"Nếu dùng một từ để nói với thế giới về Việt Nam, bạn sẽ nói gì?". Với Lê Anh Tú, sinh viên năm thứ hai ĐH FPT, cậu chọn Peace bởi bình yên có ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, kể cả ở một thành phố đông đúc, ồn ào và hiện đại như Hà Nội.
Tác giả Lê Anh Tú mang sự yên bình của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung giới thiệu với thế giới. Ảnh chụp từ video. |
Sự yên bình không chỉ có ở những di tích lịch sử như hồ Hoàn Kiếm, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, hoàng thành Thăng Long mà còn hiện diện trong tiếng chuông chùa Trấn Vũ, trong cả nụ cười, sự thân thiện, thanh lịch của những con người sống ở Hà Nội, không cần biết họ là ai, làm gì và từ đâu tới.
"Hà Nội đang ngày càng phát triển sôi động nhưng những giá trị truyền thống vẫn còn đó. 10 năm hay 100 năm sau, dù Hà Nội có thay đổi thế nào chăng nữa, bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể tìm thấy một nơi yên bình trong tâm hồn họ", trích lời bình trong video của Anh Tú.
Để hoàn thiện Peace dài 100 giây, Tú phải cân đối thời gian học trên lớp, đi thi và quay video. Nam sinh này cho hay, thời điểm tham gia cuộc thi đúng lúc cậu đang thi học kỳ nên khá bận.
Cậu chia sẻ: "Em biết tới cuộc thi khi chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc. Gấp rút nên em phải tranh thủ thời gian làm đêm và xong trong vòng khoảng 5 ngày. Đây là lần đầu tiên em tham gia một cuộc thi về video như vậy".
Theo Tú, có nhiều chủ đề để làm video nhưng bản thân cậu thấy bình yên có ở xung quanh mình và thường ngày vẫn thấy, cảm nhận được. Bởi vậy, cậu quyết định chọn Peace để giới thiệu với thế giới về Việt Nam. Với Tú, âm thanh của sự bình yên đôi khi chỉ là nghe tiếng chuông chùa, nụ cười thân thiện hay tiếng phố phường cũng khiến lòng người thanh thản.
Tú cho biết thêm, cậu sử dụng hai chiếc máy ảnh để hoàn thiện video Peace. Quay xong, Tú nhờ bạn bè hoàn thiện giúp phần phụ đề bằng tiếng Anh. Video của Tú nhận được hơn 190 phiếu bình chọn và nhiều bình luận khen "góc máy đẹp", "nhân vật chính xinh" và "nội dung hay".
"Video rất sáng tạo, giọng đọc chuẩn, nhạc chuẩn. Chúc mừng", nickname Le Minh Tuan viết. Không ít ý kiến cho hay, sau khi xem xong video, thấy thêm yêu Hà Nội.
Tác giả của "Hanoi Café in Vietnam" tiếc vì không có nhiều thời gian để làm nổi bật đặc trưng của từng quán. Ảnh chụp từ video. |
Cùng chủ đề về Hà Nội nhưng Bùi Quang Hưng, sinh viên FPT Arena lại chọn cà phê để giới thiệu với thế giới. Đến Hà Nội, bạn sẽ được thưởng thức hương vị cà phê độc đáo, hấp dẫn. Bạn là người sôi nổi thích sự ồn ào hay bạn là người trầm lặng thích nhâm nhi tách cà phê trong không gian cổ kính của phố cổ đều có thể tìm được quán ưng ý ở Hà Nội.
Từng tham gia vài cuộc thi về video, lại thích chụp ảnh và làm phim, Hưng chỉ mất một ngày để hoàn thành những cảnh quay cho "Hanoi Café in Vietnam".
Lúc thực hiện tác phẩm, Hưng và các bạn cũng gặp vài khó khăn nhỏ khi chủ quán không đồng ý hoặc quán quá đông khiến nhóm không thể có khung hình đẹp. Hưng cho hay, so với kịch bản ban đầu, lúc đi quay, cậu phải "tùy cơ ứng biến" và thay đổi nhiều. Qua 4 quán, Hưng mới có sản phẩm ưng ý.
Tuy nhiên, vì thời lượng video ngắn nên Hưng vẫn tiếc vì chưa thể hiện được hết "ý đồ" của mình. Nam sinh tâm sự, nếu có thêm thời gian, cậu sẽ làm nổi bật những đặc trưng của từng quán để gây ấn tượng với người xem. Xem xong Hanoi Café in Vietnam (đoạt giải ba), nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ: "Bạn quay phim với hình ảnh rất đẹp và thu hút đó. Nếu nội dung được đầu tư hơn thì clip này quá hoàn hảo".
Cựu sinh viên Nguyễn Thành Đạt lại tự hào giới thiệu phong cách cà phê bệt ở Sài Gòn.Ảnh chụp từ video. |
Cũng chọn cà phê nhưng Bet Cafe Style của Nguyễn Thành Đạt, cựu sinh viên ĐH Tân Tạo TP HCM nhận được nhiều phiếu bình chọn nhất, 206 phiếu, hơn 1.400 lượt thích và giành giải nhì. Qua video, Đạt muốn giới thiệu về một nét văn hóa độc đáo của người Sài Gòn - cà phê bệt.
Giải thích cho phong cách bệt này, Thành cho hay, đó là cách khách ngồi bệt thưởng thức cà phê, khác với ngồi trong quán có bàn, ghế. Cà phê bệt nằm giữa trung tâm Sài Gòn vừa là nơi gặp gỡ, tụ họp của người lớn, vừa là chốn vui đùa của trẻ nhỏ.
Ở đó, người già và cả khách nước ngoài cũng không ngần ngại ngồi bệt xuống đất để thưởng thức ly cà phê. Cà phê bệt được xem như một xã hội thu nhỏ mà ở đó bạn có thể vừa được tham gia, vừa đóng vai là người quan sát, lắng nghe.
Vietnam: My voice, my video là cuộc thi do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phát động ngày 4 - 23/1 dành cho thanh niên tuổi 15 - 30. Với đề bài: "Nếu bạn có 100 giây để nói với thế giới về một và chỉ một điều về Việt Nam, bạn sẽ nói gì?", có 80 video đến từ 16 tỉnh thành. Trong số 12 video lọt vào vòng trong có 3 sản phẩm xuất sắc là Peace (giải nhất), Bet Cafe Style (giải nhì) và Hanoi cafe (giải ba). |
Theo VNE