Khoảng 40% trẻ mẹ ngay sau khi sinh, nhưng tỉ lệ trẻ được tiếp tục bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi chỉ đạt chưa đến 20%. Đó là chưa nói đến việc, ngay cả khi cho con bú, chỉ có 30% bà mẹ cho con bú đúng cách.
GS Nguyễn Công Khanh – Chủ tịch Hội nhi khoa VN lấy ví dụ: Nhiều bà mẹ cho con bú dở dang 1 bên bầu sữa, rồi lại chuyển sang bên kia. Trong khi đó, họ lại nên cho con bú trọn vẹn hết 1 bầu sữa, rồi mới chuyển. Bởi sữa đầu và cuối có chất lượng khác nhau, sữa cuối rất giàu chất béo, nhiều dinh dưỡng, rất tốt cho trẻ.
Hay là đến giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm, cách nuôi con của các bà mẹ cũng có nhiều điểm chưa đúng, trong khi đó, dinh dưỡng những tháng đầu tiên ăn dặm cũng rất quan trọng. Và dường như, các thông điệp hướng dẫn cho trẻ ăn bổ sung như thế còn rất thiếu.
Do đó, tỉ lệ thiếu canxi ở trẻ dưới 5 tuổi, theo khảo sát là 17%, vitamin là 15% và sắt – thành tố rất quan trọng cho sự trưởng thành ở trẻ cũng còn tới 10%. Điển hình là chỉ có khoảng một nửa bà mẹ khi dùng thuốc bổ hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Cách nuôi con chủ yếu theo kinh nghiệm của người thân, bạn bè mà không phải những ý kiến này lúc nào cũng đúng và có cơ sở khoa học.
GS Nguyễn Thu Nhạn – Nguyên Chủ tịch Hội nhi khoa nói rõ: Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo “tô màu” bát bột cho trẻ, hay in các tranh dán tường mà trên đó mũi là củ cà rốt, mắt là quả cà chua với hàm ý đa dạng thức ăn dinh dưỡng. Tuy nhiên, ngôn ngữ và hình ảnh ẩn dụ này có vẻ khó hiểu với những bà mẹ ở nông thôn, vùng xa vùng sâu. Thế nên họ cũng không hiểu mà làm theo được. Rõ ràng là truyền thông về vấn đề này còn làm chưa tốt.
GS Nhạn tư vấn: Độ tuổi cho trẻ ăn bổ sung phù hợp nhất là 7 – 8 tháng tuổi. Bởi lúc đó, cửa sổ tiếp nhận dinh dưỡng bổ sung từ ngoài trong não của bé mới bắt đầu mở và hoạt động, tiếp thu các thức ăn ngoài sữa. Nếu trẻ 3 – 4 tháng đã cho ăn bổ sung thì hệ tiêu hóa của trẻ chưa có các men để hấp thu được nên rất dễ tiêu chảy.
Còn nếu cho ăn muộn hơn, khi trẻ ở 10 tháng, trẻ cũng dễ chán ăn, dẫn đến suy dinh dưỡng. Đã qua giai đoạn trẻ cần được bổ sung đạm, đường, mỡ vitamin, khoáng chất mới những mùi vị đa dạng mà lại không được đáp ứng. Và cửa sổ mùi vị này sẽ đóng . Đó là lý do một số trẻ không thích một số thức ăn như ăn các chất đạm, ăn hành, hoặc có chứng biếng ăn, chán ăn sau này.
Khi cho ăn, ban đầu chỉ nên cho trẻ ăn bột, sau đó bổ sung lòng đỏ trứng giàu axit amin, rau, dầu. Dần dần cho thịt, đến tháng thứ 8 mới nên cho ăn cá, cua, ốc, hải sản.
GS Nhạn cũng lưu ý: Trong 6 tháng đầu trẻ chỉ bú mẹ, không cần cho uống nước. Vì khi cho uống nước, nhiều đứa bé thích nước hơn sữa nên sẽ không bú sữa nữa. Vì thế, trong giai đoạn 6 tháng đầu, khi trẻ khát nước, đòi bú, bà mẹ hãy cho trẻ bú bất cứ lúc nào, chứ không phải theo giờ, hay theo cữ thời gian định trước nào đó. Chỉ khi mẹ không đủ sữa, phải cho trẻ ăn sữa công thức thì mới cần cho trẻ uống nước vì trong sữa không đủ nước.
Hiện nay, một số hãng quảng cáo sữa công thức, sữa non có thể tăng kháng thể cho trẻ, điều đó là không đúng. Bởi đó đều là sữa bò, kháng thể của bò không phải là kháng thể của con người, mà chỉ là tăng thêm các vitamin, sắt mà thôi.
Theo Laodong