Ảnh minh họa - Nguồn: Dantri |
Theo UBND Q.1, dự kiến đến hết tháng 3/2013 sẽ tổ chức xong 69 buổi lấy ý kiến của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong quận. Những nội dung được quan tâm trong dự thảo là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, chế độ chính trị, tòa án hiến pháp...
Trả lời các câu hỏi của báo chí ngay sau cuộc làm việc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP, trưởng ban chỉ đạo - cho biết nhiều ý kiến tại đa số cuộc góp ý, người dân đánh giá điều 4 của dự thảo có tiến bộ, nói rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng.
Theo bà Tâm, người dân TP cũng phân tích Đảng lãnh đạo cách mạng VN có đúng, có sai. Cái gì sai Đảng sửa, cái gì đúng thì tiếp tục phát huy, không phải vì cái sai nào đó mà mất niềm tin.
“Người dân có thể mất niềm tin vào cán bộ A, cán bộ B thực thi không đúng trách nhiệm của mình nhưng vẫn tin vào sự lãnh đạo của Đảng” - bà Tâm nói.
Bà Tâm nhấn mạnh nội dung nào trong dự thảo cũng cần được quan tâm, góp ý. Tuy nhiên từ thực tiễn của TP.HCM có những vấn đề cần góp ý sâu, phân tích thực tiễn để góp phần vào việc sửa đổi Hiến pháp đạt chất lượng hơn.
Theo bà Tâm, tại TP.HCM có thực tiễn rất sinh động trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Từ những cách làm mới của TP đã giúp trung ương suy nghĩ và ngày càng hoàn thiện đường lối đổi mới, phù hợp thực tiễn. Cũng từ đó, chất lượng lãnh đạo của Đảng được nâng cao, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Bà Tâm còn cho biết trong cơ chế hiện nay, việc điều hành của bộ máy chính quyền TP có gặp khó khăn do sự phát triển của TP và đặc thù của một đô thị đặc biệt. Nếu nói gọn như dự thảo trong chương chính quyền địa phương, e rằng quá trình tổ chức thực hiện sẽ gặp khó khăn.
“Từ thực tiễn của mình, TP cần có tiếng nói và chúng tôi đã gợi ý cho các chuyên gia, các nhà nghiên cứu... đưa ra những góp ý bài bản, phân tích kỹ lưỡng” - bà Tâm nói.
* Cùng ngày, tại hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Ủy ban MTTQVN TP.HCM tổ chức, nhiều đại biểu là ủy viên Ủy ban MTTQVN TP.HCM đều thống nhất về việc xác nhận vai trò của Đảng Cộng sản VN như dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.Tuy nhiên, cần phải luật hóa cụ thể vai trò này bằng các đạo luật.
Theo giáo sư Trần Đông A, việc luật hóa này sẽ vừa tăng sức mạnh của hệ thống chính trị vừa đảm bảo tính nghiêm minh để đảng viên và các tổ chức Đảng phải tuân theo. Đồng thời sẽ tăng tính thực tiễn về vai trò giám sát của MTTQ.
Tại hội nghị, một số đại biểu cũng đề nghị đưa doanh nhân vào liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức - nền tảng của quyền lực nhà nước, được quy định tại điều 2 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
* Ngày 26/2, tại hội nghị các nhóm phụ nữ góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khu vực Nam Trung bộ do Hội Liên hiệp phụ nữ VN tổ chức ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), luật sư Đặng Thị Kim Ngân (TP Nha Trang) đề nghị nên đưa Hoàng Sa - Trường Sa vào Hiến pháp.
Theo bà Ngân, điều 1, chương 1, Hiến pháp nêu “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Để thể hiện rõ quyết tâm về chủ quyền biển đảo, nên bổ sung cụm từ “Hoàng Sa - Trường Sa” thêm vào phần cuối điều 1, chương 1.
“Việc bổ sung không khó về kỹ thuật lập pháp và nếu đưa vào sẽ rất hợp lòng dân” - bà Ngân nói.
Bà Ngân còn cho biết nhiều sinh viên VN du học rất bất ngờ khi các bạn học người Trung Quốc nói Hoàng Sa - Trường Sa là của nước họ.
“Rõ ràng Trung Quốc đã giáo dục thanh thiếu niên về vấn đề đó, thanh thiếu niên VN mà quan tâm không sâu sắc đến vấn đề này là không ổn. Cho nên chúng tôi cho rằng lần sửa đổi Hiến pháp này rất cần thiết khẳng định luôn chủ quyền VN đối với Hoàng Sa - Trường Sa” - bà Ngân phân tích.
Theo Tuoitre