Khó cấm công chức "ăn cắp giờ" đi lễ chùa

Thứ năm, 21/02/2013, 07:17
 "Việc cấm công chức đi lễ hội trong giờ làm là một việc cần thiết, tốt. Nhưng có lẽ là không thể cấm được", TS Đỗ Minh Cao chia sẻ về quy định của Hà Nội cấm công chức đi lễ hội đầu năm.

Chẳng ai kiểm tra được

Ngày 16/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013 và thực hiện năm kỷ cương hành chính sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo đó sẽ kiểm tra giám sát việc thực hiện kỷ luật công vụ, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, tập thể cơ quan, đơn vị sử dụng xe công đi lễ hội, tổ chức đi lễ trong giờ làm việc. Theo ông vì sao lại phải có quy định này?

- Thực tế từ trước đến nay, việc bỏ nhiệm sở đi lễ hội xảy ra rất phổ biến, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước. Ngoài việc sử dụng xe công, người ta còn "ăn cắp" giờ nhà nước để đi lễ hội, đi đền đi chùa. Việc ra một văn bản quy định là cần thiết, nhưng có lẽ cũng chỉ để cho "đẹp" mà thôi.

Đây là quy định có hiệu lực pháp lý, chứ đâu chỉ để cho vui thưa ông?

- Từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ thấy có ai bị xử lý vì đi lễ hội trong giờ hành chính cả. Ai kiểm soát được việc đó. Trong khi việc thì ít hoặc không có, chưa cần kíp, người ta đi ra ngoài hay đi lễ hội, ai biết, ai kiểm tra? Hơn nữa, nếu cán bộ công chức chỉ ngồi đó thôi mà không làm việc, thì cũng là một hình thức ăn cắp giờ nhà nước rồi.

Nghĩa là quy định chỉ để "cho có"?

- Tôi không phủ định hoàn toàn. Nó cần thiết ở trong một chừng mực nào đó để có cơ sở pháp lý xử lý với những trường hợp vi phạm. Nhưng làm thế nào kiểm soát được, cấm được, thì rất khó.

Thực tế nó đã tồn tại bao nhiêu năm rồi, có ai xử lý ai đâu. Việc "ăn cắp giờ" nhà nước cũng thế, ai xử lý được họ? Họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ, vẫn đạt danh hiệu lao động tiên tiến xuất sắc. Cuối năm vẫn đầy đủ lương thưởng. Ai trách được họ. Rõ ràng là không cấm được.

Nhưng ở góc độ pháp luật thì rõ ràng thì hành vi "ăn cắp giờ" đó là hành vi vi phạm pháp luật?

= Nhiều nơi kéo nhau cả đàn cả lũ đi hết chùa nọ chùa kia để cầu lộc cầu an. Thực tế nó đang diễn ra như thế. Chống lại thực tế, chống lại xu thế phát triển của số đông, thì khó lắm.

cong chuc

TS Đỗ Minh Cao, Trung tâm Văn hóa các dân tộc, Hội Văn hóa dân gian Việt Nam.

Bỏ nhiệm sở đi lễ, không hiếm!

Đã có thống kê nào về việc có bao nhiêu phần trăm người đi chùa là công chức hay chưa ạ?

- Tôi đọc và nghiên cứu nhiều nhưng cũng chưa bao giờ thấy có thống kê nào cả. Và cũng không ai có thể thống kê được. Chỉ biết, việc người ta bỏ nhiệm sở đi lễ hội không hiếm. Có nơi người ta đến làm việc, không có một nhân viên nào, kể cả bảo vệ. Nhiều nơi đã trở thành "thông lệ" vào mỗi dịp xuân về rồi.

Mỗi tuần có 2 ngày nghỉ, vì sao lại phải đi vào giờ làm nhỉ?

- Có thể là có nhiều lý do như ngày nghỉ thì đông, ngày nghỉ thì phải dành thời gian cho gia đình, trong khi giờ làm mà chỉ ngồi không... Tôi nghĩ điều này là dễ hiểu với thực tế hiện nay.

