Bộ Y tế đang trình Thủ tướng Đề án can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) nhằm giải quyết tình trạng này. NTNN phỏng vấn ông Dương Quốc Trọng- Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế).
Ông có thể cho biết về tình trạng mất cân bằng giới tính của Việt Nam hiện nay?
- Tỷ số mất cân bằng GTKS hiện nay là 112,3 trẻ nam/100 trẻ nữ. Cho dù tốc độ này so với 5 năm trước đã giảm (giai đoạn 2005-2008 tăng 1,15%/năm, từ 2009-2012 tăng 0,6/năm). Tuy nhiên với tư tâm lý thích con trai hơn con gái còn “đậm đặc” như hiện nay, tỷ số này vẫn sẽ gia tăng mạnh nếu chúng ta không gấp rút thực hiện nhiều biện pháp đối phó.
Chiến lược Dân số sức khỏe sinh sản Việt Nam đặt ra mục tiêu: Khống chế tốc độ gia tăng tỷ số GTKS để đến năm 2015, tỷ số này ở dưới mức 113 và năm 2020 là dưới mức 115. Nếu tỷ số này được “bảo toàn”, dự tính đến năm 2030, chúng ta vẫn thiếu khoảng 4-5 triệu cô dâu.
Ông Dương Quốc Trọng |
Được biết, đề án can thiệp mất cân bằng GTKS giai đoạn 2013-2015 đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, triệt để. Trong đó, có cả nội dung hỗ trợ gia đình sinh con gái một bề - được xem là khá mới mẻ?
- Đúng. Những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có từ 1-2 con, sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt, đứa trẻ gái của gia đình sinh con một bề khi lớn sẽ được ưu tiên về chế độ bảo hiểm y tế, học phí, khi lớn hơn có thể được tạo điều kiện trong học tập, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn làm kinh tế. Ngoài ra, những người cao tuổi sinh con gái một bề cũng sẽ được hưởng chế độ an sinh xã hội ưu tiên hơn...
Xuất phát từ nguyên nhân nào mà Tổng cục lại đề xuất những biện pháp mạnh tác động vào các gia đình sinh con gái một bề?
- Gốc rễ của vấn đề mất cân bằng GTKS là tâm lý ưa thích con trai đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân. Họ thích con trai vì nhiều lý do: Như để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Họ cho rằng con gái đi lấy chồng là con người ta, nếu không sinh con trai thì sẽ “tuyệt tự”...
Vì thế, chúng ta cần có các giải pháp “đánh mạnh” vào kinh tế đối với các gia đình sinh con gái một bề, đặc biệt là các gia đình nghèo, khó khăn để họ được động viên, được thấy rằng chính sách của Nhà nước rất khuyến khích gia đình sinh con gái, đồng thời xóa bỏ định kiến của xã hội về việc sinh con một bề là gái.
Chúng tôi cũng có nhiều biện pháp nhằm thay đổi hương ước của các dòng họ để con gái cũng có quyền thờ cúng tổ tiên, được đưa tên vào gia phả, con gái có quyền lợi và nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ già… Tuy giải pháp này có tác dụng ngay lập tức nhưng cũng chỉ là giải pháp có tính chất tình thế.
Chúng ta đã mất 50 năm mới thay đổi được tư tưởng con đàn cháu đống và mỗi gia đình chỉ sinh 1 - 2 con, thì cũng có thể mất bằng đấy thời gian để thay đổi tâm lý ưa thích con trai.
Tâm lý ưa thích con trai vẫn rất nặng nề 82,7% ý kiến được hỏi cho rằng con trai rất quan trọng để nối dõi tông đường, gần 59% để chăm sóc cha mẹ khi về già, ốm đau, thậm chí 49% để chứng tỏ mình là đàn ông đích thực; có tới 11,1% cho rằng chỉ sinh con gái sẽ là người bất hạnh, gần 13% cho biết có con gái là gánh nặng kinh tế... (theo Viện Nghiên cứu phát triển xã hội).
|
Ông nhận xét thế nào về việc tỷ lệ mất cân bằng GTKS trong giới trí thức, công chức có xu hướng cao hơn?
- Nghiên cứu đã chỉ rõ, vùng nào giàu hơn, gia đình nào kinh tế khá giả hơn, trình độ văn hóa cao hơn thì ở đó có tỷ lệ mất cân bằng GTKS cao hơn.
Cụ thể: Ở nhóm dân số nghèo nhất, tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái là 105/100; nhóm dân số giàu nhất, tỷ lệ này là 112/100. Đó là vì ở các vùng nghèo, dân trí lạc hậu thì họ chỉ sinh đẻ tự nhiên. Còn vùng giàu, gia đình giàu, có trình độ thì họ sử dụng các biện pháp y tế tiên tiến như siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi để đẻ bằng được con trai.
Điều đó chứng minh rằng tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ngấm quá sâu chứ không phụ thuộc vào nhận thức. Muốn phá bỏ vào định kiến quá nặng nề này cần một thời gian rất lâu dài. Vì thế mới cần nhiều các giải pháp tình thế có tác động ngay lập tức.
Tại sao đề án không tăng cường các hình thức nghiêm cấm, xử phạt rồi cách chức, kỷ luật đối với những công chức, quan chức?
- Bài học của Trung Quốc cho thấy: Cho dù phạt tiền, cách chức, kỷ luật thì người dân vẫn có cách để lách luật, thậm chí chịu phạt để sinh con trai. Chúng ta đang tham khảo các biện pháp can thiệp giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của Hàn Quốc.
Họ đã thành công trong việc việc đưa chỉ số GTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên với các biện pháp như: Các chế tài nghiêm khắc hơn trong luật y tế, đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức xã hội từ “trọng nam” sang “trọng nữ”, có chính sách hỗ trợ các gia đình sinh con một bề là gái…
Hy vọng với các biện pháp quyết liệt, có lý, có tình, có cả kinh tế thì thời gian tới, tỷ lệ GTKS của Việt Nam dần ổn định.
Theo Danviet