TP.HCM: Giảm ngập bằng cách “điều khiển” nước mưa

Thứ ba, 22/01/2013, 14:49
Nước mưa từ mái nhà sẽ được thu vào bể chứa và cho thẩm thấu dần vào lòng đất qua giếng khoan, bổ sung cho nguồn nước ngầm và giảm bớt tình trạng nước chảy tràn khi mưa lớn.

Đây là phương pháp được PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ, trưởng khoa kỹ thuật địa chất và dầu khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM giới thiệu vào chiều ngày 20/1, tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

PGS.TS Kỳ cho biết: Việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến tình trạng lún nền tại nhiều vùng của TP.HCM. Phương pháp thu gom nước mưa này, ngoài để bổ sung cho nước ngầm còn giảm bớt tình trạng nước chảy tràn trong những cơn mưa lớn gây ngập lụt tại thành phố.

Giảm ngập bằng cách “điều khiển” nước mưa
Ống thông hơi của giếng thấm.

Kết quả triển khai tại tòa nhà B8, với diện tích mái nhà 400m2, trong gần hai năm ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã giảm ngập cục bộ ở khu vực này mỗi khi có mưa, đặc biệt là mưa lớn. Cụ thể nước mưa từ hệ thống sẽ thu về bể chứa để thẩm thấu dần qua giếng thấm. Tuy nhiên nước từ bể chứa này cũng có thể dùng cho việc tưới cây, dội nhà vệ sinh, làm mát môi trường xung quanh.

Giảm ngập bằng cách “điều khiển” nước mưa
Trạm quan trắc nước mưa để tính lượng nước thấm.

GS.TS Lâm Minh Triết, Đại học Quốc gia TP.HCM nhận xét đây là công trình thiết thực và khả năng ứng dụng cao trong điều kiện thực tế của thành phố hiện nay. Chính quyền thành phố nên ban hành các quy định để áp dụng trong việc thu gom nước mưa trong các tòa nhà lớn, chung cư. Với nhà dân cư PGS.TS Kỳ cho biết khoảng 3 triệu đồng đã đủ để xây dựng hệ thống này.

Theo Khampha

Các tin cũ hơn