cứng rắn hơn. Minh chứng là ngày 8/1, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Cheng Yonghu tới để phản đối vụ các tàu cá Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển xung quanh Senkaku. Nhật Bản đã “vỗ mặt” Trung Quốc khi yêu cầu láng giềng chấm dứt hành động này.
Một động thái đáng chú ý mới nhất của Nhật Bản chính là việc Thủ tướng Shinzo Abe lựa chọn Đông Nam Á là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi lên nhậm chức, thay cho kế hoạch tới Mỹ.
Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết trong chuyến công du Đông Nam Á vào tuần tới, ông Abe sẽ lần lượt tới thăm 3 nước là Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe |
Đây được coi là động thái của Chính phủ mới ở Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á trong bối cảnh căng ngoại giao với Trung Quốc gia tăng. Dự kiến, ông Abe sẽ tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN tại thủ đô Jakarta vào ngày 18/1.
Trước đó, ông Abe dự định sẽ tới thăm Mỹ vào ngày 21/1 nhân dịp lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, chuyến thăm này bị hoãn lại cho tới tháng Hai vì phía Mỹ chưa thể sắp xếp được lịch trình.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 8/1 trong một cuộc điện đàm cũng nhất trí tăng cường quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ và hợp tác chặt chẽ trong những vấn đề như tranh chấp quần đảo Senkaku.
Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Onodera tăng cường giám sát vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku sau khi các tàu Trung Quốc tiếp tục xuất hiện trong vùng biển này.
Ngày 18/1 tới, sau chuyến thăm Philippines, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tới Mỹ và có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Trước chuyến thăm, hai nhà ngoại giao này đã điện đàm và nhất trí đẩy mạnh quan hệ đồng minh trong lĩnh vực an ninh.
Theo Datviet