Tiếng sét ái tình
Tết 2010, trong dịp về thăm quê hương ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, anh Peter Đặng 35 tuổi, Việt kiều Úc đã bị trúng ngay tiếng sét ái tình từ lần gặp gỡ đầu tiên chàng thanh niên ở địa phương tên Tuấn kém anh đến 10 tuổi.
Tuy chỉ làm nghề nông quanh năm chân lấm tay bùn nhưng Tuấn lại có khuôn mặt khá điển trai, cao hơn 1,8m với thân hình săn chắc không thua kém các người mẫu nam chốn thành thị.
Đặc biệt hơn, Tuấn là một gay kín nên không bao giờ nghĩ tới chuyện lập gia đình bất kể rất nhiều lần mối mai của gia đình, hàng xóm và bạn bè.
Ngay sau buổi trò chuyện đầu tiên chỉ kéo dài hơn 20 phút, Peter và Tuấn đã trở nên thân thiết. Họ trao đổi số di động cho nhau và Peter hứa sẽ gọi ngay cho Tuấn sau khi về đến TP.HCM vì có việc cần giải quyết gấp.
Sau đó là những lần “nấu cháo” trên điện thoại của Peter hầu như mỗi ngày với người bạn mới quen. “Tuấn như một thỏi nam châm hút lấy tôi hàng ngày, hàng giờ không thể dứt ra được, kể cả trong giấc ngủ”, Peter thổ lộ.
Chuyện gì đến cũng sẽ đến. Hai tuần sau, Peter bỏ cả việc kinh doanh nhà hàng ở Úc và quyết định gia hạn visa lưu trú thêm 1 tháng để có thêm thời gian tìm hiểu và gần gũi Tuấn.
Một tuần sau đó, Tuấn lên TP.HCM theo lời mời của Peter để cùng đi du lịch đến Phú Quốc và sau đó sang tận Thái Lan vốn là thiên đường nghỉ dưỡng của giới gay. “Tôi chọn những nơi này để tránh dư luận không tốt cho Tuấn”, Peter cho biết.
Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn. Peter chia tay với Tuấn tại sân bay Tân Sơn Nhất trong lưu luyến và không quên tặng cho người tình mới của mình 2.000 AUD nhằm mục đích “giữ chân”.
Ngay sau khi về đến Úc, Peter gọi cho Tuấn trong hơn 2 giờ đồng hồ để tâm sự và hứa sẽ quay lại Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Sau đó, Peter nhanh chóng hoàn tất thủ tục ly hôn với vợ cũ vốn đã ly thân được hơn hai năm để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai với Tuấn. Ba tháng sau, Peter sắp xếp được việc trông coi nhà hàng ở Sydney với người quản lý và ngay lập tức quay lại Việt Nam.
Tuấn ra sân bay đón Peter trong niềm vui khôn tả và họ quyết định thuê phòng ở 1 khách sạn 3 sao thuộc khu vực trung tâm quận 1, TP.HCM để chung sống. Họ cùng đi du lịch khắp Việt Nam và sau đó đến Hồng Kông, Indonesia và Philippines.
Bốn tháng trôi qua nhanh chóng và đến lúc Peter phải quay về Úc để giải quyết việc kinh doanh. “Tôi không thể sống thiếu Tuấn được và đã quyết định nộp ngay hồ sơ bảo lãnh trước khi lên máy bay”, Peter nói.
Tuy nhiên, thật không may, sau 6 tháng xét duyệt kể cả phỏng vấn, hồ sơ bảo lãnh Tuấn sang Úc định cư đã bị từ chối vì thời gian quen biết chỉ mới hơn 7 tháng và bằng chứng chưa đủ sức thuyết phục về mối quan hệ.
“Tôi quá thất vọng và đã bay về Việt Nam ngay để đối chất với viên chức lãnh sự cùng việc trưng ra bằng chứng nhạy cảm nhất, nhưng họ vẫn không tin”, Peter bức xúc.
