Tại vỉa hè của ngôi nhà số 188 Trần Phú – Ngô Quyền – Hải Phòng, dễ dàng bắt gặp cảnh tượng một nhóm người gồm cả trai gái nghiện hút, kéo theo cả bầy con nhỏ dạt về.
Vỉa hè ngôi nhà 188 Trần Phú - Ngô Quyền - Hải Phòng thường xuyên có 1 nhóm các đối tượng bất hảo án ngữ. |
Rác thải, vật dụng được treo, giắt đầy trên khe cửa xếp của ngôi nhà, trên cây cột điện chôn gần đó. Thi thoảng lại thấy bóng dáng người chạy vội sang phía bên kia đường để tranh thủ “giải quyết” ngay tại dải cây xanh, vườn hoa Thành phố Cảng. Họ ăn, ở, sinh sống ngay tại vỉa hè này đã nhiều tháng qua.
Khi trời hửng sáng, 8 đứa bé độ tuổi từ 1 – 10 là: Bắc, Hoàng, Hùng, Yến Vi, Giang, Lan Anh, Thanh, Linh vội vã tỏa đi khắp các đường phố ăn xin, với mong ước làm sao “kiếm đủ chỉ tiêu” buổi sáng về nộp cho bố mẹ, để không phải nhịn đói bữa trưa.
Bởi lẽ, cứ khoảng 11 – 12h là chúng phải quay trở lại “đại bản doanh” để đưa cho bố mẹ 100 nghìn, sau đó mới được vứt cho một hộp cơm bụi chỉ toàn cơm với đậu phụ hoặc cái bánh mỳ khô, tô mì tôm “không người lái” để ăn vội trước khi bắt đầu “công việc” buổi chiều.
Đến khoảng 18 – 19h chiều tối, 8 đứa bé lại vội vã quay trở lại để tiếp tục nộp công sức của cả buổi cho bố mẹ. Đứa nào kiếm đủ 200 nghìn/1 ngày thì vẫn là hộp cơm bụi khô không khốc. Đứa nào kiếm hơn 200 nghìn/1 ngày thì cũng vẫn chỉ là cơm hoặc bánh mỳ hoặc mỳ tôm. Còn đứa nào không kiếm đủ, tất nhiên là sẽ chẳng có cái gì, thậm chí còn bị bố mẹ đánh đập dã man mà chỉ biết van xin hoặc nghiến răng chịu đựng.
Bé trai khoảng vài tháng tuổi cũng bị mẹ đẻ lấy làm "cần câu cơm". |
Ngay cả đứa bé nhất, mới có 1 tuổi cũng được một người phụ nữ trẻ, xưng là mẹ, bế trên tay để hành nghề ăn xin tại cây xăng giữa trung tâm thành phố Cảng. Bé ăn mặc phong phanh, chỉ vỏn vẹn 1 chiếc áo trên người trong tiết trời mùa đông cắt da, cắt thịt, khiến những người qua đường không khỏi cảm thương mà sẵn sàng móc ví lấy ra vài đồng đưa cho người mẹ đang được bao bịt khăn nón kín mít.
Chẳng ai biết đó có phải là bố mẹ ruột của chúng không, chỉ biết rằng gần chục đứa trẻ lúc nào cũng cất tiếng gọi bố, mẹ đầy nể sợ.
Khi màn đêm buông xuống, nhiệt độ ngoài trời chỉ còn 7 – 8 độ C, cả lũ co quắp ôm nhau ngủ, không một tấm chăn, không manh áo ấm. Còn bố mẹ chúng, hoặc chạy đi nơi khác tránh rét, hoặc áo ấm ních chật người.
Những ngày nắng ấm thì còn đỡ, gặp phải ngày mưa phùn, gió rét, những đứa trẻ rách rưới, rét mướt, đói khát lê từng bước đi xin ăn. Còn bố mẹ chúng, vẫn tập trung ở vỉa hè đó nhưng người nào người nấy đều tươm tất, ấm áp và no đủ.
Thậm chí, sau khi “lột” tiền xin được của các con, mấy “ông bố” còn cao hứng rủ nhau ra quán bia nốc ừng ực. Có gã lại ra quán gà tần, một mình xơi tái cả bát gà thơm phức, béo ngậy, chẳng màng đến sự thèm thuồng, đói khát của những đứa trẻ đang phải ăn hộp cơm nguội ngắt không có lấy một miếng thịt nào.
Sống trên thân xác, bằng số tiền “ăn xin” của chính những đứa con mình, nhưng rồi số tiền ấy cũng chẳng “ấm tay mấy chốc”. Cứ khoảng chiều tối, đến giờ “thu tô”, thường xuất hiện ở “đại bản doanh cái bang” vài gã đàn ông ăn mặc có phần tươm tất, sành điệu và gương mặt bặm trợn, dữ dằn.
Tiếp đó là một ả phụ nữ đi xe ga tới tụ điểm. Một vài ông bố, bà mẹ của những “cái bang nhí” nhanh tay đưa tiền cho ả phụ nữ. Chẳng biết đó là tiền gì, nhưng người thì cho rằng là tiền lãi của những khoản vay, người thì thì lại khẳng định, họ phải đóng “thuế tháng” cho bảo kê, số tiền 1triệu đồng/tháng/người.
Theo Infonet