Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền một phần lãnh thổ trong vùng biển được cho là giàu tài nguyên dầu mỏ, khoáng sản và hải sản này.
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như tất cả các vùng lãnh hải trong Biển Đông và những năm gần đây đã liên tiếp có những động thái khiêu khích, gây hấn thể hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, không chỉ khiến các nước láng giềng bất bình mà còn gây quan ngại trong cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc đã "nuốt lời", không rút tàu khỏi Scarborough và thậm chí còn chăng dây quanh bãi cạn này |
Tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc đã bùng lên vào tháng 4/2012, khi tàu của hai bên đụng độ nhau tại khu vực tranh chấp.
Theo ông Albert Del Rosario, để giảm bớt căng thẳng, vào ngày 4/6/2012, hai nước đã đồng ý cùng triệt thoái lực lượng ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, trong khi Manila tôn trọng cam kết giữa 2 quốc gia và rút tàu của mình khỏi bãi cạn Scarborough ngay hôm 4/6/2012, thì Bắc Kinh lại "nuốt lời" hứa và vẫn để 3 tàu lưu lại khu vực này.
Philippines đã nhiều lần phản đối gay gắt và tranh thủ mọi diễn đàn khu vực hay quốc tế để kêu gọi mọi người quan tâm đến một giải pháp hòa bình cho tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc luôn né tránh quốc tế hóa vấn đề này và nằng nặc đòi giải quyết tranh chấp với các bên thông qua đàm phán song phương. Hành xử của Bắc Kinh đã từng bị Manila cáo buộc là "tráo trở và hăm dọa” các nước khác trong tranh chấp Biển Đông.
Nhưng cho tới thời điểm này, theo Ngoại trưởng Del Rosario, Philippines đã cạn kiệt hầu như mọi con đường chính trị, ngoại giao, đàm phán để giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc. Do đó, Manila hi vọng rằng các thủ tục tố tụng pháp lý sẽ mang lại kết quả khả quan hơn.
Theo Petrotimes