Sau đó, Peter đã bỏ ra hơn 5.000 AUD để thuê luật sư kiện quyết định từ chối cấp visa của lãnh sự quán ở TP.HCM và gần 9 tháng sau, cả 2 được đoàn tụ ở Úc trong niềm vui vô bờ. Họ đã chung sống hạnh phúc bên nhau đến tận ngày hôm nay.
Cửa đã mở
Peter và Tuấn là 1 trong những hồ sơ di dân điển hình của loại visa cấp cho các đương đơn là công dân Việt Nam được người phối ngẫu đồng tính bảo lãnh sang Úc theo diện 310. Diện này dành cho các cặp đồng tính có mối quan hệ trên 12 tháng, có đầy đủ bằng chứng và không cần đăng ký kết hôn.
Sau thời gian thử thách hai năm ở Úc, nếu cả hai chứng minh được mối quan hệ đồng tính thật sự như có chung tài khoản ngân hàng, đứng chung chủ quyền bất động sản, cùng sở hữu và điều hành công việc kinh doanh… Bộ Di trú nước này sẽ cấp cho đương đơn visa thường trú nhân chính thức để sau ba năm có thể nộp đơn thi quốc tịch Úc. Loại visa này có thể áp dụng cho cả các cặp đồng tính nữ.
Hiện nay, ngoài Úc, một số quốc gia trên thế giới đã chấp nhận hôn nhân đồng giới gồm New Zealand, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Iceland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi và Argentina. Mới nhất, ngày 11.4.2013, Hạ viện Uruguay cũng đã thông qua luật hôn nhân đồng giới với 71/92 phiếu thuận.
Ngoài ra 1 số bang ở Brazil, Mexico và Mỹ cũng chấp thuận luật này. Vấn đề hôn nhân đồng giới đang gây ra nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa giữa phe chấp thuận và phản đối ở nhiều nước. Hiện các nước Anh, Pháp và Mỹ cũng đang cân nhắc việc thông qua luật này.
“Con số thống kê không chính thức cho thấy, các đối tượng đồng tính nam và nữ trong nước đang ngày càng gia tăng, thể hiện một xu hướng mới của giới trẻ hiện đại. Vì vậy, tôi đã ký hợp đồng tư vấn cho ít nhất 5 trường hợp trong năm 2012 cho hồ sơ bảo lãnh theo diện đoàn tụ đồng tính chủ yếu đến Úc và Canada”, một luật sư tư vấn di trú tại TP.HCM nói.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, cánh cửa cho hôn nhân đồng giới vẫn còn khép kín. Mới đây, theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp vừa được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến, việc kết hôn giữa những người đồng giới sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đề xuất này lập tức gặp phải làn sóng phản đối quyết liệt từ “thế giới thứ 3”.
Nguyễn Minh, nhân viên Marketing ở quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Điều này thể hiện Bộ Tư pháp đang đi ngược lại với quyền con người, quyền mưu cầu hạnh phúc của người đồng tính. Trước đây, Bộ này cũng từng đề xuất cho phép kết hôn đồng tính nhưng sao nay lại quay ngoắt 180 độ”.
Hiện nay, do đặc thù văn hóa, chưa một nước nào ở châu Á chấp nhận hôn nhân đồng tính. Thái Lan là quốc gia dùng sex như một chiêu để thu hút du khách, trong đó một bộ phận không nhỏ là giới đồng tính trên khắp thế giới, nhưng vẫn chưa thể bàn tới luật nhạy cảm này.
Truyền thống Á Đông ngàn đời vẫn còn đè nặng lên nếp nghĩ của người dân Việt, kể cả những người làm luật. Vì thế, cánh cửa cho hôn nhân đồng tính hiện vẫn còn khép chặt, trong khi luật di dân của một số nước dành cho giới này đã bắt đầu rộng mở.
Theo Nhipcaudautu