Ngày 23/4, Sở Nội vụ Đà Nẵng cho hay, sau 15 năm đã thu hút được hơn 1.000 người trình độ đại học trở lên, trong đó có 696 nữ. Tiếp nhận nhiều nhất là nhóm ngành xã hội, kế đến là ngành y tế và giáo dục.
Ngoài công việc ổn định ở các cơ quan, sở, ban, ngành của thành phố, công chức trong diện thu hút nhân tài được thành phố đãi ngộ nhiều chế độ như hỗ trợ 15 triệu đồng, trợ cấp lương hàng tháng 1,5 triệu đồng, thuê nhà chung cư giá rẻ và có cơ hội thăng tiến cao...
Kết quả khảo sát cho thấy, 90% đối tượng thu hút đạt yêu cầu trở lên. So sánh với các nhân viên cùng trình độ, thâm niên công tác, có đến gần 80% cơ quan khảo sát nhận định đối tượng thu hút có năng lực tiếp cận công việc nhanh hơn.
Ngoài 90% cán bộ diện thu hút nhân tài đạt yêu cầu trở lên, tại các sở, ngành của UBND thành phố, cứ 5 người thuộc diện này lại có một người được được bổ nhiệm chức vụ phó trưởng phòng trở lên. Nhiều người được bổ nhiệm chức danh giám đốc, lãnh đạo sở ngành. Trong 206 người được bộ nhiệm chức vụ có tới 48% là nữ giới.
Nhiều công chức trong diện thu hút nhân tài ở Đà Nẵng là nữ giới. Ảnh: Nguyễn Đông |
"Chính sách thu hút nhân tài đã giúp Đà Nẵng trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bổ sung nhân lực kịp thời, tăng nguồn nhân lực có trình độ, dám nghĩ, dám làm góp phần vào sự phát triển của thành phố", Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ nói.
Nhưng ông Ngữ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như vẫn còn một tỷ lệ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, thiếu kỹ năng, chưa khiêm tốn; mức lương và phụ cấp hiện nay chưa đảm bảo cho cán bộ diện thu hút nhân tài sống bằng lương, việc thực hiện chính sách cho những người này chưa đầy đủ và kịp thời...
Đồng quan điểm, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng cho rằng, để tạo hiệu quả thực sự từ việc thu hút nhân tài, đã đến lúc Đà Nẵng không thể ngồi chờ người tài tìm đến mà phải chủ động đi tìm, mời những người giỏi nhất trong từng lĩnh vực về thành phố làm việc và cần thiết phải có đề án bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Theo tôi, cần tạo điều kiện tốt nhất cho người làm được việc nhưng cũng cần loại bỏ những người làm không tốt. Những người giỏi tại chỗ, không thuộc diện thu hút nhân tài cũng cần có chế độ đãi ngộ tương đương, tránh tình trạng đố kỵ, ghen ghét nhau trong công việc", ông Tiếng kiến nghị.
Còn tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn (ĐH Kinh tế Đà Nẵng) nhìn nhận, thu hút nhân tài là một chuyện nhưng quan trọng hơn là phải giữ chân họ. Tình trạng "chảy máu chất xám" sau thu hút nhân tài ở Đà Nẵng chưa đến mức báo động, nhưng cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó cùng với "chiêu hiền" phải đi liền với "đãi sĩ". "Nơi người tài được tôn vinh sẽ là nơi họ gắn bó lâu bền", ông Tuấn nói.
Theo VNE