"Ngày càng nhiều tiếng nói hiếu chiến từ phía Trung Quốc"

Thứ bảy, 19/01/2013, 18:49
“Trong ứng xử với Trung Quốc, chúng ta không nhân nhượng nhưng phải thật khéo léo để tránh xung đột, gây bất lợi cho quá trình phát triển đất nước”, ông Nguyễn Đình Đầu nói.

Được biết đến là một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực địa lý học - lịch sử Việt Nam với các công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam qua từng thời kỳ, ông Nguyễn Đình Đầu hiện đang nắm trong tay bộ sưu tập bản đồ cổ đầy đủ và chi tiết về chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.

Trước hàng loạt động thái vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông cũng như ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Đình Đầu về vấn đề này.

Biển Đông thêm dậy sóng trước việc chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thông qua kế hoạch khống chế tàu thuyền nước ngoài trên biển Đông từ đầu năm 2013, nhiều thông tin liên quan tới việc nước này tập trận tại Biển Đông, cử tàu hải giám, tàu quân sự lớn tới Biển Đông. Ông đánh giá gì về các động thái này từ "người hàng xóm khổng lồ" của chúng ta?

Hoang Sa

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chỉ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên bản đồ thế giới là thuộc về VN do Tây Phương vẽ năm 1606.(Ảnh: Minh Thi)

- Điều đó cho thấy Trung Quốc có ý muốn độc chiếm Biển Đông mà không đếm xỉa đến lịch sử của các nước bị vi phạm chủ quyền và cũng không đếm xỉa đến luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đó là một sự vi phạm chủ quyền một cách trắng trợn.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc ASEAN không thông qua được thông cáo chung chỉ ra rằng Trung Quốc đã tìm được cách phá vỡ tính bền chặt và gây ảnh hưởng với một quốc gia cụ thể. Trong khi ASEAN lâu nay vẫn đóng vai trò là tấm lá chắn cho sự tự chủ khu vực của Đông Nam Á, cố gắng đóng vai trò lớp bảo vệ để chống lại sự thâm nhập của những đại cường...

Tôi đã nói với những người có trách nhiệm của nước ta về vấn đề tuyên truyền. Chúng ta không chỉ cho nhân dân ta mà phải tuyên truyền cho cả nhân dân thế giới biết, đặc biệt những nước có quyền lợi liên quan tại Biển Đông. Tôi cũng đặt câu hỏi: phải chăng họ đang dùng kinh tế để mua những tiếng nói có lợi cho họ? Nhưng tôi cũng biết hầu hết các nước đều không tán thành những hành động như thế.

Chúng ta đã có rất nhiều bài báo hay, tư liệu hay về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng tôi nghĩ rằng, những tài liệu này phải được dịch ra nhiều thứ tiếng thì mới có thể tuyên truyền rộng ra trên thế giới.

Theo ông những tiếng nói hiếu chiến vừa qua từ phía Trung Quốc có phải là đại diện cho Trung Quốc hay không?

- Không phải là đại diện cho Trung Quốc nhưng tôi thấy ngày càng nhiều những ý kiến kiểu như vậy từ một số tướng lĩnh của họ. Cách đây mươi năm, họ tách đảo Hải Nam ra thành một tỉnh. Họ coi Biển Đông như “ao nhà” của tỉnh Hải Nam. Về quân đội, họ tăng cường lực lượng hải quân cho tỉnh này với mục đích tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông. Các nước trên thế giới đều biết.

Thái độ của một số tướng lĩnh Trung Quốc thời gian gần đây tỏ ra rất hiếu chiến và thể hiện mới đây nhất là trong tranh chấp đảo Senkaku (Điếu Ngư), tướng Bành Quang Khiêm của Trung Quốc đã tuyên bố chỉ cần Nhật bắn một phát đạn, Bắc Kinh sẽ coi đó là lời khai chiến và lập tức phản công. Cùng với đó là việc họ cho biết quân đội của họ đã sẵn sàng cho chiến tranh. Sự hiếu chiến của họ là như vậy đó.

Truong Sa

Các chiến sỹ trên đảo Trường Sa Lớn

Trước đây, nhiều học giả đã dùng hình ảnh "con hổ đang say giấc" để nói về Trung Quốc nhưng với những biểu hiện gần đây cho thấy dường như con hổ này đã tỉnh giấc...

- Với những gì đã thể hiện trong mấy năm qua, một số học giả cho rằng Trung Quốc có ý “báo thù” phương Tây bởi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, họ đã phải chịu nhiều "thiệt thòi" từ các nước phương Tây.

Trong ứng xử với Trung Quốc, chúng ta không nhân nhượng nhưng phải thật khéo léo để tránh xung đột, gây bất lợi cho quá trình phát triển đất nước. Thêm nữa, có nhiều người ở các nước khác nhau trên thế giới ủng hộ chúng ta dù chế độ chính trị khác nhau như Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Philippines… Chúng ta phải biết lợi dụng vào sự ủng hộ của các nước này.

Chúng ta phải liên kết với các nước ASEAN bởi những nước này có ít nhiều lợi ích liên quan trực tiếp tại Biển Đông. Chúng ta phải lợi dụng những tiếng nói phản ứng từ những nước trong khu vực trước những hành động trên của Trung Quốc.

Không chỉ vậy mà các nước khác trên thế giới cũng rất ủng hộ chúng ta. Chân lý thuộc về chúng ta nhưng nói thì không thể hiện đầy đủ điều đó. Mà chúng ta phải trưng ra những chứng cứ chứng minh chủ quyền của chúng ta tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa như các bản đồ, những tư liệu lịch sử cho nhân dân thế giới và nhất là nhân dân Trung Quốc biết.

Hiện, trong tay tôi có rất nhiều bản đồ cổ cho thấy không có một bản đồ nào chỉ ra rằng hai quần đảo thuộc chủ quyền của chúng ta là Hoàng Sa và Trường Sa lại thuộc về Trung Quốc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo GDVN

Các tin cũ hơn