Sinh viên làm thêm mùa tết

Thứ ba, 22/01/2013, 14:36
Thời điểm cuối năm, thay vì náo nức trở về quê đón tết cùng gia đình, nhiều sinh viên từ các tỉnh về học tại TP.HCM vẫn ở lại, do không có tiền về thăm quê và cũng nhân dịp nghỉ tết tranh thủ làm thêm kiếm tiền.
Sinh viên làm thêm mùa tết

Du khách tạo dáng chụp hình bên nhân tượng (phải).

Bươn chải kiếm sống

Là sinh viên Đại học Mỹ thuật TP.HCM ngành mỹ thuật công nghiệp, hai bạn Hứa Mỹ Linh và Trần Hồng Đức Duyên đang làm thêm mùa tết bằng ý tưởng sáng tạo, sử dụng năng khiếu được học, đó là mặc trang phục, sơn phết lên mình, đứng giả như bức tượng ngộ nghĩnh cho du khách chụp hình.Mỗi lần chụp ảnh với khách, các bạn kiếm được 10.000 đồng.

Chỉ cần số vốn ít ỏi bỏ ra để mua áo dài, nón lá, bột sơn, đôi bạn dùng bột sơn vẽ lên thân giống bức tượng. Hàng ngày, hai bạn thay phiên nhau đứng làm nhân tượng tại những tuyến đường có nhiều du khách nước ngoài lui tới. Công việc không đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì cứ phải đứng im giống như tượng để thu hút sự chú ý của du khách.

Mỹ Linh chia sẻ: “Làm nhân tượng khá mệt vì phải đứng một chỗ liên tục hàng giờ liền. Tại các nước phương Tây, nhân tượng thường mặc veston hay trang phục giống tượng thần Hy Lạp. Tụi mình nghĩ khi đến Việt Nam du khách sẽ thích thú khi được chụp ảnh chung với nhân tượng trang phục áo dài truyền thống, đội nón lá; và thực tế chứng minh đó là ý tưởng phù hợp.

Làm nhân tượng không chỉ có thêm thu nhập mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa Việt Nam, góp phần quảng bá du lịch. Tụi mình đang kêu gọi thêm nhiều người cộng tác để có nhiều người mẫu nhân tượng phong phú và sinh động”.

Nguyễn Thị Mỹ Anh, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM, dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh nên đi xin việc làm thêm thường bị các nhà tuyển dụng từ chối do sợ không đủ sức đảm đương những việc nặng nhọc, vất vả.

Trong một lần đi chơi, Mỹ Anh cùng bạn bè vào phòng trà. Vì có giọng hát khá hay nên cô quyết định thử sức và được chủ phòng trà cho đến hát vào lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập. Mùa tết này, Mỹ Anh kiếm được cũng khá, cô cho biết sẽ tranh thủ vài ngày về thăm quê.

Với sản phẩm là những chiếc lá, con thú, bông hoa… làm từ lá dừa, Nguyễn Hoàng Sơn, sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM, ngồi trước công viên Chi Lăng (đường Đồng Khởi) mỗi tối, vừa làm vừa bán hàng.

Đôi bàn tay thoăn thoắt tạo ra những sản phẩm thủ công dễ thương đã chinh phục được sự thích thú của du khách.Công việc này giúp Hoàng Sơn kiếm thêm ít tiền tiêu tết. Cũng làm những sản phẩm hình con vật, nhân vật trong phim, bông hoa… nhưng sinh viên Lê Minh Tính dùng vật liệu bong bóng.

Với trang phục chú hề, Linh mang lỉnh kỉnh ống bơm, túi bong bóng, dây thun đi khắp khu trung tâm thành phố để vừa “chế tác” vừa bán.

Linh cho biết: “Những khi đi dạo công viên, tôi thấy sản phẩm tạo hình từ bong bóng nghệ thuật được nhiều trẻ em ưa thích nên quyết định đi học nghề này. Người dạy chỉ hướng dẫn các bước căn bản, còn muốn làm được sản phẩm đẹp phải có năng khiếu và ý tưởng sáng tạo”.

Một số sinh viên khác cũng nghĩ ra cách kiếm tiền bằng cách sử dụng năng khiếu, như tự làm thiệp chúc tết thủ công, nhận vẽ tranh tường, bán hàng qua mạng...

Vất vả lao động giản đơn

Trong khi đó, các sinh viên không có năng khiếu mỹ thuật hay âm nhạc cũng sẵn sàng chịu vất vả với những công việc lao động giản đơn.

Không có tay nghề, chưa có bằng cấp và chỉ lao động thời vụ nên sinh viên thường chỉ có thể xin làm thêm những công việc lao động giản đơn như phụ việc ở quán ăn, tiếp thị, phụ bán hàng tết, làm nhân viên cho các công ty dịch vụ dọn dẹp nhà… nhưng nhu cầu tuyển dụng ít mà tiền lương lại thấp. Một số sinh viên năng động hơn tự tổ chức thành nhóm để chung sức kiếm sống.

Có những sinh viên kiếm sống bằng việc đặt mua những đặc sản ở quê nhà chuyển lên TP.HCM để bán trong dịp tết.Quê ở miền biển tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Thanh Vũ, sinh viên Đại học Công nghiệp TP.HCM và nhóm bạn cùng quê đang tất bật buôn bán những món ăn đặc sản biển như mực, bạch tuộc nướng…

Cả nhóm tận dụng mặt tiền nhỏ từ một căn nhà của người quen trên đường Hai Bà Trưng để bán. Nhờ lấy hàng tận gốc, bán tận ngọn, hải sản tươi và rẻ nên nhóm bạn bán rất đắt hàng.

Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống sinh viên (thuộc Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM), cho biết: “Do năm nay kinh tế khó khăn, tiền vé xe về quê tăng cao, nhiều sinh viên sẽ ở lại làm thêm so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, việc làm thêm chủ yếu là phục vụ, bán hàng và bảo vệ.

Các sinh viên cần phải xác định sớm thời gian, tuân thủ quy tắc làm việc và không lựa chọn nhiều ngành nghề.Nhiều bạn đang làm giữa chừng lại đổi ý, bỏ về quê ăn tết hoặc chuyển sang làm việc khác, trong khi hợp đồng quy định phải làm đủ thời gian mới trả công”.

Theo SGGP

Các tin cũ hơn