Nghề lân sư rồng: sau rằm mới... ăn tết

Thứ tư, 20/02/2013, 17:18
Đã theo nghề múa lân coi như không có tết. Sáng mùng 1 tết các đoàn ra đường và đi múa luôn cho tới rằm tháng Giêng. Cho nên anh em trong đoàn lân đành thất lễ, không đi chúc tết ông bà cha mẹ...

Cả năm chỉ trông vào mùa tết

Từ mùng 1 tết cho đến giữa tháng Giêng, khắp phố phường rộn rã tiếng “tùng xèng” vui tai của các đoàn lân sư rồng hay các nhóm thần tài nhỏ lẻ. Đối với nghề này, mỗi năm chỉ trông vào dịp tết để có thu nhập, còn rằm Trung Thu thì ngắn ngủi chỉ 1 ngày và chủ yếu là “múa cho bọn trẻ vui thôi”.

Trong năm cũng có rải rác các sự kiện, hội nghị, khánh thành, khai trương… tập trung nhất vào mùa tết, đây cũng là nguồn thu nhập chính của các đoàn lân. Nhờ dịp tết mà các đoàn có thể tái đầu tư, mua sắm dụng cụ…

Lân sư rồng
Phước Anh Đường biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật lân sư rồng mở rộng lần III, năm 2013 tại quận 11, TPHCM

Anh Phước - trưởng đoàn Phước Anh Đường đến từ Lái Thiêu (Bình Dương) - cho biết: “Từ 3-4 tháng trước tết, các đoàn đã ráo riết luyện tập. Mỗi ngày tập 2 giờ vào buổi tối vì các thành viên ban ngày còn đi học hoặc đi làm”.

Những đoàn mới như Phước Anh Đường (3 năm) thù lao diễn luôn thấp hơn các đoàn khác, ví dụ một show diễn lớn của đoàn có thâm niên 20 năm là 10 triệu đồng thì đoàn mới chỉ được 5-6 triệu đồng. Còn nếu góp vui cho các chương trình vừa hoặc nhỏ thì thù lao chỉ vài trăm ngàn, chỉ đủ cho anh em uống nước. Nhưng họ vẫn tham gia, coi như là 1 buổi tập hoặc một cơ hội quảng bá thương hiệu.

Anh Phước nhận định: “Năm nay không được như năm ngoái, để tiết kiệm nên nhiều công ty không kêu múa lân dịp tết. Còn các gia đình người Hoa hoặc các công ty lớn vẫn chuộng múa lân để cầu may mắn nên anh em vẫn có show”.
Lân sư rồng
Sau buổi biểu diễn, Lê Anh Toàn (21 tuổi, đoàn Phước Anh Đường) nhễ nhại mồ hôi, một bạn diễn đang gỡ giúp những túm lông từ đầu lân bám trên người anh.
Lân sư rồng
Bữa cơm vội trước giờ biểu diễn của đoàn Đoàn Thắng Đường (TP.HCM) 

Gãy chân vẫn theo nghề

Một đoàn lân sư rồng có tên tuổi phải từ 40 “quân” trở lên. Những em nhỏ 9-10 tuổi chỉ đánh trống và phụ việc nhẹ. Từ 13-14 tuổi có thể múa nhưng lực lượng nòng cốt là độ tuổi 18-20. Đây là độ tuổi đẹp nhất, sung sức nhất của nghề múa lân.

Nhắc tới cái nghề đã thấm vào huyết quản của mình, ông Âu Chấn Hiệp, trưởng đoàn Chấn Nghĩa Đường tự hào: “Phải nói là ai theo nghề này là nghiện còn hơn xì ke, dù có chấn thương cũng không ai bỏ. Nếu xảy ra tai nạn khi diễn thì lúc lành xương họ lại tiếp tục, trong trường hợp vẫn bị ám ảnh thì họ sẽ làm động tác khác. Chỉ đến khi qua độ tuổi biểu diễn họ mới chịu thôi. Nhiều lão tiền bối bây giờ vẫn nuối tiếc lắm, nằm trong nhà mà nghe tiếng trống là chạy ra xem coi đoàn nào đang diễn”.
Lân sư rồng
Ở những pha biểu diễn nguy hiểm, các thành viên khác luôn đón sẵn ở dưới đề phòng tai nạn xảy ra (ảnh chụp đoàn Chấn Nghĩa Đường)

Nghề múa lân đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và tinh thần tập thể cao. Có những cặp nhảy mai hoa thung gắn bó 3-4 năm liền. Đội múa rồng đến 9 người nhưng phải đồng đều như một, luôn phối hợp, hiểu ý nhau… Tập luyện vất vả nhưng để duy trì một đoàn lân cũng lắm nỗi nhọc nhằn.

Anh Phước cho biết: “Trong năm không đi diễn thì tôi ở nhà làm đạo cụ: đầu lân, đầu rồng bán cho các đoàn khác, làm sẵn để đó tới tết mới có người mua. Nhiều khi anh em phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ mới mong duy trì được đoàn. Hoặc những người thân quen thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của đoàn thì cho mượn tiền không lấy lời, khi nào đi diễn thì trả lại”.
Lân sư rồng
Những nhóm thần tài nhỏ lẻ cũng tranh thủ dịp tết để kiếm thu nhập

Theo nghề lân sư rồng coi như không có tết. Từ sáng mùng 1 các đoàn đã bắt đầu mùa làm ăn, đến qua rằm tháng Giêng mới thật sự được nghỉ tết. Việc chúc tết ông bà, thăm nom họ hàng… họ cũng đành khất lại. Với họ, tết là những buổi rong ruổi khắp các nẻo đường, đem niềm vui, tài lộc đến với mọi nhà.

Theo Dantri

Các tin cũ hơn