Có những người cho rằng đầu xuân, đi càng nhiều chùa thì càng nhiều lộc. Vì thế, phải tranh thủ mọi lúc để đi lễ, kể cả là trong giờ làm. Quan niệm này có đúng không thưa ông?

- Đó là quan niệm của người không hiểu về thế giới tâm linh. Thế giới tâm linh là đồng nhất, không biên giới. Đến một ngôi chùa nào đó là đã bước vào thế giới tâm linh rồi, chứ không nhất thiết phải là một nơi nổi tiếng hay không. Tôi vẫn phải nhắc lại, nếu có mong muốn cầu lộc cầu an, hãy đem cái tâm đến bất kỳ một ngôi đình, chùa nào đó. Đừng đem cái công cụ sống bình dân để gán cho thế giới tâm linh.

Những người không có niềm tin tôn giáo, họ không theo tôn giáo nào cả và cũng không đến đình chùa nào cả, liệu họ có kém may mắn hơn người khác không thưa ông?

- Hoàn toàn không. Tất cả chỉ là niềm tin của con người. Mình quan niệm như thế nào thì sống như thế. Chỉ cần sống tốt theo những chuẩn mực xã hội đó là được.

Đừng nghĩ cúng nhiều thì lắm lộc

Theo ông thì đi đình, chùa, lễ hội như thế nào mới là một hành vi văn minh, khoa học?

- Người dân tiếp cận các thông tin đi chùa như thế nào cho văn minh, khoa học thì rất ít. Không phải ai cũng am hiểu. Họ đi theo đám đông. Đi đình chùa, lễ hội, hãy coi trọng cái tâm của mình.

Thể hiện mình là một người có văn hóa, văn minh, bằng cách đem đến chùa một cái tâm trong sáng, thanh sạch, mong muốn những điều bình an, hạnh phúc cho bản thân và cho những người khác. Không phải cứ cầu cúng thật nhiều tiền vàng thì sẽ nhận lại được nhiều như thế. Giá trị vật chất không tồn tại trong các không gian linh thiêng.

Vậy là những mâm lễ vật to đùng, những tập vàng mã... đều không có ý nghĩa?

- Nó hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả. Người ta nhìn nhận rất sai lầm là cầu cúng bao nhiêu thì được nhận lại bấy nhiêu. Hãy hiểu rõ các khái niệm vật chất, tâm linh và tinh thần mỗi khi bước vào đình, chùa. Nó là hằng số văn hóa chứ không phải là hằng số vật chất.

Ông vừa nói vào đình, chùa thì vật chất không quan trọng, quan trọng là cái tâm. Tôi nghĩ ai đến đó cũng đem theo cái tâm chứ ạ?

- Không đâu. Người ta đem theo nhiều thứ lắm. Lòng tham. Mong muốn gột rửa tội lỗi. Mong giàu có hơn, bình an hơn, đứng cao hơn... Họ mong muốn được gột rửa lỗi lầm với đời là chính. Đó không phải cái tâm. Đó là đi chữa bệnh tinh thần. Muốn dựa vào thần thánh để tìm kiếm sự giải thoát.

Thế nào mới là có tâm ạ?

- Sống thanh thản, thật thà, không dối gạt ai cả, giúp đỡ mọi người, sống chân tình... là sẽ có cái tâm an. Mấy ai trong đời này có được cái tâm trong sạch một cách thuần khiết đâu. Còn khi vào chùa thì đó là tấm lòng thành kính, niềm tin vào nơi mình đến, thì tự nhiên sẽ có lộc, có tài.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! Chúc ông một năm mới bình an, hạnh phúc!

Người con xa nhà nhớ đến sinh nhật của bố mẹ đã có thể gọi là có hiếu rồi, không cứ phải có quà. Phật ở tại tâm. Không phải đem cả mâm vàng đến cầu khấn thì sẽ giàu có. Hãy đem cái tâm thanh thản đến chùa, tôn trọng các bậc thần linh để có được sự bình an và nhiều may mắn.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích