Quy định chó thả rông sẽ bị phạt tiền: Kém khả thi

Thứ bảy, 19/01/2013, 19:08
Thông tư về quản lý chó mèo tiến tới thanh toán bệnh dại được Bộ NN&PTNT ban hành hồi tháng 11- 2012, quy định về quản lý chó mèo đã “chết yểu” ngay từ khi ra đời. Trong đó quy định, nuôi chó mèo phải có sổ theo dõi đã gặp phải sự phản ứng của các địa phương về tính khả thi cũng như chẳng mấy nơi thực thi. 

Hiện tại, Cục Thú y lại đang soạn thảo Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi. Trong đó, hàng loạt quy định trong các lĩnh vực này nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 200.000 đồng đến 70 triệu đồng, tùy các hành vi, lĩnh vực vi phạm.

Đáng lưu ý, dự thảo Nghị định quy định, phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với hành vi thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị; phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng cho hành vi chăn nuôi gia súc, gia cầm, ấp nở trứng gia cầm trong nội thành, nội thị.

Mặc dù đây mới là dự thảo Nghị định, tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, một số quy định trong NĐ còn chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi và khó thực hiện.

cho dai

Chó thả rông gây nhiều phiền toái tại những nơi đông dân cư

Lý giải về các quy định trên,  đại diện Phòng Pháp chế (Cục Thú y), đơn vị soạn thảo dự thảo NĐ này cho rằng, chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư và khu đô thị là mối nguy hiểm của cộng đồng. Nếu chó dữ cắn người sẽ gây thương tích, thậm chí thương tích nặng nếu chó to tấn công.

Nguy hiểm hơn, chó cắn có thể truyền bệnh dại cho người, đe dọa đến tính mạng. Đại diện Cục Thú y đưa dẫn chứng, năm 2012, cả nước đã có 77 người chết vì bệnh dại cùng hàng trăm người bị chó nghi dại cắn.

Cùng trao đổi về những quy định tại dự thảo NĐ đưa ra, nguyên Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh cho biết, việc xử phạt người thả rông chó như quy định trong dự thảo NĐ nêu trên là hợp lý và nên thực hiện. Song bàn về tính khả thi trong thực tế, ông Quang Anh nhìn nhận, việc áp dụng trên thực tế là không dễ.

Một số quy định về xử phạt hành chính tại dự thảo NĐ này giao quyền và  trách nhiệm về địa phương khá nhiều. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương  đều cho rằng, dù NĐ chưa chính thức được ban hành, thông qua, nhưng nếu để thực hiện là rất khó.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức bày tỏ: “Ở khu vực nông thôn, nhà nào cũng nuôi vài con chó để trông giữ nhà, nhưng cũng không phải nuôi cố định, thay thế thường xuyên. Vì vậy, việc quản lý nhà nào nuôi mấy con chó, thay mới khi nào là rất khó khăn”.

Cũng bởi vậy việc xử phạt chó thả rông ở nơi công cộng gần như bất khả thi. “Ngay cả khi phát hiện chó được thả rông không bảo đảm an toàn ở nơi công cộng thì cũng không có bằng chứng gì để chứng minh, con chó này của nhà ông A, nhà bà B mà xử phạt. Chưa kể, ở nông thôn, hầu hết là nuôi chó thả rông, chỉ xích vào buổi tối”, ông Kiên nói.

Đại diện phòng Nông nghiệp huyện Ba Vì bày tỏ, trong khi, Thông tư quy định về nuôi chó mèo phải đăng ký, phải có sổ theo dõi còn gần như chưa được triển khai thì một số quy định tại dự thảo NĐ này là khó thực hiện.

Lại thêm một lần, một văn bản nữa của Cục Thú y đưa ra những quy định thiết thực nhưng lại gần như bất khả thi trong thực tế hiện nay. Những văn bản với các quy định mà người soạn thảo xa rời thực tế, thì sớm muộn cũng sẽ “chết yểu”.

Theo ANTD

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn